1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tướng Trung Quốc mượn cớ vụ máy bay Malaysia đòi xây cảng ở Trường Sa

(Dân trí) - Lợi dụng vụ máy bay của Malaysia mất tích bí ẩn, Đô đốc hải quân Trung Quốc Doãn Trác mới đây đã ngang nhiên tuyên bố Bắc Kinh cần xây thêm cảng tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam để phục vụ cái gọi là “chiến dịch cứu hộ”.

Tướng Trung Quốc mượn cớ vụ máy bay Malaysia đòi xây cảng ở Trường Sa

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng vụ máy bay Malaysia mất tích để thực hiện chiến lược bấy lâu của mình trên Biển Đông.

Vụ máy bay của hãng hàng không Malaysia mất tích đang là tâm điểm chú ý của dư luận những ngày qua. Tổng cộng có 10 bên gia tìm kiếm nhưng vẫn chưa phát hiện được tung tích của chiếc máy bay mất tích cùng 239 người, trong đó 2/3 là người Trung Quốc.

Trong khi đó, trang tin China.org.cn mới đây dẫn lời ông Doãn Trác biện hộ rằng hiện nay hải quân Trung Quốc không có cơ sở cứu hộ tại các quần đảo họ chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông nên khó triển khai tàu cứu hộ khi cần. Không những vậy ông này còn đề xuất xây dựng một sân bay ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và biến quần đảo Hoàng Sa, cũng thuộc chủ quyền Việt Nam, thành trung tâm liên lạc biển trong khu vực.

Theo giới quan sát, đề xuất của ông Doãn không chỉ đơn thuần nhằm phục vụ công tác cứu hộ mà để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoài ra, giới phân tích cũng nhận định Trung Quốc đang dùng vụ máy bay mất tích để “ra oai” với các nước láng giềng. Hôm nay 11/3, Trung Quốc đã cho tái bố trí 10 vệ tinh để tìm kiếm dấu vết chiếc phi cơ Malaysia bị mất tích, sau khi cử một loạt phương tiện hải quân hùng hậu, trong đó có tàu đổ bộ lớn nhất, hiện đại nhất Tỉnh Cương Sơn, xuống Biển Đông tham gia cứu nạn. Quy mô của lực lượng tham gia cứu hộ của Trung Quốc đã được truyền thông nước này loan tin rầm rộ trong suốt những ngày qua.

Một bài báo trên mạng Quartz nhận định, vụ máy bay chở nhiều người Trung Quốc bị mất tích là “một cơ hội để Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy chiến lược có từ một thập kỷ nay: đó là mở rộng sự can dự cả về quân sự lẫn ngoại giao vào vùng Đông Nam Á”.

Trung Anh

Tổng hợp