1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tổng thống Hosni Mubarak từ chức, quân đội tiếp quản Ai Cập

(Dân trí) - Ông Hosni Mubarak đã từ chức Tổng thống Ai Cập - phó Tổng thống Omar Suleiman hôm qua loan báo trong lúc hàng trăm ngàn người biểu tình chống chính phủ đã tràn ra khắp thủ đô và các thành phố khác ở Ai Cập.

 
Tổng thống Hosni Mubarak từ chức, quân đội tiếp quản Ai Cập - 1
Ông Hosni Mubarak từ chức Tổng thống Ai Cập sau 18 ngày biểu tình phản kháng, chấm dứt gần 3 thập niên cai trị quốc gia đông dân nhất trong thế giới Arập


Đài truyền hình nhà nước Ai Cập dẫn lời ông Suleiman nói Tổng thống Mubarak đã từ chức và yêu cầu quân đội kiểm soát đất nước. Trong một thông điệp ngắn ngủi, phó tổng thống Suleiman thông báo tin trên vào lúc 16 giờ (giờ quốc tế). Hội đồng quân sự tối cao nắm quyền lãnh đạo đất nước. Phó Tổng thống kết thúc bản tuyên bố với câu: “Xin Thượng Đế giúp đỡ tất cả mọi người.”

Hàng nghìn người tối qua đã tiến về quảng trường Tahrir tại thủ đô Cairo. Những đám đông đã reo hò mừng rỡ sau khi nghe loan báo của ông Suleiman. Những người biểu tình nói rằng đây chính là ngày họ mong chờ từ bao nhiêu thập niên.

Không khí tại quảng trường Tahrir giống như đang lên đồng, nhiều người hô to “Chào mừng một nước Ai Cập mới”. Sau khi có tin quân đội sẽ làm chủ tình hình và Quốc hội sẽ giải thể, người Ai Cập đã lũ lượt đổ ra đường.

Tình hình đón mừng trong những giờ khắc đầu tiên xảy ra trong ôn hòa, tuy nhiên người ta cũng nghe được tiếng súng lẻ tẻ tại trung tâm Cairo vào lúc chạng vạng tối thứ Sáu tại Cairo. Cùng ngày này, tin tức cho hay ông Mubarak đã đến Sharm el Sheikh, khu du lịch của Ai Cập bên bờ Biển Đỏ.

Theo hiến pháp Ai Cập, chủ tịch quốc hội sẽ trở thành Tổng thống, nhưng với sự nắm quyền của quân đội, không rõ điều này có xảy ra hay không.

Giới phân tích cho rằng như vậy, tương lai chính trị của Ai Cập coi như vẫn còn mơ hồ.
 
Tổng thống Hosni Mubarak từ chức, quân đội tiếp quản Ai Cập - 2
Những đám đông đã reo hò mừng rỡ sau khi nghe loan báo của ông Suleiman.

Phản ứng đầu tiên từ Mỹ và thế giới

Lên tiếng tại Nhà Trắng hôm qua, chỉ vài giờ sau khi phó Tổng thống Ai Cập Omar Suleiman loan báo Tổng thống Mubarak từ chức và quyền hành của Tổng thống được trao lại cho quân đội, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói ông Hosni Mubarak “đã đáp ứng với lòng khao khát thay đổi của dân chúng Ai Cập bằng cách từ chức tổng thống nhưng ông cũng dè dặt cho rằng đây chỉ là khởi đầu chuyển tiếp của nước này”.

Theo ông Obama, sẽ có những ngày khó khăn ở phía trước nhưng ông tin tưởng người dân Ai Cập “có thể tìm thấy lời giải đáp cho những câu hỏi chưa được trả lời, một cách hòa bình và trong tinh thần đoàn kết đã được biểu lộ trong những cuộc biểu tình trong những tuần qua”.

Tổng thống Obama nói người dân Ai Cập đã tạo “cảm hứng cho chúng ta” bằng cách sử dụng phương pháp bất bạo động để uốn cong “vòng cung lịch sử về phía công lý”.

Ông kêu gọi quân đội Ai Cập bảo đảm một sự chuyển tiếp được tin cậy bằng cách bảo vệ quyền của người dân Ai Cập, bãi bỏ luật khẩn cấp, duyệt xét lại hiến pháp và ấn định một lộ trình rõ rệt đến những cuộc bầu cử tự do và công bằng. Ông nói việc chuyển tiếp phải đưa tất cả tiếng nói của người Ai Cập đến bàn thảo luận.

Tổng thống Obama cũng nói Mỹ sẽ tiếp tục là một người bạn và là đối tác với Ai Cập và sẵn sàng cung cấp những trợ giúp cần thiết để theo đuổi một sự chuyển tiếp đến dân chủ tin tưởng được.

Trước đó, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi việc từ chức của Tổng thống Hosni Mubarak là một “thời điểm trọng yếu của lịch sử”. Các nhà lập pháp Mỹ cũng hoan nghênh quyết định từ chức của Tổng thống Mubarak. Mỹ viện trợ quân sự hơn 1,3 tỉ USD cho Ai Cập mỗi năm. Một số nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi cắt số tiền viện trợ này nếu Ai Cập không sớm thành lập chính phủ chuyển tiếp.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon ca ngợi quyết định của ông Mubarak, và nói rằng nguyện vọng của dân chúng đã được lắng nghe. Ông cũng ca ngợi những người biểu tình Ai Cập là thi hành các quyền của họ theo cung cách “hòa bình, dũng cảm, trật tự” và lại kêu gọi thực hiện một cuộc chuyển đổi chính trị hòa bình và trật tự.

Ủy Viên Đối Ngoại Liên minh châu Âu, bà Catherine Ashton, nói bà kính trọng quyết định từ chức của ông Mubarak, kêu gọi “mau chóng mở các cuộc đối thoại” để thành lập một chính phủ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Thủ tướng Anh David Cameron hối thúc Ai Cập tiến tới một chính phủ dân chủ và Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi quyết định của ông Mubarak là một “thay đổi lịch sử” cho Ai Cập. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi tổ chức bầu cử tự do.

Tại vùng Trung Đông, Qatar gọi đây là một bước “tích cực” và “quan trọng” tiến về phía đạt được khát vọng của nhân dân Ai Cập. Tại Gaza, tổ chức Hamas ca ngợi việc từ chức này là bước khởi đầu cuộc “cách mạng của Ai Cập”. Tại Israel, một giới chức cao cấp nói việc từ chức của ông Mubarak là một bước ngoặt trong lịch sử Ai Cập, và Israel hy vọng sẽ có một sự chuyển quyền hòa bình và êm thắm trong vùng.

Cùng ngày, Thụy Sĩ đã tuyên bố phong tỏa tài sản của ông Hosni Mubarak. Các giới chức Thụy Sĩ nói lệnh này có giá trị 3 năm nhưng không cho biết chi tiết về tài sản này lớn như thế nào và ở đâu. Lệnh này được xem như để phòng ngừa bất cứ sự sử dụng sai trái nào đối với tài sản nào của nhà nước Ai Cập. Các chuyên viên nước ngoài ước lượng tài sản của gia đình ông Mubarak có thể từ 40 tỉ đến 70 tỉ USD.

Việt Hà
Tổng hợp