Tuyến đường biển huyết mạch ở Trung Đông: Bình yên giữa xung đột
Cho đến nay, các cuộc chiến tranh cũng như sự đối đầu giữa các quốc gia Trung Đông vẫn không làm ảnh hưởng đến các tuyến đường hàng hải thương mại đi qua khu vực này.
Trong những năm qua, tuyến đường huyết mạch ở Trung Đông đi qua kênh Suez, eo Bab al-Mandab hay eo Hormuz, nhìn chung không bị ảnh hưởng bởi các cuộc chiến tranh cũng như sự đối đầu của các quốc gia xung quanh. Thậm chí, vụ Iran bắt giữ một tàu container ngoài khơi nước này hôm 28/4 cũng chẳng khiến tuyến đường vận tải bị ngưng trệ. Các hãng tàu biển đã quen với tình hình bất ổn ở khu vực, đồng thời tin rằng những quốc gia kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng sẽ không bao giờ ngăn chặn tàu bè qua lại, bởi điều này sẽ chỉ gây bất lợi cho quốc gia ven biển đó.
Dù vậy, không ít lần, Iran đã thách thức niềm tin nói trên. Trong bối cảnh 1/5 lưu lượng vận chuyển dầu mỏ toàn cầu đi dọc theo eo biển Hormuz, Iran từng đe dọa sẽ phong tỏa tuyến đường này nhằm đáp trả lệnh cấm vận của phương Tây. Mới đây, trong vụ bắt giữ tàu hôm 28/4, phía Iran tuyên bố hành động này liên quan đến tranh chấp thương mại song dư luận quốc tế cho rằng đó là động thái gây bất hòa của chính quyền Tehran. Mặc dù con tàu đã được trả tự do ngày 7/5 nhưng vụ việc đã khiến Mỹ phải triển khai tàu chiến đến khu vực nhằm bảo vệ những tàu hàng treo cờ Mỹ.
Hải quân Mỹ cũng như các nước Arab vùng Vịnh luôn cảnh giác các tàu chiến của Iran, vốn thường xuyên xuất hiện tại eo biển Bab al-Mandab, cửa ngõ chiến lược tiến vào Biển Đỏ và kênh đào Suez. Hồi giữa tháng Tư, một tàu hộ tống của Iran bất ngờ xuất hiện ngoài khơi Yemen, trong lúc liên quân Arab đang không kích quốc gia này. Trong khi các nước Arab cáo buộc Iran đang cố gắng chuyển vũ khí cho phiến quân Houthi, chính quyền Tehran khẳng định họ chỉ nhằm mục tiêu chống cướp biển.
Bất chấp việc giới chính trị - quân sự luôn “đau đầu” với những động thái khó lường của Iran, hoạt động vận tải biển tại Trung Đông vẫn diễn ra khá yên bình. Maersk, tập đoàn vận tải biển khổng lồ của Đan Mạch sở hữu con tàu bị Iran bắt giữ hôm 28/4, thừa nhận hành động này là phi lý, song cho rằng đây chỉ là “một sự vụ hi hữu”. Sau đó, Maersk cũng không thay đổi tuyến đường hay tăng cường an ninh cho các tàu hàng đi qua Trung Đông của mình. Đánh giá về tình hình chung tại khu vực, ông Peter Sand, lãnh đạo của liên minh tàu biển quốc tế BIMCO nói rằng: “Chúng tôi đánh giá hoạt động hàng hải vẫn lưu thông nhịp nhàng”.
Dù vậy, một số quốc gia ở khu vực đang cố gắng điều chỉnh các tuyến vận tải hàng hải để tránh những nguy cơ từ Iran. Cụ thể, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã mở một đường ống dẫn dầu mới xuyên qua eo biển Hormuz. Sáu nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) dự kiến xây dựng tuyến đường sắt nối Kuwait và Salalah (miền Nam Oman), nơi hàng hóa có thể được chuyển lên tàu neo đậu ở biển Arab. Tuy nhiên, đường ống của Saudi Arabia và UAE cũng chỉ chuyển một phần nhỏ trữ lượng dầu mỏ của vùng Vịnh, trong khi dự án đường sắt của nhóm GCC vẫn đang nằm trên giấy.
Trên thực tế, Iran không hẳn là mối đe dọa lớn nhất đối với các tuyến đường biển thương mại ở khu vực. Các nhân tố phi nhà nước, theo giới quan sát, mới là những lực lượng nguy hiểm hơn cả. Trong khi cướp biển Somalia đã bị hải quân phương Tây chặn đứng, một số phần tử Hồi giáo cực đoan ở bán đảo Sinai (Ai Cập) đang ngày càng hoành hành.
Cho đến nay, những vụ tấn công của các tay súng cực đoan này tuy chưa gây ra hậu quả nào nghiêm trọng, nhưng chúng hoàn toàn có thể lôi kéo thêm các nhóm phiến quân khác để tăng cường lực lượng. Bên cạnh đó, tình hình bất ổn ở Bắc Phi có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các phần tử cực đoan dễ dàng mua sắm vũ khí hạng nặng, chủ yếu từ Libya. Năm ngoái, Mỹ đã phải đưa hàng chục tàu hải quân đến bảo vệ kênh đào Suez, bởi chỉ cần một tàu chở container bị đánh chìm ở đây, giao thông sẽ bị tắc nghẽn cả tuần liền.
Dù vậy, các hãng tàu biển vẫn tỏ ra rất bình tĩnh. Trên thực tế, ngay cả trong cao trào Mùa xuân Arab, kênh đào Suez cũng gần như không bị ngưng trệ, bởi chính phủ chuyển tiếp ở Ai Cập luôn xem đây là lợi ích quốc gia quan trọng. Mới đây, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cho biết nước này có ý định nới rộng thêm một làn đường ở kênh Suez vào cuối mùa hè này. Vì vậy, “chúng tôi có một niềm tin vững chắc rằng người Ai Cập sẽ hết lòng bảo vệ con kênh”, ông Peter Sand nói.