Ukraine thất bại trong kế hoạch bổ sung nguồn lực cho các đơn vị chiến đấu
(Dân trí) - Chiến lược thành lập các lữ đoàn mới thay vì tăng cường sức mạnh cho những đơn vị chiến đấu cũ của Ukraine được cho là đã không phát huy hiệu quả.
Tình trạng thiếu hụt binh lính tham gia chiến đấu trong cuộc xung đột với Nga cho tới nay vẫn là thách thức lớn nhất đối với Ukraine.
Năm 2024, Kiev đưa ra chiến lược giải quyết vấn đề này bằng cách thành lập các lữ đoàn mới thay vì tăng cường sức mạnh cho những đơn vị cũ hiện có.
Tuy nhiên, Michael Kofman - chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế đánh giá đây là một chiến lược thất bại, không phát huy được hiệu quả trong thực tiễn.
"Việc mở rộng lực lượng bằng những lữ đoàn mới trong khi lại rất cần bổ sung nhân lực cho những đơn vị có kinh nghiệm chiến đấu trên chiến trường đã khiến Ukraine phải trả giá", ông Kofman bình luận.
Theo chuyên gia Kofman, vì có rất ít kinh nghiệm thực chiến, các đơn vị mới của quân đội Ukraine "về cơ bản tác chiến không hiệu quả".
"Như chúng ta thấy năm 2023, các đơn vị mới hoạt động rất yếu kém cả trong vai trò phòng thủ và tấn công. Họ cần phải có thêm thời gian để tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện sự tự tin và khả năng gắn kết", ông Kofman cho biết.
Hậu quả là, chiến lược của Ukraine đã bị phá sản một phần khi các tiểu đoàn từ những lữ đoàn mới thành lập, cuối cùng lại được điều chuyển tới bù đắp cho tổn thất ở những đơn vị đang chiến đấu.
Tháng 5/2024, lãnh đạo Ukraine tuyên bố kế hoạch thành lập 10 lữ đoàn mới và mỗi một đơn vị như vậy sẽ được biên chế vài nghìn quân. Làm như vậy, họ hy vọng sẽ có được những đơn vị mới để luân chuyển tác chiến bù đắp cho những tổn thất ngoài mặt trận.
"Đơn giản là không có giải pháp hiệu quả nào khác để chống lại đối phương với số quân áp đảo", một phát ngôn viên của lực lượng vũ trang Ukraine cho biết vào tháng 11/2024. "Chúng tôi có một mặt trận dài 1.300km với các cuộc giao tranh diễn ra liên tục".
Một số đơn vị trực thuộc các lữ đoàn mới này của quân đội Ukraine được huấn luyện bởi các lực lượng phương Tây. Chẳng hạn như, Lữ đoàn Cơ giới 115 đã cử gần một nửa binh sĩ mới đi huấn luyện tại Pháp.
Thế nhưng, đợt xuất quân đầu tiên của đơn vị năm ngoái đã gây ra một cuộc khủng hoảng với Ukraine khi xuất hiện nhiều thông tin cho thấy tỷ lệ binh lính đào ngũ quá cao. Sau đó, quân đội Ukraine buộc phải phân tán Lữ đoàn 155 để tăng nguồn lực cho các lữ đoàn khác.
Nhà báo Ukraine Yuriy Butusov cho biết, khi bị thu hẹp, Lữ đoàn 155 đã phải điều chuyển cả các chuyên gia về máy bay không người lái (UAV) đi làm nhiệm vụ của bộ binh.
Vấn đề này khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi cho chiến lược xây dựng nguồn nhân lực của quân đội Ukraine.
"Có lẽ thật xuẩn ngốc khi thành lập các lữ đoàn mới và trang bị cho họ những công nghệ tiên tiến trong khi các lữ đoàn hiện tại lại thiếu người", Trung tá Bohdan Krotevych, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Azov chỉ trích.
Lữ đoàn 155 được cung cấp xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất, hàng chục xe bọc thép, lựu pháo và xe chở quân của Pháp.
Theo chuyên gia Kofman, vụ bê bối của Lữ đoàn 155 cũng chỉ là "trường hợp nghiêm trọng nhất" trong số nhiều vấn đề quản lý lực lượng mà Ukraine đang gặp phải.