Ukraine không sợ quân đội Nga tổng công kích mà lo một điều khác
(Dân trí) - Quân đội Ukraine và NATO không sợ bị tổng công kích, mà lo quân Nga thực hiện một chiến thuật đặc biệt. Giữa lúc chiến sự ác liệt, lo ngại đó dường như đang xuất hiện.
Chiến dịch phản công của Ukraine "chưa chín muồi"
Từ cuối năm ngoái, lãnh đạo Kiev liên tục tuyên bố sẽ mở cuộc phản công lớn nhằm vào Nga. Nhưng khi thời điểm bước sang mùa xuân và mùa hè năm 2023, cái gọi là cuộc phản công quy mô lớn của Kiev dường như chỉ là các trận đánh trinh sát, nhằm tìm ra điểm yếu trong tuyến phòng ngự của Quân đội Nga.
Theo một số phân tích, quân đội Ukraine đã bị thiệt hại không nhỏ cả về người và vũ khí trang bị tại "cối xay thịt" ở Bakhmut nhưng đang dần được bù đắp bởi viện trợ quân sự từ các nước phương Tây.
Tuy chiến dịch phản công mùa xuân của Ukraine đã được cho là bắt đầu từ vài ngày qua, nhưng chính quyền Kiev chưa có bất cứ tuyên bố công khai nào trên truyền thông.
Chứng kiến quân đội Nga giành được thế chủ động chiến lược trên chiến trường, còn quân đội Ukraine đã phải lùi bước tại Bakhmut, phương Tây nóng lòng thúc giục Kiev phản công.
Một số nhà phân tích cho rằng, để lấy lại lòng tin của phương Tây, Kiev buộc phải bắt đầu các kế hoạch phản công càng sớm càng tốt.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, quân đội Ukraine nhận thấy họ vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu quân. Theo các thông tin, Quân đội Ukraine đã thành lập mới 12 lữ đoàn và 8 lữ đoàn theo tiêu chuẩn của NATO, lực lượng này có thể được sử dụng trong các cuộc phản công trong thời gian ngắn sắp tới.
Nếu quy mô mỗi lữ đoàn có từ 4.000 đến 5.000 binh sĩ thì số quân mới bổ sung vào thời điểm này không vượt quá 100.000 quân.
Căn cứ vào tình hình hiện tại, ngay cả những chuyên gia lạc quan nhất của phương Tây cũng đều cho rằng, tổng lực lượng phản công mà quân đội Ukraine có thể tập hợp hiện nay sẽ không quá 200.000 người. Con số này thấp hơn nhiều so với quy mô binh lực mà Ukraine đã huy động trong cuộc phản công Kharkov khá hiệu quả vào năm ngoái, buộc quân đội Nga phải rút lui.
Với binh lực như vậy, quân đội Ukraine khó có thể hoàn thành cái gọi là "cuộc phản công mạnh mẽ khiến thế giới sửng sốt".
Có một vài điểm sáng đó là việc các nước châu Âu do Đức đứng đầu đã hứa cung cấp cho quân đội Ukraine khoảng 150 xe tăng Leopard 2 và mới chỉ chuyển giao một phần, nhưng đó cũng là bước tiến lớn so với trước đây, khi phương Tây chỉ viện trợ xe bọc thép hạng nhẹ.
Về viện trợ đạn dược, phương Tây ngay từ đầu chỉ có thể sử dụng kho dự trữ không mấy dồi dào nhưng họ cũng đã rất cố gắng san sẻ cho Kiev.
Trong đó riêng Mỹ đã xuất kho khoảng 4,4 triệu viên đạn pháo (riêng từ ngày 20/3 tới nay là khoảng 1,5 triệu viên), đạn pháo tăng, rocket và đạn cối, cùng 200 triệu viên đạn vũ khí bộ binh khác cho Ukraine.
Tuy nhiên, khi các nước phương Tây viện trợ quân sự theo kiểu "giật gấu vá vai" thì quân đội Ukraine lại tiêu hao vũ khí khá nhanh. Chẳng hạn chỉ riêng trên chiến trường Bakhmut cách đây không lâu, quân đội Ukraine trung bình mỗi ngày bắn tới 7.700 viên đạn pháo 155mm, khiến năng lực sản xuất vốn đã quá tải của phương Tây, càng trở nên khó khăn hơn.
Cứ thử tưởng tượng, nếu quân đội Ukraine thực sự mở cuộc phản công dài ngày, liệu các nước phương Tây có còn đủ đạn pháo để tiếp tế hay không?
Quân đội Nga có sự thay đổi lớn
Ở phía ngược lại, quân đội Nga vốn không được chuẩn bị thực sự tốt khi bắt đầu cuộc xung đột, nhưng hiện nay, họ đã có nhiều thay đổi, số lượng xe tăng, tên lửa vẫn dồi dào.
Quân đội Nga đã có kinh nghiệm để từng bước khắc chế các loại vũ khí hiện đại mà phương Tây viện trợ cho Ukraine như lựu pháo M-777, hệ thống phóng rocket đa năng HIMARS hay UAV TB-2.
Bên cạnh đó, quân số cũng tăng, cho phép các bộ phận và đơn vị khác nhau của Quân đội Nga tham chiến ở Ukraine được thay phiên nhau. Theo báo cáo chiến đấu mới nhất tại chiến trường Bakhmut, lính dù Nga đã thay thế lính đánh thuê Wagner chốt giữ các khu vực đã chiếm được ở Bakhmut.
Bằng cách này, lực lượng chủ lực của Quân đội Nga có thể được nghỉ ngơi đầy đủ và dưỡng sức chờ đòn phản công của quân đội Ukraine. Trong khi đó, quân Nga đã triển khai ở tuyến 2 cũng có thể được huấn luyện chiến đấu, nhanh chóng làm quen và thích ứng với chiến trường.
Cần chỉ ra rằng, điểm khác biệt lớn nhất so với đầu cuộc xung đột là Quân đội Nga đã huy động quân số gần 300.000 quân; trong đó 140.000 quân chưa tham gia chiến trường Ukraine. Chính điều này khiến quân đội Nga có dự bị chiến lược mạnh.
Ukraine sợ nhất chiến lược nào của Nga?
Theo các phân tích của các chuyên gia quân sự độc lập, quân đội Ukraine không sợ đối phương phát động tổng công kích ào ạt như giai đoạn đầu của cuộc xung đột, mà lo ngại quân đội Nga phòng thủ phản công.
Chiến lược này sẽ tiêu hao sinh lực của Ukraine thông qua sát thương ngoài công sự. Đó là điều mà quân đội Ukraine lo ngại nhất.
Một khi quân đội Nga hoàn thành mọi công tác chuẩn bị chiến đấu phòng ngự phản công và thiết lập hệ thống trận địa phòng ngự vững chắc, sẽ rất khó để quân đội Ukraine có thể phản công hiệu quả.
Trên thực tế, trong những ngày vừa qua, các cuộc tấn công của Ukraine đánh thẳng vào tuyến phòng ngự chính và cứng nhất của Nga đã không đạt kết quả như mong muốn và có nhiều tổn thất. Thậm chí, ngay lần đầu xung trận, có một số xe tăng Leopard 2 khá hiện đại của Ukraine đã bị Nga phá hủy.
Lực lượng cơ giới Ukraine bị các bãi mìn và hỏa lực pháo binh - tên lửa Nga chặn lại, rất khó để tiếp cận tuyến phòng ngự đầu tiên.
Tuy vậy, cả Nga và Ukraine vẫn chưa bung hết sức, lực lượng dự bị chiến lược vẫn đang ở tuyến sau, thế nên chiến sự chắc chắn sẽ có nhiều diễn biến đáng chú ý trong vài ngày tới.