1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine cảnh báo kịch bản Nga hành động quân sự với các nước NATO

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Ukraine cảnh báo các khu vực ở sườn phía đông NATO có thể sẽ bị tàn phá, ngay sau khi Thụy Điển trở thành thành viên mới nhất của liên minh.

Ukraine cảnh báo kịch bản Nga hành động quân sự với các nước NATO - 1

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (Ảnh: Getty).

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Elta của Lithuania ngày 10/3, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết ông tin tưởng mạnh mẽ rằng nếu Nga phát động chiến dịch quân sự ở các nước vùng Baltic, họ sẽ dũng cảm đứng lên chống lại "đối thủ vượt trội cả về kinh nghiệm và năng lực", khiến NATO phải mất vài ngày để quyết định phương án ứng phó.

"Cuối cùng, tôi nghĩ NATO sẽ thắng thế. Tuy nhiên, hãy nhìn Bakhmut, hãy nhìn Avdiivka. Đây sẽ là diện mạo của các nước vùng Baltic sau các cuộc giao tranh dữ dội. Đây là diện mạo của các thành phố của bạn. Vilnius sẽ không còn xinh đẹp nữa", ông Kuleba cảnh báo.

Theo ông Kuleba, cách ít tốn kém nhất và an toàn nhất để ngăn chặn kịch bản trên xảy ra là hỗ trợ Ukraine chiến đấu chống lại Nga.

Ngoại trưởng Kuleba nói thêm rằng Lithuania hiểu điều này, do vậy đã hỗ trợ Ukraine.

Các thành phố Bakhmut và Avdiivka ở phía đông Ukraine hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Nga tuyên bố kiểm soát hoàn toàn Bakhmut vào tháng 5/2023 và lực lượng Ukraine đã rút khỏi Avdiivka vào giữa tháng 2.

Cả hai thành phố đều bị tàn phá nặng nề sau những cuộc giao tranh dữ dội kéo dài nhiều tháng.

Một số quốc gia NATO nằm ven biển Baltic, bao gồm Latvia, Estonia và Lithuania, sau này cũng giáp với vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga. Thụy Điển cũng nằm ven biển Baltic và trở thành thành viên mới nhất của NATO vào cuối tuần trước.

NATO đã cung cấp viện trợ quân sự trị giá hàng chục tỷ USD cho Ukraine trong hơn hai năm xung đột với Nga. Tuy nhiên, liên minh và các quốc gia thành viên đã tuyên bố NATO không tiến hành chiến tranh trực tiếp với Nga.

Theo Điều 5 của hiệp ước liên minh, một cuộc tấn công vào một thành viên NATO được coi là tấn công vào tất cả thành viên còn lại. Ukraine hiện chưa trở thành thành viên của liên minh, nhưng đang nỗ lực xin gia nhập khối.

Gần đây, cơ quan tình báo Lithuania đã đưa ra một báo cáo chung khẳng định Nga có đủ nguồn lực để chiến đấu ở Ukraine với cường độ hiện tại trong ít nhất hai năm nữa. Đồng thời, Nga đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài với NATO, đặc biệt là ở khu vực Biển Baltic và đang dần mở rộng khả năng quân sự ở các khu vực phía tây.

Ngoài ra, Darius Jauniskis, Giám đốc Cục An ninh Nhà nước Lithuania, bình luận về mối đe dọa chiến tranh, nhấn mạnh rằng hiện tại không có lý do để lo ngại, nhưng cần phải "chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất".

Estonia, Lithuania và Latvia đang tích cực xây dựng các công trình phòng thủ khổng lồ dọc theo biên giới chung với Nga và Belarus.

Tuyến phòng thủ Baltic, bao gồm hàng trăm hầm trú ẩn và các biện pháp phòng thủ khác, là một phần quan trọng trong thỏa thuận được ký kết giữa Estonia, Lithuania và Latvia vào tháng 1. Động thái này diễn ra trong bối cảnh cả 3 nước đều lo ngại chiến dịch quân sự của Nga ở nước láng giềng Ukraine.

Estonia có kế hoạch xây dựng 600 boongke, với chi phí 65 triệu USD, dọc theo biên giới dài 455km chung với Nga, đài truyền hình ERR của nước này đưa tin.

Các quan chức hàng đầu của Estonia, Lithuania và Latvia từ lâu đã đưa ra tín hiệu cảnh báo về sự cứng rắn ngày càng tăng của Nga. Họ cũng ngày càng thể hiện sự sẵn sàng trong việc hành động độc lập với NATO để tăng cường khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa.

Theo Newsweek

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm