1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tướng Trung Quốc mời Mỹ "so tài trên bầu trời"

Thanh Thành

(Dân trí) - Phó tư lệnh không quân Trung Quốc đã đáp trả cảnh báo trước đó của Mỹ bằng "lời mời" quân đội Mỹ "hãy cùng so tài trên bầu trời", trong bối cảnh cuộc đối đầu giữa hai nước ngày càng tăng.

Tướng Trung Quốc mời Mỹ so tài trên bầu trời - 1

Tiêm kích tàng hình J-20 trình diễn tại Triển lãm hàng không Chu Hải, Trung Quốc hôm 29/9 (Ảnh: AP).

Phó tư lệnh không quân Trung Quốc Wang Wei đưa ra bình luận trên tại triển lãm hàng không Chu Hải hôm 29/9, trong một động thái nhằm gửi thông điệp đến Mỹ.

"Gần đây, một người đồng cấp ở một nước lớn tuyên bố ông ấy muốn khiến Trung Quốc sợ hãi. Nhưng Trung Quốc có đủ năng lực và tự tin để đảm bảo an ninh quốc gia, sự toàn vẹn, cũng như đóng góp cho hòa bình thế giới. Tôi chỉ có thể nói, nếu họ không sợ hãi khả năng của Trung Quốc, chúng ta hãy gặp nhau trên bầu trời", ông Wang nói.

Theo SCMP, bình luận của ông Wang được đưa ra là nhằm đáp trả cảnh báo trước đó của Tư lệnh không quân Mỹ Frank Kendall. Hồi tháng 8, tướng Kendall nói rằng, các chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đã nhanh hơn dự báo và Mỹ cần phải tăng tốc và đi đầu trong việc phát triển nhiều công nghệ hàng đầu nhằm "khiến Trung Quốc sợ hãi".

Trung Quốc đẩy mạnh "tự cung tự cấp"

Triển lãm hàng không Chu Hải, tên chính thức là Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc, được tổ chức 2 năm một lần nhưng bị hoãn lại vào năm 2020 vì đại dịch Covid-19.

Chủ đề chính của triển lãm năm nay là các nỗ lực của Trung Quốc trong việc thay thế công nghệ nước ngoài bằng các sáng tạo trong nước, chìa khóa cho động lực "tự cung tự cấp", trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Mỹ ngày càng gia tăng.

Hôm 28/9, phát ngôn viên của Lực lượng Không quân Shen Jinke cho biết, Bắc Kinh đã xác định đây là mục tiêu then chốt. Ông Jinke cũng xác nhận, một tiêm kích tàng hình J-20 được trang bị động cơ nội địa mới đã ra mắt tại triển lãm này.

Trung Quốc đã và đang nỗ lực để giải quyết "nút thắt cổ chai" lâu nay do thiếu động cơ chất lượng. J-20, cũng giống các mẫu tiêm tích khác của Trung Quốc, bị hạn chế do thiếu động cơ phản lực bền bỉ và hiệu suất cao.

Quân đội Trung Quốc chưa chính thức công bố mẫu động cơ được sử dụng cho J-20, nhưng theo SCMP đó là WS-10C, một phiên bản sửa đổi của động cơ WS-10 trước từng dùng để thay thế động cơ AL-31F của Nga.

Một sĩ quan quân đội cho biết, WS-10C là sự lựa chọn cơ bản cho J-20, cho phép máy bay cơ động và chiếm ưu thế trên không tốt hơn J-20 thế hệ trước. Phó Giám đốc thiết kế J-20 Wang Haitao hôm 29/9 cho hay, Trung Quốc dự kiến sẽ đẩy nhanh việc nâng cấp cho J-20 và đang nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất.