1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc “khủng hoảng ngầm” của Ukraine

Theo các tổ chức từ thiện, Ukraine đang phải đối mặt với một "tình trạng khẩn cấp ngầm" vì sự thất bại của chính phủ trong việc lập kế hoạch cho gần 1,4 triệu người bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột ở miền đông, khiến nhiều người trở thành vô gia cư và đang phải vật lộn để tìm nơi trú ẩn.

Cuộc “khủng hoảng ngầm” của Ukraine - 1

Họ cũng cáo buộc chính phủ Ukraine không giữ lời hứa của mình trong việc cung cấp nhà ở cho người phải di cư bởi cuộc xung đột và hối thúc Kiev tăng cường các nỗ lực để giúp đỡ những người mất nhà cửa.

Ukraine hiện nay là một trong những quốc gia có số lượng người di cư (IDP) lớn nhất thế giới. Một số chuyên gia đã cảnh báo cuộc khủng hoảng di cư này có thể kéo dài trong nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ.

Nhiều trong số những người di cư nhằm tránh cuộc giao tranh giữa lực lượng ly khai và quân đội Ukraine đã buộc phải dựa vào các tổ chức từ thiện và các mạng lưới tình nguyện viên để nhận thực phẩm, quần áo và chỗ ở. "Mọi người đang bất đắc dĩ trở thành những người vô gia cư, đặc biệt là những người có những đứa con bị ốm yếu tàn tật", bà Olga Striczina, mẹ của 3 đứa trẻ, người có đứa con trai cả tên Denys - 24 tuổi, bị động kinh và rối loạn tâm thần - nói.

Gia đình bà Striczina, vốn buộc phải rời khỏi khu vực Lugansk trong tháng 9 năm ngoái, đang ở trong một căn phòng nhỏ tại một trung tâm được điều hành bởi một tổ chức từ thiện trong một ngôi làng gần thành phố phía tây của Lviv, cách Luhansk 1.000 km.

"Nếu chúng tôi không được ăn miễn phí ở đây, nếu chúng tôi phải trả tiền cho các dịch vụ và sưởi ấm, tôi không biết phải làm thế nào để sống, bởi vì tất cả mọi thứ mà chúng tôi nhận được là những loại thuốc đắt tiền để cho Denys”, bà Striczina chia sẻ.

Hơn 6.500 người đã thiệt mạng trong gần 16 tháng nổ ra xung đột ở vùng Donbass, giáp biên giới Nga. Mặc dù chính phủ và quân ly khai đã đồng ý một thỏa thuận ngừng bắn trong tháng 2, nhưng các cuộc giao tranh vẫn tiếp tục.

Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) ước tính ít hơn 5% những người di cư do cuộc xung đột đang phải ở trong các trung tâm được thiết lập cho những người vô gia cư.

Các công ty bất động sản cho biết một số chủ nhà ở Lviv và Kiev đang lợi dụng sự thiếu hụt nhà ở để cho những người di cư thuê với giá đắt đỏ, trong khi một số người khác từ chối cho thuê với lý do những người này không có tiền để trả hoặc không thích những người mới đến.

Những người Ukraine ở khu vực phía tây của nước này ban đầu sẵn sàng giúp đỡ những người di cư. Nhưng họ dần cảm thấy bực bội vì con trai của họ đang bị điều đến các mặt trận ở phía đông trong khi những người đàn ông trẻ tuổi từ phía đông lại chạy trốn đến khu vực an toàn ở phía tây.

Cuộc “khủng hoảng ngầm” của Ukraine - 2

Người phát ngôn UNHCR Nina Sorokopud đã mô tả cuộc khủng hoảng di cư ở Ukraine như là một tình trạng “khẩn cấp ngầm”. "Khi ai đó nói về 'cuộc khủng hoảng tị nạn', mọi người có xu hướng hình dung đến các trại tị nạn, nhưng đây không phải là trường hợp của Ukraine. Cuộc khủng hoảng này là không thể quan sát thấy trên đường phố Kiev hoặc Kharkov, bởi vì nhiều người bị mất nhà cửa đã được chấp nhận bởi cộng đồng sở tại", bà Sorokopud nói.

Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng này đang xấu đi và các giải pháp dài hạn là cần thiết cho những người không thể trở về ngôi nhà cũ của họ.

LHQ cho biết, 5 triệu người Ukraine, gần 1/9 dân số nước này, cần trợ giúp nhân đạo. "Tôi đã viết hơn 100 email cho những người tình nguyện yêu cầu họ hỗ trợ trong việc cung cấp thức ăn, bởi vì chúng tôi đã bị đói. Trong 2 ngày, chúng tôi chỉ có thể có một bữa ăn", Natalya Andzeeva, một bà mẹ đơn thân 35 tuổi với 5 người con, người đã từng phải rời khỏi một trang trại nhỏ gần Lugansk, than thở.

Các tình nguyện viên đã giúp gia đình Andzeeva rời khỏi trung tâm của cuộc xung đột và tìm một căn phòng tại một trung tâm được điều hành bởi một tổ chức từ thiện tại một ngôi làng bên ngoài Lviv, nhưng bà Andzeeva không có thu nhập gì khác.

Wasyl Gelbych, phụ trách trợ cấp nhà ở và các lợi ích tại Cục Bảo trợ xã hội ở Lviv, đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Petro Poroshenko đã thiếu một chính sách nhà ở thích hợp cho những người di cư. "Chúng tôi có thể sẵn sàng thu nhận nhiều người vô gia cư, nhưng chúng tôi không biết nơi nào họ có thể ở lại, bởi vì chính phủ không làm gì để tạo ra những nơi ở cho họ", ông Gelbych nói.

Chính phủ Ukraine không có bình luận gì về những cáo buộc rằng họ đã thất bại trong việc lập kế hoạch cho cuộc khủng hoảng di cư.

Olexandra Sorokopud, điều phối viên của tổ chức từ thiện Crimea SOS có trụ sở ở Lviv, tổ chức đã giúp những người rời khỏi khu vực Donbass ở phía đông và Crimea ở phía nam, nói rằng trong bối cảnh không có một kế hoạch tầm quốc gia, các quan chức địa phương đã yêu cầu khu vực xung quanh, nơi chủ nhà có thể cho các gia đình di cư ở trong những ngôi nhà trống trong làng.

Theo Sorokopud, những người di cư hầu hết đều muốn sống ở các thành phố để họ có thể tìm việc làm để nuôi sống gia đình và xây dựng lại cuộc sống của họ, trong khi hầu như không có việc làm tại các ngôi làng mà họ được chuyển đến.

Các tổ chức từ thiện cũng chỉ trích khoản trợ cấp 20 USD hàng tháng của chính phủ cho người vô gia cư, mô tả nó như là một giọt nước giữa đại dương. "Những người này không có nhà, vì nhà của họ đã bị phá hủy.  Họ không có quần áo, bị mất việc làm. Họ không có gì. Vì vậy, tất cả mọi thứ là một thách thức", Evgenya Velicho, điều phối viên của tổ chức Donbass SOS ở Kiev bình luận.

Theo Công Thuận

baotintuc.vn

Cuộc “khủng hoảng ngầm” của Ukraine - 3