1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý do binh lính Ukraine ngày càng suy giảm ý chí chiến đấu

Anh Minh

(Dân trí) - Áp lực chiến tranh cường độ cao, công tác chỉ huy yếu kém cùng với việc tổ chức biên chế vũ khí không hợp lý được cho là những nguyên nhân khiến binh sĩ Ukraine suy giảm sức chiến đấu.

Lý do binh lính Ukraine ngày càng suy giảm ý chí chiến đấu - 1

Phần lớn binh sĩ Ukraine là những tân binh chưa được huấn luyện chu đáo hoặc thiếu kinh nghiệm quân sự (Ảnh: AFP).

Động cơ chiến đấu suy giảm

Theo kết quả khảo sát được Viện Xã hội học Quốc tế Kiev (KIIS) thực hiện từ ngày 2/12 - 17/12/2024, tỷ lệ binh sĩ Ukraine có sức chịu đựng chiến tranh cường độ cao trong thời gian dài đã có sự sụt giảm đáng kể. 

Từ thời điểm cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022 đến tháng 2/2024, tỷ lệ trên gần như duy trì ở mức ổn định, khoảng từ 71-73% binh lính nói rằng họ sẵn sàng chịu đựng chiến tranh trong thời gian dài nhất có thể.

Tuy nhiên, giai đoạn từ tháng 2-10/2024, số liệu của KIIS lần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm tỷ lệ binh sĩ sẵn sàng chịu đựng sức ép chiến tranh xuống còn 63%. Đặc biệt, thống kê này chỉ còn 57% trong khoảng thời gian từ tháng 10-12/2024.

Nếu tính theo khu vực chiến sự thì khả năng chịu đựng sức ép chiến đấu cường độ cao có sự sụt giảm rõ nét ở miền nam và miền đông Ukraine trong giai đoạn từ tháng 2-10/2024. Tỷ lệ này ở miền tây và miền trung được duy trì ở mức tương đối ổn định.

Hồi cuối tháng 12/2024, báo Washington Post trích dẫn các nguồn tin quân sự Ukraine am hiểu tình hình cho biết, sau gần 3 năm giao tranh, binh lính nước này đang ngày càng trở nên mệt mỏi trong cuộc xung đột với Nga. Họ cho rằng mục tiêu chiến thắng không còn khả thi nữa, dù trước đó từng tuyên bố sẵn sàng chiến đấu cho đến khi giành lại được toàn bộ lãnh thổ.

"Chúng tôi từng nói về chiến thắng, nhưng tình hình hiện tại rất mơ hồ", một chỉ huy sư đoàn cơ giới của quân đội Ukraine đóng tại vùng Dnepropetrovsk chia sẻ với Washington Post. "Binh lính Ukraine không còn duy trì được tinh thần lạc quan nữa. Sức chiến đấu của họ đang giảm sút".

Lý do binh lính Ukraine ngày càng suy giảm ý chí chiến đấu - 2

Thiếu đạn pháo từng là nguyên nhân cản trở hoạt động phòng thủ của binh lính Ukraine ở thành phố Avdiivka vùng Donetsk (Ảnh: Anadolu).

Chưa lâm trận đã tan rã

Trong bài viết đăng tải trên tạp chí Forbes ngày 1/1, cây bút David Axe đã tường thuật lại một tình cảnh khá khôi hài và bi đát của quân đội Ukraine khi tham gia chiến đấu chống lại "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga.

Để chuẩn bị cho chiến dịch ngăn chặn đợt tiến công của khoảng 70.000 lính Nga đang tiến về Pokrovsk, thành phố pháo đài ở vùng Donetsk phía đông, quân đội Ukraine đã quyết định tăng cường sức mạnh cho trận địa này.  

Tuy nhiên, một trong những đơn vị tăng cường - Lữ đoàn bộ binh cơ giới 155 mới thành lập và nằm trong số ít lực lượng được biên chế xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất và lựu pháo Caesar của Pháp, lại tự mình tan rã trước khi kịp đến Pokrovsk. 

Lữ đoàn 155 được cho là có hơn 5.800 quân, lớn hơn nhiều so với hầu hết các đơn vị chiến đấu cùng cấp khác thuộc lực lượng bộ binh Ukraine.

Thế nhưng, khoảng 1.700 trong số 5.800 binh sĩ của Lữ đoàn 155 đã tự ý "vắng mặt không phép" (AWOL) trong quá trình hoạt động kéo dài 9 tháng ở miền tây Ukraine, Ba Lan và Pháp. Tháng 11/2024, gần 500 binh lính được báo cáo vẫn đang vắng mặt. 

"Đây là một thất bại trong công tác lãnh đạo và tổ chức", Tatarigami, nhà sáng lập nhóm phân tích thông tin tình báo mặt trận ở Ukraine bình luận. 

Dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Volodymyr Zelensky, các chỉ huy quân sự, gồm cả Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Oleksandr Stanislavovych Syrskyi thường đặt ưu tiên cho việc thành lập các lữ đoàn mới, thay vì bổ sung lực lượng cho những đơn vị hiện có. 

Tuy nhiên, ít nhất 14 lữ đoàn dạng này đã giảm chỉ còn một nửa hoặc thậm chí thấp hơn, chỉ sau 34 tháng tham chiến.

Các lữ đoàn mới hoạt động không hiệu quả do lãnh đạo không đồng đều, thiếu trang thiết bị và nhất là chưa được huấn luyện tốt khiến cho các tân binh có xu hướng đào ngũ ngay từ những ngày đầu.

Hậu quả là những ngày gần đây, khi được đưa ra chiến tuyến ở Pokrovsk, Lữ đoàn 155 đã phải hứng chịu thương vong nặng nề, thậm chí là mất cả xe tăng và xe bọc thép. 

Theo Trung tá Bohdan Krotevych, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Azov của lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, số binh lính và xe tăng nói trên đáng ra sẽ có cơ hội chiến đấu tốt hơn nếu đặt dưới sự chỉ huy của các lữ đoàn có kinh nghiệm.

"Thật xuẩn ngốc khi thành lập các lữ đoàn mới và trang bị cho họ những vũ khí như vậy, trong khi những đơn vị hiện tại lại thiếu?", ông Krotevych chất vấn. 

"Ban lãnh đạo chính trị và quân sự hàng đầu của đất nước thực sự đã đem Lữ đoàn 155 ra làm trò đùa. Họ không thèm chuẩn bị và huấn luyện cho chu đáo. Không để các chỉ huy lữ đoàn có thời gian xây dựng khả năng sẵn sàng chiến đấu cho đơn vị", phóng viên chiến trường người Ukraine Yuriy Butusov cho biết.

Chỉ sau khi hứng chịu thảm hại trong chiến đấu thì đội ngũ lãnh đạo Ukraine mới bắt tay vào việc tăng cường huấn luyện và trang bị cho số binh sĩ của Lữ đoàn 155 còn sống sót. 

Đây là việc mà Tatarigami và Krotevych cho rằng họ phải làm ngay từ đầu: phân bổ lực lượng này cho các lữ đoàn đã được rèn rũa vững chắc ở Pokrovsk.

Tuy nhiên, giờ thì mọi việc đã muộn. Làm sao có thể lấy lại số binh sĩ và xe tăng mà Lữ đoàn 155 đã để mất?