1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine lập “đội đặc nhiệm” thu hồi 30 tỉ USD của chính quyền cũ

18 tháng sau khi cựu Tổng thống Viktor Yanukovych chạy khỏi Ukraine, một khối tài sản ước tính lên đến 30 tỉ USD mà ông và các quan chức trong chính quyền cũ biển thủ vẫn chưa được thu hồi.

Đây quả là một số tiền “đầy ý nghĩa” đối với chính quyền hiện hành, trong bối cảnh Ukraine đang phải đối mặt với xung đột, nội chiến, khủng hoảng nợ, suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, lực lượng thực thi pháp luật như công tố, cảnh sát, tòa án… lại tỏ ra không hiệu quả trong chiến dịch truy tố, thu hồi tài sản tham nhũng của các cựu quan chức dưới thời ông Yanukovych. Điều này làm dấy lên nghi ngờ có sự can thiệp ở giới chính trị cấp cao vào tiến trình điều tra.

Nhiều quan chức và các tổ chức xã hội đang kêu gọi cần nhanh chóng thành lập một cơ quan quốc gia đặc trách thu hồi tài sản tích tụ “bất hợp pháp này”, cùng với đó là nhiệm vụ theo dõi tài sản của các quan chức chính quyền đương nhiệm, sẵn sàng truy cứu những cá nhân chỉ với thu nhập lương khiêm tốn, nhưng lại sở hữu cả khối tài sản lớn, không chứng minh được nguồn gốc.

Ukraine lập “đội đặc nhiệm” thu hồi 30 tỉ USD của chính quyền cũ - 1

Tham nhũng luôn là vấn nạn lớn của Ukraine. (Ảnh minh họa)

Sau 6 tháng, cả bộ máy cơ quan điều tra, tư pháp Ukraine mới chỉ thu hồi được khoản tiền trị giá 326 USD. Trong khi đó, các tài khoản quốc tế của các cựu quan chức thì vẫn “bình an vô sự”, không bị phong tỏa do lực lượng thực thi pháp luật không cung cấp đủ các bằng chứng.

Hanna Hopko, nghị sĩ đảng Samopomich và là người ủng hộ dự luật lập cơ quan chuyên trách mới, chỉ trích Bộ Tư pháp, Văn phòng Tổng công tố đã thất bại trong việc thu hồi những khoản tiền biển thủ. “Ví dụ như, số tiền 23 triệu USD của cựu Bộ trưởng Môi trường Mykola Zlochevsky vẫn chưa bị phong tỏa”, ông Hopko phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 19/8.

Daria Kaleniuk, Giám đốc điều hành Trung tâm hành động chống tham nhũng, một tổ chức xã hội dân sự ở Ukraine, cũng rất nhiệt tình với sáng kiến này và cho rằng cơ quan mới sẽ đóng chặt mọi kẽ hở về luật pháp trong việc thu hồi các tài sản tham nhũng, do phi pháp mà có.

Theo dự kiến, thiết chế này có khoảng 100 nhân viên chuyên nghiệp, được trả lương cao và sẽ chịu trách nhiệm thu hồi tài sản của các cá nhân bị truy lùng, bắt giữ có giá trị từ 9.000 USD – ví như xe hơi, các tài sản có giá trị cao khác.

Họ cũng sẽ kiểm soát số tài sản này trước khi tòa án ra phán quyết cuối cùng về trưng thu. Tiền, hiện vật sẽ được quản lý qua một tài khoản nhà nước được gửi tại ngân hàng nhà nước, tính theo lãi suất thị trường.

Quy trình làm việc sẽ có nhiều cải tiến, với việc công bố tên từng điều tra viên ứng với từng vụ; lập cơ sở dữ liệu quốc gia cung cấp thông tin về bất kì số tài sản nào của bất kì quan chức nào, cũng như cả gia đình, người thân, bảo đảm đủ thông tin chỉ trong 3 ngày. Hiện tại, các nhà điều tra phải phụ thuộc quá nhiều các cơ quan quan liêu về những thông tin như vậy và quá trình thu thập có thể kéo dài cả tháng trời.

Dự luật lập cơ quan thu hồi tài sản tham nhũng đã được đệ trình và nếu được Quốc hội Ukraine thông qua vào tháng 9 tới, bộ máy mới này có thể đi vào vận hành trong đầu năm 2016, với kinh phí hoạt động cho năm đầu dự kiến khoảng 2,3 triệu USD.

Ý tưởng này cũng đã nhận được sự ủng hộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên minh châu  (EU) và vì thế Ukraine có cơ hội nhận được trợ giúp kĩ thuật từ các thiết chế này trong cuộc chiến truy thu tài sản tham nhũng, có nguồn gốc không minh bạch.

Về lâu dài, đơn vị này có thể hoạt động theo hình thức tự trang trải, với ngân sách đến từ việc nhận được 25% giá trị tài sản thu hồi thành công. Nó cũng giúp Ukraine nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong việc truy thu tài sản bị đánh cắp, khi nước này tham gia vào mạng lưới quản lý tài sản đang được nhiều nước vận hành.

Theo Hoài Thanh/Kyiv Post

Ukraine lập “đội đặc nhiệm” thu hồi 30 tỉ USD của chính quyền cũ - 2