Anh, Mỹ đồng loạt lên tiếng sau cảnh báo "đùa với lửa" của Nga
(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps tuyên bố phương Tây không muốn đối đầu quân sự trực tiếp với Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 19/5, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps giải thích rằng phương Tây không bắn hạ tên lửa của Nga bay tới Ukraine bởi vì "chúng tôi không muốn xảy ra xung đột trực tiếp với Nga".
"Chúng tôi không có ý định tham gia cuộc chiến đó", ông Shapps khẳng định.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh cũng cho biết, Đức trong nhiều tháng qua đã từ chối yêu cầu của Ukraine về việc cấp tên lửa tầm xa Taurus vì lo ngại Kiev sẽ sử dụng vũ khí này để tấn công mục tiêu của Nga ở bán đảo Crimea.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 17/5, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby đã công bố gói viện trợ bổ sung trị giá 2 tỷ USD cho Kiev. Ông nói rằng Washington đang "theo dõi chặt chẽ cuộc tấn công của Nga ở đông bắc Ukraine" và "làm việc suốt ngày đêm để đưa vũ khí và trang thiết bị đến tay binh sĩ Ukraine nhằm đẩy lùi các cuộc tấn công đó".
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng các trang thiết bị và chi phí chỉ nên được sử dụng để tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine thay vì tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.
"Chúng tôi không khuyến khích cũng như không cho phép các cuộc tấn công bằng hệ thống vũ khí do Mỹ cung cấp bên trong lãnh thổ Nga. Đó là chính sách không thay đổi", ông Kirby nói khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu đã đến lúc xem xét lại "lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ theo hướng tấn công hay không".
Tuyên bố của các quan chức Anh và Mỹ được đưa ra sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 17/5 cảnh báo phương Tây đang "đùa với lửa". Bà Zakharova cáo buộc Anh và Mỹ không chỉ cung cấp tên lửa tầm xa và vũ khí hạng nặng cho Ukraine mà còn cho phép Kiev sử dụng chúng để chống lại Nga.
"Một lần nữa, chúng tôi muốn cảnh báo rõ ràng với Washington, London, Brussels và các nước phương Tây khác, cũng như Kiev, nước đang nằm dưới sự kiểm soát của họ, rằng họ đang đùa với lửa. Nga sẽ không để yên cho những hành động xâm phạm lãnh thổ của mình mà không bị đáp trả", bà Zakharova cảnh báo.
Nga nhiều lần chỉ trích phương Tây chuyển vũ khí cho Ukraine, đồng thời cảnh báo các thành viên NATO đã trở thành bên tham gia trực tiếp vào xung đột ở Ukraine. Moscow tuyên bố, Nga coi những vũ khí này là mục tiêu tấn công thích đáng.
Tình hình leo thang hơn gần đây khi Anh tuyên bố dỡ bỏ hạn chế đối với vũ khí nước này cấp cho Ukraine. Ngoại trưởng Anh David Cameron khẳng định Ukraine có quyền sử dụng vũ khí của Anh tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Trong chuyến thăm Washington hôm 14/5, David Arakhamia, lãnh đạo đảng Phụng sự Nhân dân cầm quyền tại quốc hội Ukraine, cho biết "vấn đề chính hiện nay là chính sách của Nhà Trắng đang hạn chế khả năng của Kiev trong việc tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga".
Các nghị sĩ Ukraine đã lên kế hoạch thuyết phục quốc hội Mỹ thay đổi chính sách, dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.
Đề cập đến vấn đề gây tranh cãi về các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, Ngoại trưởng Mỹ nói: "Chúng tôi không khuyến khích hoặc cho phép các cuộc tấn công bên ngoài Ukraine, nhưng rốt cuộc Ukraine sẽ phải tự đưa ra quyết định về cách thức tiến hành cuộc chiến này".