1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine nêu điều kiện đàm phán ngừng bắn với Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Ukraine tuyên bố Kiev sẽ không đàm phán ngừng bắn với Moscow chừng nào Nga chưa trả lại các vùng lãnh thổ kiểm soát.

Ukraine nêu điều kiện đàm phán ngừng bắn với Nga - 1

Lính Ukraine khai hỏa pháo ở Donetsk (Ảnh: Reuters).

"Sẽ không có cuộc đàm phán ý nghĩa nào nếu Nga còn tiếp tục kiểm soát lãnh thổ (Ukraine), bao gồm Crimea", ông Oleksii Danilov, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, nói trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Kyodo News của Nhật Bản hôm 21/10.

Ông Danilov cho biết, ông chắc chắn rằng "tình hình về cơ bản sẽ thay đổi" khi máy bay chiến đấu F-16 của phương Tây được chuyển tới Ukraine, nhưng thừa nhận rất khó dự đoán sẽ mất bao lâu để giành lại toàn bộ lãnh thổ Ukraine.

Mặc dù Ukraine đã ký một thỏa thuận không chính thức về việc không sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp trong các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, nhưng ông Danilov tuyên bố các cơ sở xung quanh Moscow có thể trở thành mục tiêu của vũ khí sản xuất tại Ukraine.

Ông Danilov cũng bác bỏ những lo ngại rằng, sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với cuộc xung đột ở Ukraine sẽ suy yếu trong bối cảnh tình hình leo thang giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas của Palestine ở Trung Đông.

"Việc kết nối với Mỹ và châu Âu không hề suy giảm. Hợp tác vẫn tiếp tục và chúng tôi nhận được sự giúp đỡ hàng ngày", quan chức Ukraine cho biết thêm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này khẳng định, Washington có thể hỗ trợ Israel và Ukraine cùng lúc.

Theo nguồn tin của Axios, Mỹ sẽ cấp cho Israel hàng chục nghìn đạn pháo 155mm vốn được dự định dùng để viện trợ cho Ukraine. Israel được cho là đã thông báo với phía Mỹ rằng họ cần đạn pháo để chuẩn bị cho một chiến dịch tấn công trên bộ ở Gaza.

Mỹ hiện có một kho đạn dược ở Israel chỉ lực lượng Mỹ mới được tiếp cận. Hồi đầu năm, Washington bắt đầu lấy đạn dược từ cơ sở này và một cơ sở dự trữ ở Hàn Quốc để đáp ứng nhu cầu đạn dược cho Ukraine. Tuy nhiên, khi chiến sự Israel - Hamas nổ ra hôm 7/10 và tiếp tục leo thang, khiến Washington có thêm mối bận tâm mới.

Nhiều người cho rằng chiến sự Israel - Hamas có thể làm giảm mức độ hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine ở thời điểm Kiev cần nhiều viện trợ hơn nữa để tạo đột phá cho chiến dịch phản công Nga.

Nga và Ukraine đã không ngồi vào bàn đàm phán kể từ sau cuộc đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 3 năm ngoái, một tháng sau khi xung đột nổ ra.

Tháng 10/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký sắc lệnh không đàm phán với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Moscow nhiều lần cáo buộc sắc lệnh này đã cản trở hòa đàm giữa Nga và Ukraine, đồng thời cho rằng những điều kiện mà Kiev đưa ra "không thực tế".

Trả lời phỏng vấn truyền thông Trung Quốc mới đây, Tổng thống Putin một lần nữa nhấn mạnh Nga không bao giờ phản đối giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, ông cáo buộc Ukraine đã lật ngược thỏa thuận vào phút chót và chưa thực sự sẵn sàng đàm phán.

Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea, bán đảo sáp nhập vào Nga năm 2014. Ngoài ra, Ukraine muốn mọi cuộc đàm phán hòa bình phải dựa trên cơ sở "công thức hòa bình" gồm 10 điểm mà Tổng thống Zelensky đưa ra cuối năm ngoái.

Theo Kyodo