1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine đối mặt với mùa đông tồi tệ nhất trong lịch sử

An Hoàng

(Dân trí) - Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi phương Tây giúp Kiev tăng cường hệ thống phòng không để bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng trước nguy cơ làn sóng tập kích mới của Nga.

Ukraine đối mặt với mùa đông tồi tệ nhất trong lịch sử - 1

Lính cứu hỏa Ukraine đối phó đám cháy tại một cơ sở hạ tầng ở Kharkov bị UAV Nga tập kích (Ảnh: Reuters).

"Gia đình tôi đã mua hàng chục cây nến và một xe tải đầy củi để đề phòng các cuộc tấn công của Nga", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tiết lộ trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Đức Die Welt ngày 6/11.

Theo ông Kuleba, Ukraine đang phải chuẩn bị cho "mùa đông tồi tệ nhất trong lịch sử". Tình trạng mất điện có khả năng sẽ diễn ra trên quy mô lớn do các cuộc tấn công tên lửa của Nga. Kể từ mùa thu năm ngoái, Moscow bắt đầu nhắm mục tiêu vào hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine để trả đũa việc Kiev đánh bom cầu Crimea.

Hồi tháng 9, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine cho biết giới chức cấp cao của nước này đã thảo luận về vấn đề này nhiều lần. Đồng thời, quan chức này nói thêm rằng việc hỗ trợ cung cấp điện cho người dân cũng phải tùy thuộc vào từng địa phương.

Tháng trước, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galuschenko thừa nhận rằng, nếu Nga thực hiện các cuộc tấn công lớn vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Kiev, có thể sẽ gây ra thiệt hại đáng kể cho mạng lưới điện quốc gia và có khả năng gây mất điện trên diện rộng. Ông kêu gọi người dân chuẩn bị sẵn máy phát điện và thực hiện các biện pháp khác để tăng cường phương án giải quyết nếu tình trạng mất điện xảy ra.

Theo ước tính hồi tháng 7 của ông Galuschenko, các cuộc tấn công của Nga đã làm hư hại khoảng 50% tổng số cơ sở sản xuất điện của Ukraine, nhiều cơ sở trong số đó đã bị phá hủy hoàn toàn.

Nga lần đầu tiên tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine là từ tháng 10/2022. Đây là động thái đáp trả hành động đánh bom do Kiev tổ chức nhằm vào cây cầu chiến lược Crimea. Trước đó, giới chức Ukraine từng phủ nhận mọi trách nhiệm liên quan, nhưng mới đây, người đứng đầu Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) Vasily Malyuk đã thừa nhận Kiev đứng sau vụ tấn công.

Để đối phó làn sóng tấn công mới của Nga, Ukraine kêu gọi đồng minh, đối tác phương Tây cung cấp thêm các tổ hợp phòng không, tên lửa và máy bay chiến đấu.

Ông Kuleba nói, hệ thống tên lửa tầm xa Taurus của Đức hiện không phải là ưu tiên hàng đầu của Kiev. Thay vào đó, họ kỳ vọng nhận thêm nhiều hệ thống phòng không. Ông nhấn mạnh, Ukraine sẽ nỗ lực bảo vệ các nhà máy điện quốc gia.

Về phần mình, Đức vẫn tỏ ra miễn cưỡng trong việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Kiev. Thủ tướng Đức Olaf Scholz giải thích ông không muốn những tên lửa này bị sử dụng để tấn công các mục tiêu ở Nga.

Bình luận về vấn đề này vào tháng 9, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết loại tên lửa Taurus cực kỳ tinh vi. Bà nhấn mạnh: "Khi chúng tôi trao đi bất kỳ thứ gì, chúng tôi muốn đảm bảo nó sẽ chỉ hoạt động trong lãnh thổ cho phép".

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Israel - Hamas