1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tướng Ukraine nêu hạn chế của tiêm kích F-16 khi Nga áp đảo trên không

Đức Hoàng

(Dân trí) - Dù Ukraine khẳng định tiêm kích F-16 có thể giúp ích trong cuộc đối đầu với Nga, nhưng họ thừa nhận vũ khí này sẽ có những hạn chế khi chiến đấu.

Tướng Ukraine nêu hạn chế của tiêm kích F-16 khi Nga áp đảo trên không - 1

Một tiêm kích F-16 (Ảnh: Không quân Mỹ).

Trả lời phỏng vấn Guardian, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrsky nói rằng tiêm kích F-16 do phương Tây viện trợ sẽ tăng cường khả năng phòng không của Ukraine, nhưng vũ khí này sẽ có những hạn chế khi tác chiến.

Theo ông Syrsky, F-16 sẽ tăng cường khả năng phòng không của Ukraine. Chúng sẽ cho phép Kiev chống lại tên lửa hành trình của Nga hiệu quả hơn và tấn công các mục tiêu mặt đất một cách chính xác.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh F-16 vẫn đối mặt với hạn chế vì chúng sẽ luôn phải ở cách "40km hoặc hơn" so với tiền tuyến để giảm nguy cơ bị Nga bắn rơi hoặc phá hủy.

Ông thừa nhận rằng Nga đang đạt được ưu thế trên không với không quân mạnh mẽ và hệ thống phòng không đáng gờm. Nga trong thời gian qua liên tục tấn công vào các sân bay gần tiền tuyến của Ukraine, phá hủy các tiêm kích của đối thủ. Điều này đặt F-16 vào rủi ro khi tiêm kích được bàn giao cho Ukraine. 

Đó cũng là lý do mà ông Syrsky cho rằng Ukraine sẽ phải phụ thuộc hơn nữa vào UAV để đối phó Nga. Ông tuyên bố Ukraine sử dụng UAV "rất hiệu quả" và đang thử nghiệm "hệ thống robot mặt đất" có thể làm nhiệm vụ hậu cần hoặc giải cứu thương binh. Tướng Ukraine cho biết, họ sẽ không chiến đấu bằng số lượng mà bằng chất lượng, nhấn mạnh họ đang xem UAV đóng vai trò như pháo binh. 

Trước đó, các nước NATO đã cam kết cung cấp cho quân đội Ukraine ít nhất 60 tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất vào cuối năm nay. Vào đầu tháng 7, chính phủ Hà Lan thông báo quá trình chuyển giao các máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên trong lô 24 chiếc sắp diễn ra.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn với AFP hồi tháng 5 rằng Ukraine cần tới 130 chiếc F-16 để đảm bảo sự cân bằng trên không với Nga, nhưng các nước phương Tây cho đến nay vẫn không cam kết cung cấp đủ cho Moscow số lượng này và không phải tất cả đều sẽ đến cùng một lúc.

Ngày 10/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết lô máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên sẽ được bàn giao cho Ukraine vào mùa hè.

Tuy nhiên, Moscow cho biết F-16 sẽ không thay đổi kết quả xung đột, tương tự các loại vũ khí khác được phương Tây cung cấp cho Kiev trước đó.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo Mỹ và các đồng minh NATO rằng Moscow coi sự hiện diện của F-16 ở Ukraine là một mối đe dọa hạt nhân vì tiêm kích này có khả năng mang theo vũ khí nguyên tử.

Theo Guardian