Ukraine nói Nga nêu yêu cầu "không thể chấp nhận" trong đàm phán
(Dân trí) - Quan chức Ukraine tiếp tục đưa ra những tuyên bố cứng rắn sau khi hai nước đã đạt được những kết quả quan trọng trong cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Phái đoàn Ukraine tham gia đàm phán ở Istanbul ngày 16/5 (Ảnh: Reuters).
"Nga đã nêu ra một số điều mà chúng tôi cho là không thể chấp nhận được trong cuộc đàm phán", ông Heorhii Tykhyi - người phát ngôn của Ngoại trưởng Ukraine - trả lời các phóng viên tại Istanbul hôm 16/5, đồng thời cho biết phái đoàn Ukraine "đã xử lý vấn đề một cách bình tĩnh và vẫn giữ vững lập trường của chúng tôi".
Tuy nhiên, ông Tykhyi không nói rõ những điều không thể chấp nhận được là gì.
Ông Tykhyi cho biết phái đoàn Ukraine "đã sẵn sàng để đạt được thỏa thuận ngừng bắn" vào ngày 16/5, nhưng mục tiêu này không đạt được vì phái đoàn cấp thấp của Nga "có thẩm quyền hạn chế".
Theo ông Tykhyi, Ukraine "cảm kích" vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc "tạo ra cơ hội này, nền tảng này, cho nỗ lực hòa bình".
"Chúng tôi đánh giá cao sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ và vai trò của nước này như một bên tạo điều kiện. Điều này thực sự có thể giúp chấm dứt xung đột", người phát ngôn của Ngoại trưởng Ukraine cho biết thêm.
Hãng tin Sky News, trích dẫn một nguồn tin trong giới ngoại giao Ukraine, cho biết Nga đã đưa ra những yêu cầu không thực tế và vượt xa những gì đã được thảo luận trước đó. Theo nguồn tin này, trong số các yêu cầu của Nga có yêu cầu rút quân đội Ukraine khỏi lãnh thổ do Kiev kiểm soát để có thể đạt được lệnh ngừng bắn.
Hãng tin AFP cũng dẫn lời một quan chức Ukraine cho biết, Nga đã đưa ra những yêu cầu "không thể chấp nhận được" trong cuộc đàm phán, bao gồm yêu cầu Ukraine rút quân.
Một nguồn tin nói rằng trong cuộc đàm phán trực tiếp, Nga đã yêu cầu Ukraine phải nhượng lại lãnh thổ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Kiev. Khi được hỏi liệu Nga có yêu cầu Ukraine rút hoàn toàn khỏi 4 khu vực miền Đông đang tranh chấp hay không, nguồn tin cho biết: "Có".
Donetsk, Luhansk, Zaporizhia và Kherson là 4 khu vực ở Ukraine mà Nga đã tuyên bố sáp nhập vào năm 2022 sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.
Thủ tướng Anh Keir Starmer, khi bình luận về các cuộc đàm phán ở Istanbul, đã chỉ trích lập trường của Nga là "không thể chấp nhận được".
Vào ngày 16/5, lần đầu tiên sau hơn 3 năm, các cuộc đàm phán trực tiếp giữa phái đoàn Nga và Ukraine đã được tổ chức tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umierov, trưởng đoàn đàm phán Ukraine, cho biết các cuộc thảo luận đã đề cập đến lệnh ngừng bắn, các vấn đề nhân đạo và một cuộc họp có thể diễn ra ở cấp lãnh đạo của Nga và Ukraine.
Bộ trưởng Umerov cho biết thỏa thuận với Nga về việc trao đổi 1.000 tù binh chiến tranh là một "thành tựu quan trọng", nhưng mục tiêu tiếp theo là có các cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo của hai nước.
"Tổng thống của chúng tôi (Volodymyr Zelensky) đang mong đợi các cuộc thảo luận cấp cao ở đây, và tôi nghĩ bước tiếp theo sẽ là tổ chức cuộc họp cấp lãnh đạo", ông nói với các phóng viên tại Istanbul.
Ông nói thêm rằng trong khi Ukraine có thể tiếp tục chiến đấu, "cuối cùng chúng ta cần phải kết thúc cuộc chiến này".
Phát biểu cùng Bộ trưởng Umerov, Thứ trưởng Ngoại giao Sergiy Kyslytsya gọi cuộc đàm phán hôm 16/5 "là kết thúc rất tốt cho một ngày rất khó khăn, là kết quả của nhiều tuần làm việc của các nhà lãnh đạo, của Tổng thống Ukraine, của Mỹ, của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác châu Âu của chúng tôi".
Ông mô tả thành công của cuộc đàm phán là "thử nghiệm" và "vẫn cần được củng cố", đồng thời kêu gọi gây áp lực lên Nga để tiếp tục đàm phán. "Chúng ta không nên thực sự thư giãn vào thời điểm này", ông nói.
Ukraine kêu gọi trừng phạt Nga

Từ trái sang phải: Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Thủ tướng Đức Friedrich Merz, trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị ở Tirana, Albania ngày 16/5 (Ảnh: Reuters).
Sau khi đàm phán kết thúc, Nga bày tỏ sự hài lòng với kết quả đạt được và cho biết Moscow sẵn sàng tiếp tục các cuộc gặp.
Trong khi đó Ukraine đã ngay lập tức bắt đầu tập hợp các đồng minh của mình để có hành động cứng rắn hơn. Kiev muốn phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn trừ khi Moscow chấp nhận đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về lệnh ngừng bắn trong 30 ngày.
Ngay sau khi cuộc đàm phán kết thúc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Ba Lan đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Trump. Ông Zelensky cho biết các lệnh trừng phạt mạnh mẽ sẽ được áp dụng nếu Nga từ chối lệnh ngừng bắn.
"Ukraine sẵn sàng thực hiện các bước nhanh nhất có thể để mang lại hòa bình thực sự và điều quan trọng là thế giới phải giữ lập trường mạnh mẽ", ông Zelensky viết trên mạng xã hội sau cuộc điện đàm.
"Lập trường của chúng tôi là, nếu Nga từ chối lệnh ngừng bắn hoàn toàn, vô điều kiện và chấm dứt giết chóc, các lệnh trừng phạt cứng rắn phải được áp dụng. Phải duy trì áp lực lên Nga cho đến khi Nga sẵn sàng chấm dứt chiến tranh", ông Zelensky nhấn mạnh.
Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Ba Lan cho biết lập trường của Nga tại các cuộc đàm phán với Ukraine vào ngày 16/5 là "không thể chấp nhận được".