Ukraine hối thúc Mỹ "mở rào" để tấn công lãnh thổ Nga
(Dân trí) - Các nghị sĩ Ukraine đã nỗ lực thuyết phục Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm về việc sử dụng vũ khí do Washington viện trợ để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Một phái đoàn gồm 5 nghị sĩ Ukraine tuần trước đã tới Washington để gặp các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden và các nhà lập pháp quốc hội nhằm thúc đẩy Mỹ đảo ngược lệnh cấm sử dụng vũ khí do Washington viện trợ để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Moscow đã phát động cuộc tấn công từ vùng Belgorod ở biên giới Nga nhằm vào vùng Kharkov ở Ukraine. Một số quan chức Ukraine cho rằng cuộc tấn công của Nga có thể đã được ngăn chặn nếu họ được phép tấn công các mục tiêu ở Belgorod.
David Arahamiya, người đứng đầu ủy ban quan hệ với Mỹ tại quốc hội Ukraine, chỉ trích lệnh cấm của Mỹ.
"Thật điên rồ. Cả quân nhân cũng như tướng lĩnh (Ukraine) đều không hiểu nổi lệnh cấm này. Vì vậy, họ đang hối thúc chúng tôi, với tư cách là các chính trị gia, kêu gọi (Mỹ) dỡ bỏ chính sách này", ông Arahamiya nói.
Ukraine từ lâu đã lập luận rằng khả năng tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp trong lãnh thổ Nga là rất quan trọng để bảo vệ Ukraine.
Do vướng lệnh cấm của Mỹ, Ukraine đã sử dụng chính vũ khí của nước này để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, bao gồm máy bay không người lái giá rẻ tập kích các mục tiêu của Nga như nhà máy lọc dầu. Chiến dịch tấn công các nhà máy lọc dầu bằng máy bay không người lái đã tăng tốc và mở rộng trong những tháng gần đây.
Tuy vậy, các quan chức Ukraine cho biết không có loại vũ khí nào có thể thay thế cho các trang thiết bị do Mỹ sản xuất như Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) hoặc pháo tầm xa có giá trị như Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS).
Maksym Skrypchenko, giám đốc Trung tâm Đối thoại xuyên Đại Tây Dương của Ukraine, cho biết Nga đã chuyển các trung tâm chỉ huy vào sâu trong biên giới và nằm ngoài tầm bắn của HIMARS.
"Đối phương cảm thấy an toàn tuyệt đối. Bất cứ khi nào có sự cố xảy ra, Nga luôn có thể rút lui về lãnh thổ của họ, tập hợp lại lực lượng và bắt đầu cuộc tấn công mới, trong khi Ukraine không thể tấn công họ bằng vũ khí hiệu quả như ATACMS", ông Skrypchenko cho biết.
Ông Skrypchenko nhận định nếu lệnh cấm được dỡ bỏ trước cuộc tấn công ở Kharkov, Ukraine có thể ngăn cản Nga tập trung quân ở biên giới.
"Việc sử dụng vũ khí như Stingers cũng sẽ giúp đẩy lùi các máy bay ném bom tiền tuyến của Nga thả bom dẫn đường vào các thành phố tiền tuyến và các vị trí phòng thủ của Ukraine. Cùng với F-16, nó có thể là nhân tố thay đổi cuộc chơi để ngăn chặn Nga tiến công ở nhiều nơi", ông Skrypchenko nói thêm.
Nghị sĩ Ukraine Oleksandra Ustinova, nhà lập pháp thuộc nhóm phụ trách quan hệ với Mỹ, cảnh báo Kharkov có thể trở thành Mariupol thứ hai nếu lệnh cấm của Mỹ không được dỡ bỏ. Mariupol là thành phố phía đông nam Ukraine và từng bị phá hủy trong những ngày đầu của cuộc chiến.
"Nếu chúng tôi không được phép bắn vào vũ khí Nga ở biên giới ngay bây giờ, chúng tôi có nguy cơ mất các thành phố lớn và các vùng lãnh thổ vì họ (Nga) biết về hạn chế (sử dụng vũ khí Mỹ) của chúng tôi", bà Ustinova cảnh báo.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) tại Mỹ lập luận rằng chính sách của Mỹ "vô nghĩa" và đang "làm tổn hại nghiêm trọng đến khả năng tự vệ của Ukraine" trước cuộc tấn công của Nga ở Kharkov.
Chuyên gia George Barros tại ISW cho rằng, chính sách của Mỹ đang ngăn Ukraine đánh trả mối đe dọa từ bom lượn dẫn đường chính xác của Nga. Ông Barros cho biết Nga đang tận dụng không phận của mình như một "nơi trú ẩn" và Ukraine không thể phòng thủ hiệu quả trước các mối đe dọa bằng bom lượn nếu không chặn máy bay Nga trong không phận Nga.
Trong bối cảnh, Nga đang đạt được những bước tiến quan trọng trên khắp mặt trận phía đông, ngày càng có nhiều lời kêu gọi hành động nhiều hơn, bao gồm việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra ý tưởng gửi quân NATO đến Ukraine.
Ngoại trưởng Anh David Cameron đã ra tín hiệu trong chuyến đi tới Kiev hồi đầu tháng này rằng London sẽ không cản trở Ukraine sử dụng vũ khí của Anh để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Tuy vậy, Mỹ vẫn kiên quyết tuân thủ lệnh cấm. Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết Mỹ thường chuyển thông điệp này tới các quan chức Ukraine.
John Herbst, giám đốc cấp cao của Trung tâm Á-Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương và là cựu đại sứ tại Ukraine, cho biết chính sách của Mỹ làm suy yếu mục tiêu của chính họ là đảm bảo Nga không giành chiến thắng trong cuộc chiến.