Tỷ phú Elon Musk nêu loại vũ khí Mỹ cần bổ sung số lượng lớn
(Dân trí) - Tỷ phú Elon Musk, người đang có tầm ảnh hưởng khá lớn trong chính trường Mỹ, cho rằng Washington cần thêm một lượng lớn các loại vũ khí để sẵn sàng cho hoạt động tác chiến tương lai.
Fox News đưa tin, ông Musk cho rằng Mỹ cần một kho vũ khí đáng kể gồm tên lửa siêu vượt âm và các loại thiết bị không người lái tầm xa trên không, trên mặt nước và dưới đáy biển.
"Mỹ cần một số lượng lớn thiết bị không người lái tầm xa (trên không, mặt nước và dưới đáy biển) cùng với tên lửa siêu vượt âm. Bất kỳ thứ gì có người điều khiển sẽ bị loại bỏ rất nhanh trong một cuộc chiến sử dụng vũ khí không người lái", ông Musk nhận định.
Một tháng trước, ông từng nhận định: "Các cuộc chiến trong tương lai sẽ xoay quanh thiết bị không người lái và tên lửa siêu vượt âm. Máy bay chiến đấu có người điều khiển sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt".
Khi đó, ông từng đặc biệt chỉ trích tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ, F-35, khi gọi vũ khí này có thiết kế lỗi thời, tồi tệ.
"Thiết kế của F-35 đã sai ngay từ đầu, bởi nó bị đòi hỏi phải đáp ứng quá nhiều nhu cầu khác nhau. Điều này khiến nó trở thành một sản phẩm đắt đỏ và phức tạp, không thể xuất sắc ở bất kỳ lĩnh vực nào. Thêm vào đó, máy bay chiến đấu có người lái đã lỗi thời trong kỷ nguyên của máy bay không người lái. Chúng sẽ chỉ khiến phi công thiệt mạng", ông Musk tuyên bố.
Ông cũng bày tỏ sự không hài lòng với F-35 vì dự án này bị đội giá quá cao. Ông kêu gọi Mỹ dừng dự án F-35, gọi đây là "dự án mang lại giá trị quân sự thấp nhất trong lịch sử".
Những phát biểu của ông Musk thời gian qua gây được chú ý trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn ông, cùng với doanh nhân Vivek Ramaswamy, để dẫn dắt cơ quan Hiệu quả Chính phủ (DOGE). Đây là một nỗ lực nhằm cắt giảm chi phí dư thừa trong chi tiêu chính phủ.
Trong khi các tranh luận về hiệu quả quân sự, ông Musk tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiện đại hóa các hệ thống vũ khí, đặc biệt là các công nghệ không người lái và tên lửa siêu vượt âm, để đối phó với các thách thức trong chiến tranh hiện đại.
Về tên lửa siêu vượt âm, Mỹ đã hơn một lần thừa nhận họ đang chậm chân hơn 2 đối thủ Nga và Trung Quốc.
Tốc độ và khả năng cơ động giúp các tên lửa siêu vượt âm trở nên nguy hiểm hơn đối với hầu hết các hệ thống phòng không. Ngoài ra, thời gian đốt cháy động cơ tên lửa được rút ngắn khiến việc phát hiện chúng bằng hệ thống cảnh báo sớm trên quỹ đạo trở thành một nhiệm vụ khó khăn.
Hiện thời, Nga đã biên chế và sử dụng tên lửa siêu vượt âm trong tác chiến, trong khi Bắc Kinh đã có tên lửa siêu vượt âm sẵn sàng triển khai. Một số đối thủ khác của Mỹ như Triều Tiên, Iran cũng đã tuyên bố có loại vũ khí này.
Mỹ, trong khi đó, vẫn đang thử nghiệm nhiều loại vũ khí siêu vượt âm nhưng chưa thành công hoàn toàn. Thêm vào đó, Washington tuyên bố sẽ phát triển hệ thống phòng thủ để ngăn chặn vũ khí siêu vượt âm của đối phương trong tương lai.