1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine: Đến lượt Thủ tướng Yatsenyuk mất chức?

Sau khi trùm tài phiệt Kolomoisky bị loại khỏi chức tỉnh trưởng, dư luận và truyền thông Ukraine rộ lên đồn đoán người tiếp theo sẽ bị Tổng thống Petro Poroshenko khuất phục chính là đương kim Thủ tướng Yatsenyuk.

Khi những công nhân mỏ dọa sẽ biểu tình tuần hành ở Kiev đòi được chi trả các khoản nợ lương, đã xuất hiện cuộc đua gay cấn xem ai sẽ là người nắm chiếc ghế Thủ tướng đầy bất trắc. Theo tờ Vzglyad đưatin, ông Yatsenyuk sẽ được thay thế bởi một người thân Tổng thống. Khả năng này không phải là quá xa vời, khi mà đương kim Thủ tướng hiện không còn giành được niềm tin của công chúng, do cuộc khủng hoảng chưa có dấu hiệu tiến triển.

Sức ép đang gia tăng đối với đương kim Thủ tướng Arseny Yatsenyuk
Sức ép đang gia tăng đối với đương kim Thủ tướng Arseny Yatsenyuk

Những chương trình cải cách mà ông Yatsenyuk công bố đã không mang lại điều kì diệu kinh tế, mọi người giờ tỏ ra hoài nghi về năng lực của ông. Tỉ lệ phản đối Thủ tướng ngày càng tăng, cùng với đó là sự đối đầu giữa những người ủng hộ ông và Tổng thống Poroshenko. Một số nguồn tin “rò rỉ” nói rằng, những thay đổi trong nội các gần đây cho thấy Thủ tướng Yatsenyuk sẽ lịch sự từ chức.

Truyền thông Ukraine cũng đặt ra nghi ngại rằng, Sergei Liovochkin - cựu Chánh văn phòng Phủ Tổng thống trong chính quyền Viktor Yanukovych, sẽ là người được chọn vào ghế Thủ tướng. Ngay ở Ukraine, Liovochkin đã công khai nói đến khả năng ông Liovochkin. Ông Alexander Koltunovich, chuyên gia về chương trình kinh tế thuộc phong trào “Lựa chọn cho người Ukraine” nói rằng: “Ngày nay, tại trung tâm quyền lực Kiev, người ta nói nhiều đến ông ấy (Liovochkin) - Chủ tịch khối Đối lập trong Quốc hội Ukraine. Số phiếu mà khối Poroshenko (150) kết hợp với khối Đối lập (40) là đủ để thiết lập đa số mới tại Quốc hội, có đủ lực để chỉ định một người đứng đầu nội các”.

Liovochkin không phải là nhân tố quá mới đối với những người từng ở chốn thâm cung Kiev. Ông này không phải chịu kết cục bi thảm như nhiều quan chức dưới thời chính quyền Yanukovych. Nhiều người gọi ông ta là “Hồng y giáo chủ” của Yanukovych. Hai người từng làm việc với nhau từ năm 1996. Từ 2006, cũng như ông Yanukovych, Lyovochkin lãnh đạo đảng Các khu vực. Nửa năm sau cuộc chính biến tháng 2/2014, cựu Tổng thống Yanukovych đã phải ngầm thừa nhận rằng chính Liovochkin là người đứng sau điều hành cuộc đảo chính.

Một ứng cử viên sáng giá khác là Chủ tịch Quốc hội Volodymyr Groisman, người gần đây rất chịu khó trả lời phỏng vấn và đưa ra nhiều tuyên bố báo chí. Khi được giới phóng viên đặt câu hỏi liệu có sẵn lòng thay thế cương vị Thủ tướng hay không, Groisman nói một cách ẩn ý rằng: Ông Yatsenyuk đã phạm phải nhiều sai lầm; khi thủ tướng “tích tụ” quá nhiều điểm tiêu cực thì sẽ đến lúc ông ta bị thay thế. Ngay sau khi thắng cử, Tổng thống Petro Poroshenko muốn bổ nhiệm Groisman làm Thủ tướng, tuy nhiên các đối tác phương Tây (nhất là Mỹ) lúc đó vẫn “ưa thích” Yatsenyuk. Theo thời gian, tình thế đã thay đổi trên tất cả các mặt trận. Gần đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Andrew Paruby cũng nói với các phóng viên rằng, chính phủ có thể sẽ có thay đổi trong tương lai và không loại trừ sẽ là sự thay đổi “trọn gói” trong Nội các. Tuy nhiên, ông từ chối đưa ra những cái tên có thể bị thay thế.

Theo Hiến pháp Ukraine, Thủ tướng do Quốc hội phê chuẩn và bãi miễn. Ứng cử viên chức Thủ tướng do Tổng thống đề xuất sang Quốc hội và vì thế người này cần phải nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các nghị sĩ. Như nhiều thành viên Nội các khác, Thủ tướng có thể tự nguyện từ chức. Quốc hội cũng có thể loại bỏ Thủ tướng thông qua hình thức bỏ phiếu bất tín nhiệm. Một hình thức khác là Tổng thống đề nghị Quốc hội bỏ phiếu “sa thải” Thủ tướng - đây là điều đã từng xảy ra ở Ukraine không chỉ một lần.
 
Sức ép đang gia tăng đối với đương kim Thủ tướng Arseny Yatsenyuk
Sự ra đi của trùm tài phiệt Igor Kolomoisky báo hiệu những thay đổi trên chính trường Ukraine? (Ảnh: AP)

Những chỉ dấu xấu đối với ông Yatsenyuk xuất hiện ngày một nhiều. Nghiên cứu mới đây của Trung tâm nghiên cứu chính sách quốc tế Ukraine cho thấy, “ngôn ngữ đậm màu sắc chiến tranh” của Thủ tướng không chỉ làm giới chính trị giật mình, mà người dân bình thường cũng cảm thấy dị ứng. Thậm chí, đã có một kênh truyền hình của Trung ương cho chạy chiến dịch chuyên mổ xẻ khả năng điều hành yếu kém của chính phủ. Còn tại Quốc hội, đảng Cấp tiến và Tổ quốc nằm trong liên minh với đảng Mặt trận nhân dân của Thủ tướng Yatsenyuk tuyên bố sẵn sàng từ bỏ liên minh nếu chính phủ không thực hiện thành công các chương trình cải cách theo cam kết.

Giới phân tích chính trị ở Ukraine nhận định, sau khi loại bỏ được ảnh hưởng chính trị của “ông trùm” Koloimosiky - người được cho là có mối liên hệ thân thiết với với Yatsenuyk, đây là thời điểm thuận lợi để Tổng thống Poroshenko củng cố sức mạnh chính trị, thực hiện cải cách về nhân sự. Điểm cuối cùng sẽ là Mỹ có bật đèn xanh cho thay đổi nhân sự cấp cao hay không? Có tín hiệu cho thấy Mỹ ngầm ủng hộ mục tiêu củng cố quyền lực tại Kiev. Vụ loại trừ Koloimosiky tưởng chừng như sẽ rất phức tạp, nhưng lại diễn biến khá nhanh. Sự thực là trước khi ông Poroshenko “chấp nhận” đơn từ chức của Koloimosiky, Đại sứ Mỹ tại Kiev, Geoffrey Pyatt đã có buổi gặp riêng với trùm tài phiệt này. Thông điệp được phát đi sau cuộc tiếp xúc là: Đã đến lúc “luật rừng” không còn đất sống.

Theo Hoài Thanh (theo Ukraina.ru, Off Guradian)