Ukraine từng sử dụng xe thiết giáp trong bảo tàng để phòng thủ Kiev
(Dân trí) - Sự thiếu hụt vũ khí trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột Nga - Ukraine đã buộc các lực lượng quân đội Ukraine sử dụng các xe thiết giáp trong viện bảo tàng nhằm bảo vệ thủ đô Kiev.
Trong một thông tin được đăng tải trên mạng xã hội Facebook, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia về Chiến tranh Thế giới thứ II của Ukraine cho biết, quân đội nước này từng sử dụng các xe thiết giáp từ thời Thế chiến II được trưng bày tại bảo tàng này trong công cuộc phòng thủ Kiev.
Việc tận dụng các phương tiện bóc thép tưởng như đã không còn giá trị này diễn ra vào giai đoạn đầu của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Trong khoảng thời gian đó, quân đội Ukraine vẫn chưa nhận được nhiều viện trợ từ phương Tây và đang ở trong tình trạng thiếu hụt vũ khí nghiêm trọng.
Theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia về Chiến tranh Thế giới thứ II của Ukraine, các khí tài từ cuộc chiến chống Phát xít Đức tại đây vẫn được lưu giữ ở tình trạng rất tốt. Chính vì vậy, lực lượng phòng thủ Kiev không mất nhiều thời gian để đưa các "hiện vật trưng bày" này trở lại trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Các hiện vật trên đã đóng một vai trò không nhỏ trong công cuộc phòng vệ thủ đô Kiev trước sức tấn công dữ dội của quân đội Nga. Trong hơn một tháng rưỡi, người dân Kiev đã quen thuộc với hình ảnh xe bọc thép BMD-1 đứng gác ở cửa ngõ thủ đô như một người cận vệ già trung thành.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các khí tài trên đã được đưa trở lại trưng bày tại bảo tàng vào hôm 24/5.
Sự thiếu hụt vũ khí của Ukraine trong giai đoạn đầu của xung đột với Nga nhanh chóng được các đồng minh phương Tây khỏa lấp. Rất nhiều trang thiết bị hiện đại đã được gửi đến chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Các vũ khí kể trên bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực, tên lửa phóng loạt, lựu pháo, pháo tự hành, xe chiến đấu bộ binh và cả trực thăng tấn công,… đã và đang hỗ trợ tích cực cho nỗ lực phòng thủ của quân đội Ukraine.
Tuy vậy, trước sức ép ngày càng tăng từ các đợt tiến công của quân đội Nga, các quan chức chính phủ Ukraine trong thời gian gần đây vẫn liên tục kêu gọi các đồng minh, đặc biệt là Đức và Mỹ, chuyển giao thêm các loại vũ khí có khả năng tấn công tầm xa cùng tên lửa phòng không cho quân đội nước này.