1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine có thể nhận siêu tên lửa mới từ NATO có tầm tấn công tới Crimea

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine được cho là đang đàm phán với thành viên NATO Ba Lan để sở hữu tên lửa Naval Strike - vũ khí tầm xa có thể tấn công các mục tiêu của Nga ở bán đảo Crimea.

Ukraine có thể nhận siêu tên lửa mới từ NATO có tầm tấn công tới Crimea - 1

Tên lửa Naval Strike có tầm tấn công xấp xỉ 200km (Ảnh: Kongsberg).

Truyền thông Ba Lan đưa tin, nước này đang thương lượng với phía Ukraine liên quan tới việc Warsaw có thể chuyển hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển tầm xa Naval Strike cho Kiev.

Cụ thể, nguồn tin cho biết quá trình đàm phán đang ở giai đoạn tiến triển. Ukraine muốn nhận được tên lửa Naval Strike từ kho vũ khí của Ba Lan. Việc chuyển giao tên lửa có thể sử dụng quỹ từ Liên minh châu Âu, nên kho tên lửa của Warsaw sẽ được bù đắp sau khi viện trợ.

Theo giới chuyên gia, Naval Strike là hệ thống tên lửa phòng thủ nhưng nó là vũ khí uy lực, có thể mang lại cho Ukraine khả năng tấn công cả mục tiêu trên biển và mặt đất ở khoảng cách 124 dặm (xấp xỉ 200km).

Điều đó có nghĩa là với tên lửa tầm xa này, Ukraine có thể tấn công vào mục tiêu ven bờ ở bán đảo Crimea - khu vực có tầm quan trọng chiến lược trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. 

Trong thời gian qua, Nga cáo buộc Ukraine tấn công vào cơ sở quân sự tại Crimea bằng xuồng tự sát, UAV. Tuy nhiên, tên lửa Naval Strike có uy lực vượt trội so với các vũ khí trên.

Naval Strike do nhà thầu Kongsberg của Na Uy phát triển, được làm bằng vật liệu composite có khả năng hấp thụ sóng radar cực mạnh, giúp giảm thiểu tín hiệu bộc lộ và tích hợp thiết bị rất tinh vi để nâng cao xác suất đánh trúng mục tiêu.

Tên lửa sử dụng hệ thống dẫn bắn kết hợp giữa hệ thống lái theo quán tính và tham chiếu bản đồ số thông qua hệ thống định vị toàn cầu GPS.

Trong giai đoạn hành trình, tên lửa bay bám biển ở độ cao cực nhỏ, đến pha cuối, tên lửa thực hành các thao tác cơ động ngẫu nhiên và có thể phát nhiễu gây khó khăn các hệ thống phòng không hạm tàu trong việc đánh chặn.

Tên lửa ứng dụng nguyên lý bắn-quên, thậm chí cả khi khai hỏa ở tầm tối đa, được dẫn tới mục tiêu nhờ cảm biến hồng ngoại thụ động có khả năng tự động phát hiện và nhận dạng mục tiêu, lựa chọn ra trong nhóm tàu một mục tiêu nhất định. 

Nếu Ukraine triển khai Naval Strike, họ sẽ có khả năng phòng thủ mạnh mẽ trước hạm đội tàu nổi của Nga, đồng thời đe dọa tới các mục tiêu quan trọng của Moscow trong tầm tấn công.

Quân đội Ba Lan hiện sở hữu hai hệ thống Naval Strike được trang bị đầy đủ. Mỗi hệ thống biên chế hai tổ hợp, mỗi tổ hợp gồm 3 xe bệ phóng có khả năng mang phóng tối đa 4 tên lửa/xe cùng các phương tiện chỉ huy và điều khiển hỏa lực.

Ngoài ra, hệ thống còn có các xe chỉ huy, trung tâm thông tin liên lạc di động, radar cảnh giới nhìn vòng để phát hiện và theo dõi mục tiêu, cũng như các phương tiện đảm bảo khác.

Naval Strike có thể được coi là tên lửa đa nhiệm, nhưng giá thành khá đắt đỏ, hơn 2 triệu USD/quả, đắt gấp 3-4 lần so với tên lửa hành trình Storm Shadow mà Anh cấp cho Ukraine trước đó.

Theo Eurasian Times