1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine thừa nhận Nga kháng cự mạnh

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Nga đang kháng cự quyết liệt, song cũng nhấn mạnh chiến dịch phản công hiện nay của Kiev sẽ quyết định cục diện chiến sự.

Ukraine thừa nhận Nga kháng cự mạnh - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: AP).

"Quân đội của chúng tôi trên tiền tuyến đang đối mặt với sự kháng cự rất gay gắt của Nga", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trả lời phỏng vấn NBC ngày 15/6.

Ông cũng nêu rõ: "Đối với Nga, thất bại trước chiến dịch phản công này của Ukraine có nghĩa là họ bại trận".

Bất chấp những thách thức rõ ràng hiện nay, ông Zelensky cố gắng đưa ra một hướng lạc quan về tình hình chiến sự. Ông nói rằng, những tin tức từ tiền tuyến tưởng rất khó khăn, nhưng nhìn chung tích cực.

Ông một lần nữa kêu gọi các đồng minh, đối tác phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev. Ông nhấn mạnh, nếu Ukraine không được cung cấp máy bay hiện đại của phương Tây, Nga sẽ kiểm soát bầu trời.

"Tôi hiểu rằng có thủ tục hành chính. Tuy nhiên, chúng tôi đang để mất thời gian, chúng tôi đang mất người và, điều quan trọng nhất, chúng tôi đang mất ưu thế của mình. Nga đang kiểm soát không phận. Ukraine muốn có thể cạnh tranh trên không, hãy để chúng tôi làm điều đó ngay hôm nay", ông Zelensky nói.

Các lực lượng Ukraine đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào ngày 8/6, và liên tục cố gắng chọc thủng phòng tuyến của Nga ở một số khu vực. Ukraine tuyên bố đã giành lại hơn 100km2 lãnh thổ và tiếp tục phản công mặc dù giao tranh rất khốc liệt, khó khăn.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định các cuộc phản công của Ukraine đều thất bại. Ngày 14/6, Moscow ước tính 7.500 binh sĩ của Ukraine bị thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi bắt đầu chiến dịch phản công.

Một ngày trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, Ukraine đang hứng chịu tổn thất "ở mức thảm họa", lớn hơn gấp 10 lần thiệt hại của Moscow. Ông cho biết, Kiev đã không giành lại được bất kỳ cơ sở nào và đã mất tới 30% thiết bị do phương Tây cung cấp.

Giới chức và các chuyên gia phương Tây nhận định, cuộc phản công của Ukraine mới ở giai đoạn tấn công thăm dò, khó khăn vẫn còn ở phía trước. Tại cuộc họp ngày 15/6, các lãnh đạo quốc phòng phương Tây cam kết tiếp tục hỗ trợ cho Kiev lâu nhất có thể.

Liên minh 4 nước gồm Anh, Đan Mạch, Hà Lan và Mỹ thông báo sẽ viện trợ khẩn cấp hàng trăm tên lửa cho Kiev. Theo Bộ Quốc phòng Anh, đó là những vũ khí cần thiết để Ukraine có thể bảo vệ cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho chiến dịch phản công của Kiev thành công trong vài tháng tới.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho biết, nước này sẽ chuyển thêm 64 tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine. Tháng trước, Berlin đã công bố gói viện trợ gần 3 tỷ USD nhằm giúp Ukraine tăng cường năng lực phòng thủ. Đây là gói viện trợ quân sự lớn nhất của Đức kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra.

Theo RT, Guardian