1. Dòng sự kiện:
  2. Ông Trump bị ám sát hụt
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine tăng tốc sản xuất vũ khí bất chấp "mưa hỏa lực" của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine tuyên bố lượng đạn cối và đạn pháo nước này sản xuất đã tăng mạnh so với năm ngoái bất chấp các nhà máy quân sự ở nước này thường xuyên trở thành mục tiêu tấn công của Nga.

Ukraine tăng tốc sản xuất vũ khí bất chấp mưa hỏa lực của Nga - 1

Xe tăng của lực lượng Ukraine di chuyển ở vùng Donetsk (Ảnh: Reuters).

Chỉ vài tháng sau khi được giao nhiệm vụ giám sát ngành công nghiệp vũ khí của Ukraine, Bộ trưởng Công nghiệp chiến lược Oleksandr Kamyshin cho biết Kiev vào tháng 6 đã sản xuất nhiều đạn cối và đạn pháo hơn so với cả năm 2022 cộng lại. Ông từ chối cung cấp con số chi tiết.

Theo giới quan sát, đây được xem là diễn biến tích cực với Kiev khi các nhà máy quân sự của họ liên tục trở thành mục tiêu tập kích của hỏa lực Nga trong nỗ lực "phi quân sự hóa" Ukraine mà Moscow từng nhiều lần công bố.

Mặc dù vậy, ông Kamyshin thừa nhận Ukraine vẫn còn nhiều việc cần làm. "Tôi không cho đó là điều quá tuyệt vời khi chúng tôi tăng sản lượng đạn dược trong ba tháng. Chúng tôi sản xuất quá ít vào năm 2022", ông giải thích.

Áp lực đặt lên ông Kamyshin ngày càng gia tăng khi cuộc chiến ngày càng kéo dài và Ukraine gặp phải áp lực dồn dập vì thiếu hụt vũ khí. Bài toán đặt ra là Kiev cần phải chủ động hơn trong việc sản xuất vũ khí nội địa để giảm phụ thuộc vào phương Tây trong tương lai.

Trong khi đó, Nga vẫn tiếp tục tập kích bằng vũ khí dẫn đường chính xác vào các mục tiêu quân sự của Ukraine, bao gồm có các nhà máy sản xuất đạn dược, khí tài.

Ông Kamyshin đồng thời đặt ra mục tiêu biến Ukraine thành một nhà xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới.

"Chúng tôi phải có tham vọng, bởi vì chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Mục đích của tôi là biến Ukraine thành kho vũ khí của thế giới tự do", ông Kamyshin nói.

Vào năm 2012, Ukraine từng là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 4 thế giới. Là một phần của Liên Xô cũ, nước này được thừa hưởng hệ thống nhà máy sản xuất vũ khí quy mô lớn.

Ông Kamyshin được xem là một nhân vật nổi bật trên chính trường Ukraine khi ông từng lãnh đạo đơn vị phụ trách đường sắt ở nước này. Dưới sự chỉ đạo của ông, hệ thống đường sắt và tàu hỏa của Ukraine vẫn hoạt động tương đối hiệu quả dưới các vụ tập kích, tình trạng mất điện và một phần mạng lưới bị Nga kiểm soát.

Vào cuối tháng 3, ông được bổ nhiệm trở thành bộ trưởng phụ trách các ngành công nghiệp chiến lược, bao gồm cả quốc phòng.

Trọng tâm của ông trong giai đoạn đầu là sản xuất đạn pháo, tiếp đến là xe tăng và thiết giáp. Ông đồng thời kêu gọi các nhà thầu nước ngoài tới Ukraine mở nhà máy sản xuất.

Theo quan chức này, Ukraine có lợi thế là chi phí thấp, các cơ sở sản xuất đang được di dời và xây dựng lại trong vòng vài tháng, và các nhà thầu có thể nâng cấp vũ khí dựa vào kinh nghiệm chiến đấu thực tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây dường như là mục tiêu khó thành hiện thực. 

Bà Marta Kepe, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corporation, một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết: "Hệ thống phòng không không thể chặn toàn bộ các cuộc tấn công. Liệu các nhà thầu nước ngoài sẽ sẵn sàng đặt nhân viên của họ vào mối đe dọa (bị tập kích) ở mức độ nào?".

Thêm vào đó, bà cũng cho rằng các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu không nhất thiết phải đặt nhà máy ở Ukraine để có thể thử nghiệm vũ khí trong cuộc chiến giữa Kiev và Nga. 

Theo Bloomberg