1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine nêu số tiêm kích F-16 cần thiết để giành lại lãnh thổ từ Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Ukraine nêu số lượng tiêm kích F-16 nước này cần để giành lại những phần lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát.

Ukraine nêu số tiêm kích F-16 cần thiết để giành lại lãnh thổ từ Nga - 1

Một tiêm kích F-16 (Ảnh: Getty).

"Bốn phi đội F16 (48 chiếc) chính xác là những gì chúng ta cần để giải phóng đất nước khỏi tay Nga", Bộ Quốc phòng Ukraine viết trên Twitter ngày 26/5.

Trong thời gian qua, Ukraine nhiều lần kêu gọi phương Tây chuyển cho Kiev các tiêm kích F-16 trong bối cảnh Nga chiếm ưu thế trên không so với đối phương. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng, việc chuyển các tiêm kích F-16 cho Ukraine là chưa cần thiết vào lúc này, nhấn mạnh để bảo vệ không phận, Kiev cần các vũ khí phòng không mặt đất hơn. 

Mặc dù vậy, Lầu Năm Góc tuyên bố họ sẽ không ngăn cản các nước thứ 3 chuyển tiêm kích do Mỹ sản xuất cho Ukraine. Trước đó, Anh và Hà Lan đã lập một nhóm liên minh quốc tế nhằm thúc đẩy việc chuyển F-16 cho Ukraine, cũng như làm gia tăng năng lực phòng không của Kiev.

Bloomberg dẫn 2 nguồn thạo tin cho hay, Hà Lan có thể sẽ viện trợ tiêm kích F-16 cho Ukraine sau khi các phi công của Kiev hoàn thành khóa huấn luyện điều khiển máy bay này.

Theo nguồn tin, Hà Lan đã đàm phán với các quan chức Mỹ trong những tuần gần đây để được chính quyền của Tổng thống Joe Biden "bật đèn xanh" cho việc cung cấp máy bay cho Ukraine.

Hà Lan đã thăm dò và thảo luận về kế hoạch đào tạo phi công Ukraine với các đồng minh. Mặc dù chính phủ Hà Lan sẵn sàng giúp tăng cường khả năng phòng không của Ukraine "càng sớm càng tốt", nhưng việc đào tạo phi công và lập kế hoạch triển khai máy bay chiến đấu cũng như hậu cần có thể mất nhiều tháng.

Hà Lan hiện có 42 máy bay chiến đấu F-16 đang phục vụ, trong đó có 24 chiếc đang được lực lượng phòng vệ nước này sử dụng nên không thể chuyển giao cho Ukraine cho đến giữa năm 2024.

Trong một diễn biến khác, Văn phòng Tổng thống Ukraine ngày 26/5 tuyên bố, họ coi sự kết hợp giữa "Hiệp ước An ninh Kiev" và các đảm bảo tương tự như Mỹ cam kết với Israel là phương án đảm bảo an ninh tốt nhất cho Kiev.

"Phương án lý tưởng đối với chúng tôi vào lúc này là sự kết hợp giữa Hiệp ước An ninh Kiev và các cam kết tương tự như cam kết của Mỹ với Israel. Thứ 2 là sự kiên định về con đường của chúng tôi nhằm gia nhập NATO và đảm bảo an ninh trước khi gia nhập Liên minh", ông Andrii Yermak, người đứng đầu Văn phòng tổng thống Ukraine, cho biết.

Tháng 9 năm ngoái, Văn phòng tổng thống Ukraine công bố một tài liệu dự thảo với tựa đề "Hiệp ước an ninh Kiev về đảm bảo an ninh quốc tế cho Ukraine: Những khuyến nghị".

Đề xuất trên đề nghị cần phải có một văn kiện an ninh ràng buộc mang tên Hiệp ước an ninh Kiev. Ukraine muốn hiệp ước này sẽ được Kiev và các quốc gia bảo lãnh ký kết. Nếu điều này không thực hiện được, Ukraine mong muốn các nước sẽ ký vào các thỏa thuận song phương riêng với Ukraine.

Ukraine muốn thỏa thuận đảm bảo an ninh có điều khoản nhằm tung ra các biện pháp trừng phạt nhanh chóng với quốc gia tấn công vào Kiev trong tương lai. Ngoài ra, Ukraine cũng muốn tham gia vào hoạt động huấn luyện của EU và các cuộc diễn tập chung của NATO.

Tuy nhiên, Moscow cảnh báo sẽ đáp trả nếu các bên ký vào đề xuất đảm bảo an ninh này của Kiev. Nga từ lâu đã coi việc NATO mở rộng về phía đông là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của nước này. Mối quan ngại càng lớn hơn khi Kiev tìm cách gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt.

Theo Ukrainska Pravda

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm