1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tương lai nào cho Mỹ, Ai Cập và Trung Đông thời hậu Mubarak?

(Dân trí) - Việc từ chức của ông Mubarak, chấm dứt 3 thập niên tại vị, đặt ra nhiều câu hỏi, như điều gì khiến ông thay đổi quyết định nhanh đến vậy, tương lai Ai Cập sẽ ra sao và biến cố Ai Cập có ý nghĩa như thế nào với Mỹ cũng như Trung Đông.

Tương lai nào cho Mỹ, Ai Cập và Trung Đông thời hậu Mubarak? - 1


Tổng thống Mỹ Obama (phải) trong cuộc gặp với Tổng thống Ai Cập Mubarak ngày 1/9/2010.
 

Những người biểu tình đòi dân chủ đã ăn mừng trên khắp các thành phố ở Ai Cập vào đêm qua, sau khi đã gây sức ép buộc được Tổng thống Hosni Mubarak từ chức. Ông Mubarak, người mới vừa đêm trước tuyên bố trên đài truyền hình rằng sẽ vẫn tại vị vào trao một số quyền lực cho Phó tổng thống, đã đột ngột trao quyền cho quân đội và rời Cairo.

 

Biến cố ở Ai Cập tác động đến Mỹ như thế nào?

 

Sự từ chức của ông Mubarak cùng bất ổn mà Ai Cập đang phải đối mặt là những vấn đề được đánh giá hết sức nghiêm trọng đối với chính sách của Mỹ. Ai Cập dưới thời ông Mubarak là một đồng minh thân cận của Mỹ, hợp tác với Mỹ trên hàng loạt vấn đề từ cuộc chiến chống khủng bố đến hỗ trợ hoạt động của quân đội Mỹ ở Trung Đông, giúp đảm bảo hành lang vận tải biển an toàn hay cho tới hỗ trợ cho các cuộc đàm phán giữa Ả rập và Israel.

 

Sự thay đổi mang tính chất kiến tạo đang diễn ra ở Ai Cập và rộng hơn là ở Trung Đông có thể có tác động lớn đối với tương lai giá dầu, mức độ ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, an ninh Israel và hàng loạt vấn đề quan trọng khác. Với Ai Cập trong quá trình thay đổi, Mỹ có thể sẽ phải chứng kiến một số lợi ích của họ bị ảnh hưởng, mặc dù một số lợi ích vẫn còn.

 

Và dù điều gì cuối cùng sẽ xảy ra với Ai Cập đi chăng nữa, thì quá trình thay đổi này mới chỉ bắt đầu. Số phận ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực và các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, quân sự của họ với Trung Đông là một phần trong quá trình đó.

 

Ai hiện đang lãnh đạo Ai Cập?

 

Vào khoảng 11h sáng (giờ EST) ông Hosni Mubarak, Tổng thống của Ai Cập trong gần 30 năm, đã từ chức. Trong tuyên bố dài 30 giây, phó Tổng thống Omar Suleiman tuyên bố Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang sẽ điều hành các vấn đề của đất nước. Quân đội hiện có vẻ như đã hoàn toàn nắm quyền kiểm soát Ai Cập. Ông Suleiman, một đồng minh của ông Mubarak, vẫn là thành viên của cơ quan lãnh đạo hiện tại nhưng nhiều khả năng ảnh hưởng của ông sẽ bị giảm bớt.

 

Như vậy tình hình Ai Cập vẫn rất mong may và chiếc ghế quyền lực cuối cùng sẽ xoay chuyển như thế nào hoàn toàn vẫn mờ mịt. Hội đồng tối cao bao gồm lãnh đạo các nhánh quân đội khác nhau, cũng như gồm Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng liên quân. Bộ trưởng Quốc phòng Mohamed Hussein Tantawi đã điều hành cuộc họp gần đây nhất của Hội đồng, với sự vắng mặt của ông Mubarak.

 

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Tiến trình chuyển giao sẽ như thế nào?

 

Điều có thể thấy rõ là tiến trình sẽ bắt đầu mà ở đó các đảng đối lập cùng tham gia, mặc dù không ai có thể biết trước được tiến trình đó sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng giới phân tích cho rằng sẽ phụ thuộc phần lớn vào Hội đồng tối cao các các lực lượng vũ trang xây dựng các nhiệm vụ trước mắt như thế nào. Quân đội đã cho biết sẽ không đảm bảo tính hợp pháp của nhà nước, có nghĩa là họ không có ý định duy trì quyền lực trong thời gian dài.

 

Có thể quân đội sẽ từ chức ngay bây giờ để đất nước tiến tới thay đổi những quy định trong hiến pháp đã cản trở dân chủ và thành lập một tiến trình mà ở đó các đảng chính trị đều tham gia cùng quyết định xem một cuộc bầu cử công bằng sẽ cần được xây dựng như thế nào.

 

Ông Mubarak hiện ở đâu và ông sẽ đi đâu?

 

Sớm nay, máy bay của Tổng thống được cho là đã rời đi và hạ cánh xuống Sharm el-Sheikh, thành phố nghỉ mát ở Biển Đỏ, nam bán đảo Sinai của Ai Cập. Hiện có tin đồn ông Mubarak đã rời Ai Cập, nhưng thông tin chưa được xác nhận.

 

Nếu ông chưa rời đi, rất có khả năng ông sẽ tìm một nơi an toàn ở một trong những quốc gia tại Vùng Vịnh, châu Âu hoặc có thể là tới Mỹ. Song bất kỳ nước nào chấp nhận ông Mubarak cũng sẽ phải chuẩn bị đối phó với sự giận dữ của công chúng Ai Cập.

 

Ngoài ra, ông Mubarak cũng có thể phải đối mặt với những thách thức pháp lý hoặc dẫn độ.

 

Điều gì đã xảy ra giữa bài phát biểu của ông Mubarak đêm trước và quyết định từ chức vào đêm hôm sau?

 

18 ngày biểu tình, với áp lực ngày càng gia tăng khiến ông Mubarak đã phải từ chức. Song trong 18 ngày đó không ai biết chắc cuối cùng ông Mubarak lại chịu nhường bước. Khả năng chống chịu với những trận gió ngược của ông Mubarak xét về khía cạnh nào đó là rất ấn tượng.

 

Quân đội Ai Cập chắc chắn có các phe phái giữa một bên là những người cho rằng ông Mubarak phải ra đi và một bên là những người vẫn trung thành với ông hoặc sợ hãi. Đây có thể là một “cuộc đảo chính mềm” mà ở đó quân đội buộc ông phải chấm dứt thời kỳ nắm quyền của mình. Điều quan trọng là chúng ta không thấy ông Mubarak tự tuyên bố từ chức, mà những từ ông từng từ chối nói ra lại do phó Tổng thống Suleiman tuyên bố.

 

Liệu Nhà Trắng có đóng vai trò trong quyết định từ chức của ông Mubarak?

 

Câu trả lời là có, vấn để chỉ là  vai trò của họ có mang tính quyết định hay không.  Nhà Trắng đã đưa ra những nguyên tắc cơ bản mà họ quan tâm nhất, đó là phi bạo lực, tôn trọng quyền của người dân được tụ tập, biểu tình cùng kêu gọi cho một cuộc chuyển giao tổng thể và có ý nghĩa. Áp lực từ những nguyên tắc cơ bản này của Mỹ đã tạo ra sự khác biệt song không được cho là điều quan trọng nhất.
 
Tuy nhiên, chính Mỹ cũng bị đặt trong thế tiến thoái lưỡng nan giữa một bên là những người biểu tình ủng hộ cho những nguyên tắc dân chủ mà họ kêu gọi và một bên là chính phủ đồng minh, đảm bảo cho những lợi ích, chính sách quan trọng của họ ở Trung Đông. Sự lúng túng của Mỹ có thể thấy rõ qua các phát ngôn thay đổi trong suốt 18 ngày biểu tình, từ chỗ có thiên hướng chỉ trích ông Mubarak, rồi lại sang ủng hộ một cuộc chuyển giao quyền lực có trật tự ở Ai Cập (ngầm ám chỉ ủng hộ ông Mubarak tại vị hết nhiệm kỳ) rồi lại đến chỗ liên tục gây sức ép...hay những phát ngôn trái chiều giữa đặc phái viên, cựu đại sứ Mỹ tại Ai Cập Wisner và Bộ Ngoại giao Mỹ. Nhưng cuối cùng chính công chúng Ai Cập đã tạo nên sự kiện khiến ông Mubarak phải từ chức.
 

Mối quan hệ giữa Mỹ và chính phủ lâm thời, cùng các lãnh đạo dân sự đối lập hiện sẽ ra sao?

 

Câu trả lời vẫn chưa rõ. Quân đội sẽ phải tiếp tục thúc đẩy liên lạc với Lầu Năm Góc, và Nhà Trắng cùng Bộ Ngoại giao Mỹ hiện đang tăng cường liên lạc với đại diện của các lãnh đạo đối lập, có thể bao gồm các thành viên thuộc tổ chức Huynh đệ Hồi giáo thù địch với Mỹ. Tương lai của mối liên lạc này cũng chưa rõ. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không cố gắng lựa chọn những người chiến thắng hay chiến bại về chính trị. Điều này có thể mang kết quả ngược lại và làm tổn hại đến khả năng có một mối quan hệ lành mạnh dựa trên lợi ích chung với chính phủ tiếp theo của Ai Cập.

 

Biến cố ở Ai Cập sẽ có ảnh hưởng gì khắp Trung Đông?

 

Ai Cập là một mỏ neo chính trong thế giới Ả rập, trong thế giới Hồi giáo và là một đất nước lớn ở châu Phi. Ảnh hưởng của cơn địa chấn tại Ai Cập có thể sẽ rất lớn song cũng rất khó đoán.
 

Thành công của “sức mạnh người dân” ở Ai Cập có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với thế giới Ả rập hơn bất kỳ nơi nào, kể cả ở Tunisia, nơi được cho là khởi đầu của sức mạnh đó.

 

Ai Cập là nước lớn mạnh nhất thế giới Ả rập. Ông Mubarak đã nắm quyền đất nước này suốt 3 thập niên. Ví dụ về Ai Cập đã “dẫn điện” khắp khu vực, nhất là ở những quốc gia tình trạng tham nhũng, chuyên quyền, thất nghiệp và thâm hụt ngân sách đang “thống trị”.

 

Và những chính quyền nhỏ hơn, yếu hơn Ai Cập về logic khó mà chống chọi được làn sóng giận dữ của người dân. Các chính phủ trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng tức thời có thể là Jordan, Morocco và Yemen tuy nhiên động lực chính trị ở những nước này không giống với Ai Cập.

 

Ngoài ra, những biến động tại Ai Cập gây ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế khu vực, mà đã hiện hữu rõ ở giá dầu, du lịch, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài.

 

Thêm nữa, việc ông Mubarak ra đi sẽ ảnh hưởng đến những vấn đề khu vực khác như tiến trình hòa bình Ả rập - Israel, cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, theo cách rất khó đoán và thậm chí không thể đoán được. Rồi còn lo sợ về các cuộc cách mạng hồi giáo bị đặt không đúng chỗ bởi hầu hết bất đồng hiện tại có vẻ như được thúc đẩy bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc.

 

Người biểu tình sẽ rời Quảng trường Tahrir?

 

Quảng trường Tahrir có thể vẫn còn đông người tụ tập trong vài tuần tới, không phải để biểu tình, nhưng để ăn mừng vì những cuộc biểu tình của họ tại địa điểm này đã làm thay đổi Ai Cập một cách hòa bình và cũng không kém phần mạnh mẽ. Một số sẽ vẫn ở lại Quảng trường Tahrir để chắc rằng quyền lợi của họ vẫn hiện hữu đối với Hội đồng tối cao các các lực lượng vũ trang.

 

Phan Anh

Tổng hợp

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm