1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tướng Mỹ kêu gọi phân bổ lại nguồn lực quân sự đối phó Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ kêu gọi phân bổ lại các nguồn lực quân sự của Washington tại tây Thái Bình Dương để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Tướng Mỹ kêu gọi phân bổ lại nguồn lực quân sự đối phó Trung Quốc - 1

Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ David Berger (Ảnh: SCMP)

Phát biểu tại một hội nghị vào ngày 24/9, Tướng David Berger, Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ, cho biết các căn cứ và khí tài quân sự của Mỹ trong khu vực hiện tập trung quá nhiều tại Nhật Bản và đảo Guam. Cả 2 căn cứ này đều nằm trong tầm tấn công của tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom chiến lược Trung Quốc.

“Chúng ta phải trải rộng ra. Chúng ta phải tính đến đảo Guam. Chúng ta phải phân bổ (lực lượng) tại Thái Bình Dương nhằm cho phép chúng ta hợp tác với tất cả đối tác và đồng minh, đồng thời ngăn chặn các lực lượng như quân đội Trung Quốc tìm cách định hình lại chuẩn mực toàn cầu vốn được thiết lập từ 70 năm qua”, SCMP dẫn lời Tướng Berger nói.

Theo Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ, mô hình triển khai lực lượng quân đội Mỹ như hiện tại đã được duy trì từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Mô hình này ban đầu được thiết kế với mục đích đối phó với các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên bây giờ nó đã trở nên lỗi thời khi quân đội Trung Quốc ngày càng được hiện đại hóa.

“Đây không phải cách bố trí (lực lượng) hiệu quả trong 10-20 năm tới. Chúng ta cần xem xét lại vấn đề này”, ông Berger cho biết.

Tướng Mỹ cho rằng chiến lược mới nên tập trung vào việc phân bổ các lực lượng trên khu vực rộng lớn hơn, đồng thời nhắm đến các mục tiêu tiềm tàng khiến quân đội Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc tấn công các mục tiêu đó.

Tại Nhật Bản, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ hiện đặt trụ sở ở Yokosuka với một tiền đồn ở Sasebo, trong khi Thủy quân Lục chiến và Không quân Mỹ chủ yếu đồn trú tại Okinawa. Cả 3 thành phố này đều nằm trong tầm tấn công của tên lửa đạn đạo tầm trung Trung Quốc.

Theo báo cáo thường niên năm 2020 của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, tên lửa DF-26 và máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc có thể nhắm mục tiêu tấn công tới Guam. Đây là vùng lãnh thổ của Mỹ ở tây Thái Bình Dương và là nơi Mỹ đặt một căn cứ hải quân và không quân quan trọng.

Giới quan sát quân sự cho rằng đảo Tinian, Nauru và bắc Australia là những nơi Mỹ có thể lựa chọn để tái bố trí lực lượng. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể cân nhắc mở lại căn cứ hải quân ở vịnh Subic và căn cứ không quân Clark ở Luzon và Puerto Princesa tại Philippines để tăng cường hiện diện ở Biển Đông.

Theo nhà bình luận quân sự Zhou Chenming, mặc dù nhận định của Tướng Berger có vẻ hợp lý, nhưng khó để Mỹ có thể thực thi kế hoạch này vì các lý do tài chính và ngoại giao.

“Các căn cứ quân sự mới sẽ tiêu tốn ít nhất hàng chục tỷ USD, do vậy ở thời điểm hiện tại, ngay trước bầu cử tổng thống Mỹ, tư lệnh Thủy quân Lục chiến có thể đang đề xuất thêm ngân sách”, chuyên gia Zhou nhận định.

Chuyên gia Zhou cũng chỉ ra rằng các đồng minh của Mỹ trong khu vực vẫn duy trì cách tiếp cận cẩn trọng hơn trong việc cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự, vì điều đó đồng nghĩa với việc các nước này sẽ đối mặt với nhiều rắc rối hơn. Hơn nữa, nếu các cơ sở quân sự của Mỹ được trải rộng ra một khu vực rộng lớn hơn, khả năng phòng vệ chung trước một cuộc tấn công sắp xảy ra sẽ bị giảm đi. Và điều này sẽ không gây nhiều khó khăn cho quân đội Trung Quốc.

Theo USNI News, Tướng Berger tin rằng Trung Quốc đang lên kế hoạch thay thế vị trí cường quốc hàng đầu thế giới của Mỹ, do vậy Washington cần đối phó với mối đe dọa này. Ông Berger cho rằng Thủy quân lục chiến Mỹ cần cơ động hơn và tập trung nhiều hơn vào mặt trận hàng hải để đối phó với “mối đe dọa hiện hữu kéo dài” từ Trung Quốc nhằm vào Mỹ.

Tướng Berger năm 2019 từng đề cập tới sự cần thiết của việc “cải tổ” Thủy quân lục chiến Mỹ khi thông báo lực lượng này sẽ tiến hành “thay đổi về căn bản” trong những năm tới, trong khi vẫn tiếp tục triển khai lực lượng trên toàn thế giới nhằm “đối phó với các hoạt động nguy hiểm của Trung Quốc, Nga, Iran và các lực lượng ủy nhiệm”.

Theo ông Berger, Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ “đặt trọng tâm ưu tiên vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc cũng như các hoạt động nguy hiểm của Bắc Kinh” tại Biển Đông và Hoa Đông. Chỉ huy Thủy quân lục chiến Mỹ tin rằng các lực lượng quân sự hiện tại của Trung Quốc chưa đủ khả năng để răn đe hay ngăn cản các lực lượng Mỹ hoạt động tại các vùng biển.