1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine đề nghị thỏa hiệp với Ba Lan

An Hoàng

(Dân trí) - Ukraine tìm cách hạ nhiệt căng thẳng với Ba Lan, một đồng minh quan trọng, sau những rạn nứt do vấn đề xuất khẩu ngũ cốc.

Ukraine đề nghị thỏa hiệp với Ba Lan - 1

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại một cuộc họp báo chung hôm 23/8/2022 tại Kiev (Ảnh: Getty).

Ngày 24/9, Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế, Thương mại và Nông nghiệp Ukraine Taras Kachka gợi ý Ukraine và Ba Lan có thể tiến tới một phương án chung cho phép vận chuyển ngũ cốc qua các quốc gia Liên minh châu Âu.

Quan chức này đề xuất giải pháp kết hợp từng lô nông sản thương mại của Ukraine với tem mác xác nhận chính thức của Ba Lan trước khi vận chuyển qua biên giới.

"Theo cơ chế được đề xuất, các đơn vị xuất khẩu Ukraine sẽ có nghĩa vụ trình yêu cầu giao thương tới Bộ Kinh tế nước sở tại, từ đó liên hệ với các đơn vị chịu trách nhiệm ở Ba Lan để đánh giá liệu lô hàng có thỏa mãn các yêu cầu về mặt giá cả, quy mô và khả năng tiêu thụ hay không", ông giải thích.

Đầu tháng này, Ba Lan, Hungary và Slovakia quyết định không lệnh dỡ bỏ cấm vận của Liên minh châu Âu đối với mặt hàng ngũ cốc của Ukraine. Giới chức Ba Lan tuyên bố động thái này là cần thiết để bảo vệ nông dân của họ, ngăn chặn việc các sản phẩm nông nghiệp giá rẻ của Ukraine phá giá thị trường gây gián đoạn sự phát triển của ngành hàng nông sản trong nước.

Ukraine đã lên án lệnh cấm là "bất hợp pháp" và đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng ngầm chỉ trích 3 quốc gia trên trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi đầu tuần trước. Ngoài ra, Kiev dọa ngừng nhập khẩu trái cây và rau quả từ Ba Lan.

Vào tháng 5, Ủy ban châu Âu (EC) đã áp đặt "các biện pháp ngăn chặn đặc biệt và tạm thời" đối với mặt hàng nhập khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine. Lệnh cấm này được thi hành tại 5 quốc gia thành viên bao gồm Ba Lan, Hungary, Romania, Slovakia và Bulgaria nhằm giảm bớt căng thẳng do giá ngũ cốc ở các nước này giảm mạnh bởi nông sản giá rẻ Ukraine.

Lệnh này cho phép ngũ cốc của Ukraine vẫn được vận chuyển qua các quốc gia thành viên của EU nhưng không được bán hoặc lưu kho ở đó. Lệnh cấm hết hiệu lực từ ngày 15/9, ngoại trừ 3 nước quyết định gia hạn.

Những tranh cãi liên quan đến vấn đề ngũ cốc khiến quan hệ Ukraine, Ba Lan leo thang căng thẳng. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết, nước này sẽ ngừng cấp vũ khí cho Ukraine với lý do cần tập trung trang bị cho quân đội của mình.

Một số quan chức của Ba Lan sau đó đính chính, Warsaw vẫn cấp vũ khí cho Kiev theo cam kết trước đó, chỉ không cung cấp vũ khí mới.

Trong một động thái nhằm hạ nhiệt căng thẳng, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng nói rằng tranh chấp giữa Ba Lan và Ukraine về nhập khẩu ngũ cốc sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến mối quan hệ song phương.

"Tôi cho rằng tranh chấp về việc cung cấp ngũ cốc từ Ukraine sang thị trường Ba Lan chỉ là một phần nhỏ của toàn bộ mối quan hệ song phương. Tôi tin nó sẽ không tác động đáng kể đến họ, vì vậy chúng ta cần giải quyết vấn đề này", ông Duda nói thêm.

Mặc dù vậy, Thủ tướng Morawiecki tiếp tục gửi thông điệp cứng rắn đến giới chức Ukraine. "Tôi muốn nói với Tổng thống Zelensky rằng đừng bao giờ xúc phạm Ba Lan nữa, như ông ấy đã làm gần đây trong bài phát biểu tại Liên hợp quốc".

Theo RT