1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine nỗ lực củng cố quân đội sau khi Nga sáp nhập Crimea

Thanh Thành

(Dân trí) - Chiến lược âm thầm cải tổ và củng cố quân đội trong những ngày ngay sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 đã giúp đem lại khả năng kháng cự hiệu quả cho quân đội Ukraine hiện nay.

Ukraine nỗ lực củng cố quân đội sau khi Nga sáp nhập Crimea - 1

Quân đội Ukraine mang lựu đạn phóng tên lửa và súng bắn tỉa tiến về thành phố Irpin vào tháng 3/2022 (Ảnh: AFP).

Khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và xung đột ở miền đông Ukraine bùng nổ vào năm 2014, quân đội Ukraine ở trong tình trạng tồi tệ, được cho là chỉ có 6.000 binh sĩ sẵn sàng chiến đấu trong tổng số 140.000 quân. Trong những năm sau đó, quân đội Ukraine đã trải qua một quá trình cải tổ lực lượng.

Năng lực chiến đấu của Ukraine đã được cải thiện đáng kể vào thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự hồi tháng 2/2022. Theo báo cáo của Viện các Quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), 5 tháng đầu tiên của cuộc chiến, những quyết định của Kiev trong khoảng thời gian chuẩn bị đó đã giúp hiện đại hóa thiết bị và năng lực của quân đội và nhiều lần ngăn chặn hiệu quả các cuộc tấn công của Nga.

Lực lượng pháo binh được khôi phục

Nhận thức được năng lực pháo binh của Nga, vốn đã gây ra khoảng 90% thương vong cho Ukraine từ năm 2014-2022, Kiev đã củng cố lực lượng pháo binh, vốn đã bị giảm dần trước năm 2014.

Theo RUSI, Ukraine lập những đơn vị mới giúp tăng gấp đôi tổng sức mạnh tính đến tháng 2/2022 và giúp nước này trở thành "lực lượng pháo binh lớn nhất ở châu Âu, chỉ sau Nga".

Mặc dù dự trữ đạn pháo được cho là bị phía Nga phá hủy phần lớn từ năm 2014-2018 nhưng khi xung đột toàn diện bùng nổ, Ukraine vẫn có đủ đạn pháo trong hơn 6 tuần giao tranh cường độ cao.

Ukraine còn hiện đại hóa pháo binh bằng cách sử dụng radar do Mỹ sản xuất, trang bị cho các đơn vị pháo binh máy bay không người lái (UAV) giúp pháo binh do thám và xác định mục tiêu, cũng như áp dụng hệ thống bản đồ tình báo thông minh giúp giảm sự điều động các đơn vị pháo binh đến 80%. Công tác huấn luyện cho đội pháo binh cũng được tăng cường.

Kết quả là, thời gian để phá hủy một mục tiêu chưa hoạch định trước đã giảm đến 2/3, còn thời gian để khai hỏa phản công giảm 90%.

Xe tăng và chống tăng

Hầu hết trong số 30 tiểu đoàn xe tăng, với tổng cộng khoảng 900 xe tăng, mà Ukraine có vào năm 2022 được thành lập từ năm 2014-2018, giai đoạn Ukraine bổ sung 500 xe tăng cho khí tài.

Tuy nhiên, số xe tăng của Nga vẫn cao hơn gấp 4 lần vào thời điểm đầu chiến sự. Để bù đắp cho nhược điểm đó, quân đội Ukraine đã điều chỉnh học thuyết xe tăng và bắt đầu sử dụng xe tăng để khai hỏa gián tiếp như pháo với đạn phân mảnh có sức nổ cao.

Để làm điều này, lực lượng thiết giáp Ukraine dùng những "thiết bị dẫn đường đặc biệt" và công nghệ hiện đại khác, cùng việc truyền thông tin tự động đến các xe tăng khác. Điều này giúp chúng có độ chính xác cao ở phạm vi lên đến 10km và giảm thời gian hiệu chỉnh để phối hợp hỏa lực xuống còn vài giây.

Kỹ thuật này làm mờ ranh giới giữa xe tăng và pháo binh" và "cho phép xe tăng tập trung hỏa lực trên một khu vực rộng trong khi có thể cơ động mà không cần sự bảo vệ và sàng lọc cần thiết của pháo binh, theo báo cáo của RUSI.

Nhiều xe tăng mà Ukraine đưa vào trang bị trong những năm 2010 là những mẫu cũ hơn đã được nâng cấp do Kiev thiếu kinh phí mua xe tăng mới.

Khi chiến sự bắt đầu, xe tăng của Nga nhìn chung tốt hơn, với hệ thống quan sát và bảo vệ chất lượng cao hơn cũng như khả năng tấn công mục tiêu từ tầm xa hơn, mặc dù những lợi thế đó ít phù hợp hơn ở tầm ngắn hơn.

Trong khi các chuyên gia cho rằng sự chú ý vào tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) có xu hướng cường điệu hóa vai trò của chúng trong việc ngăn bước tiến ban đầu của Nga, Ukraine đã đầu tư mạnh vào ATGM sau năm 2014, mua hàng nghìn bệ phóng và tên lửa cũng như thành lập Trường Pháo binh Chống tăng để huấn luyện binh sĩ.

Báo cáo của RUSI cho biết, mặc dù các tên lửa chống tăng ATGM do phương Tây sản xuất đã nhanh chóng được chuyển giao khi chiến sự nổ ra, nhưng các vấn đề về bảo trì và số lượng hạn chế khiến chúng không phải là "phương tiện chính" để tiêu diệt lực lượng Nga.

Nâng cấp năng lực phòng không

Ukraine nỗ lực củng cố quân đội sau khi Nga sáp nhập Crimea - 2

Tiêm kích MiG-29 của Ukraine tại sân bay Vasilkov vào tháng 11/2016 (Ảnh: AP).

Sau năm 2014, Ukraine cố gắng hiện đại hóa lực lượng không quân và khi chiến sự bùng nổ, Kiev có khoảng 50 chiếc MiG-29, 32 chiếc Su-27 cũng như một số chiếc Su-24 và Su-25. Nhưng Ukraine vẫn bị Không quân Nga áp đảo về mọi mặt, theo RUSI.

Do đó, các nhà hoạch định Ukraine tập trung vào khả năng sống sót bằng cách huấn luyện các đơn vị phân tán máy bay từ các căn cứ chính đến các sân bay phụ.

Các phi công cũng được huấn luyện để bảo dưỡng và sửa chữa những chiếc máy bay chiến đấu bị hư hỏng trong những điều kiện mà họ sẽ phải đối mặt trên chiến trường.

Vì các phi công Ukraine biết rõ về những hạn chế của các máy bay và năng lực vượt trội của vũ khí phòng không Nga, họ đã được huấn luyện chuyên sâu cho các chuyến bay tầm thấp trên lãnh thổ và rất thuần thục với việc khai thác địa hình để tránh bị radar phát hiện.

Ukraine cũng ưu tiên nâng cấp năng lực phòng không. Các đơn vị kỹ thuật vô tuyến của họ, được giao nhiệm vụ cảnh báo về một cuộc tấn công trên không, đã được tổ chức lại sau năm 2014 nhằm đảm bảo có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 300-400km để điều các chiến đấu cơ và lực lượng tên lửa phòng không hành động.

Ukraine nỗ lực củng cố quân đội sau khi Nga sáp nhập Crimea - 3

Máy bay Su-35 của Nga bị lực lượng Ukraine bắn rơi ở khu vực Kharkov vào tháng 4/2022 (Ảnh: Reuters).

Những đơn vị này cũng được trang bị radar tốt hơn. Do đó, khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt, Ukraine có vùng phủ sóng radar liên tục đối với biên giới với Nga và không phận của chính họ, mặc dù vùng phủ sóng Biển Đen ít hơn.

RUSI cho biết, lực lượng không quân của Nga đã không tính đến những cải tiến đó, dẫn đến những lỗi chiến thuật trong việc triển khai tác chiến điện tử vô tuyến.

Ngoài ra, các tên lửa phòng không Ukraine đã buộc các phi công Nga phải bay thấp, nơi phía Kiev có thể nhắm mục tiêu bằng các tên lửa phòng không vác vai hiện đại hóa, báo cáo của RUSI nói thêm.

Máy bay Nga vẫn có một số lợi thế về công nghệ, nhưng hoạt động hiện nay hầu như chỉ giới hạn trong không phận do Moscow kiểm soát.

Quân số đông hơn và được đào tạo tốt hơn

Lực lượng quân đội Ukraine được triển khai tới khu vực Donbass đã phát triển kỹ năng rất tốt trong việc hiểu rõ chiến trường và chuẩn bị đối phó sự leo thang của Nga. Ở cấp độ chiến thuật, họ tự tin khi đã được chuẩn bị và huấn luyện tốt hơn đối phương, theo báo cáo của RUSI.

Tuy nhiên, ở cấp độ đội hình, các tướng lĩnh chỉ huy Ukraine lo ngại về việc pháo binh Nga sẽ hạn chế khả năng cơ động và đánh trúng các đường tiếp tế của họ. Vấn đề này trở nên đáng lo ngại hơn do sự thiếu hụt nhân sự. Điều này đồng nghĩa với việc các lực lượng Ukraine bị dàn mỏng dọc theo chiến tuyến Donbass.

Trước năm 2022, quân đội Ukraine phải vật lộn để duy trì lực lượng và những năm đó giúp nước này có lực lượng dân sự đông đảo đã qua huấn luyện quân sự. Để tận dụng điều đó, nước này còn thành lập Lực lượng Phòng vệ lãnh thổ (TDF).

Ukraine nỗ lực củng cố quân đội sau khi Nga sáp nhập Crimea - 4

Các tân binh được huấn luyện sơ cứu khi tập trận với Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine vào tháng 2/2022 (Ảnh: Getty).

TDF thành lập vào tháng 1/2022 và chưa có đủ thời gian nhận vũ khí hạng nặng cũng như các cơ chế chỉ huy và kiểm soát cần thiết.

Do đó, giới chỉ huy xác định những vấn đề này và vai trò của TDF đã gia tăng từ việc giữ an ninh hậu phương lên khả năng giữ trận địa để giúp các lữ đoàn cơ động tấn công.

Các vấn đề về nhân lực và trang thiết bị hạn chế vào đầu cuộc chiến khiến Kiev phải đưa ra những quyết định khó khăn về việc triển khai quân ở đâu.

"Do đó, câu hỏi quan trọng là liệu cơ quan chuyên môn của quân đội Ukraine có thể tồn tại đủ lâu để huy động rộng rãi hơn nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine hay không," báo cáo RUSI cho biết thêm.

Nhờ có nhiều năm chuẩn bị của Ukraine, những đội quân đó đã cầm cự đủ lâu.

Khi quân Nga đối mặt sự kháng cự của Ukraine vào sáng sớm ngày 24/2, họ đã ngạc nhiên trước những mệnh lệnh từ Moscow, trong khi các binh sĩ Ukraine "đã chuẩn bị về mặt tâm lý và thực tiễn cho cuộc chiến này trong 8 năm". Những khác biệt này được cho là mang tính quyết định kết quả trong 72 giờ giao tranh đầu tiên, báo cáo nhấn mạnh.

Theo Business Insider