1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tướng Giáp, McNamara và "bảo hiểm quốc gia"

Có môi trường nhằm tạo ra những thiên tài "tướng Giáp" để đương đầu với "McNamara" trong thời đại với biên giới quốc gia trở nên mong manh hơn bao giờ hết, là chìa khóa để đưa đất nước đi lên.

LTS: Năm 2009, Tuần Việt Nam đã đăng bài viết của tác giả Hiệu Minh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hình ảnh quốc gia. Nhân dịp Quốc tang Đại tướng lần này, chúng tôi trân trọng giới thiệu lại bài viết này đến bạn đọc.

Ở các nước tiên tiến, ngưởi ta bỏ tiền mua bảo hiểm xe hơi, y tế, nhà cửa, kể cả đôi chân cầu thủ hay vòng một của người đẹp nếu cần. Quốc gia được bảo hiểm bằng máy bay, tên lửa, vũ khí nguyên tử kể cả "sắm" thật nhiều tướng tài. Giới lãnh đạo đất nước với tài cán và nhân cách chính là sự đảm bảo cho hình ảnh và an ninh quốc gia. Bỏ phiếu cho họ nghĩa là người dân đã mua bảo hiểm cho đất nước.

Tướng Giáp và McNamara đối đầu

Nếu đi du lịch vòng quanh trái đất mà hỏi dân địa phương là có biết Việt Nam không, câu trả lời hầu hết là có, nhưng nước này nằm ở đâu cũng khá đông lắc đầu. Ai nổi tiếng nhất: tướng Giáp, dù tên ông được phát âm ngồ ngộ. Tại sao: ông ấy thắng Pháp ở Điện Biên Phủ và đuổi Mỹ sau này. Ít có dân tộc nào được vinh hạnh ấy, dù rằng cũng nói lên sự mất mát rất lớn qua nhiều cuộc chiến tàn khốc.

Tướng Giáp, McNamara và bảo hiểm quốc gia

Vào lúc 15h30 phút ngày 23/6/1997, tại nhà khách Chính phủ, cuộc gặp gỡ giữa đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Robert McNamara -  diễn ra như hoạt động cuối cùng của Hội thảo Việt - Mỹ (kéo dài hơn 3 ngày, từ 20 đến 23/6). (Ảnh: AFP)

Hỏi về nước Mỹ, hàng tỷ người mơ ước đến xem thần Tự do. Nhưng McNamara thì ít người biết hơn. Vài đồng minh, công ty Ford, Ngũ Giác Đài và kể cả Ngân hàng Thế giới, biết rõ ông là ai.

Trong cuộc gặp mặt nhau tại Hà Nội khi đã gác kiếm (năm 1995), tường thuật trên báo chí kể rằng, McNamara chào: "Tôi đã nghe về ông khá nhiều". Tướng Giáp đáp từ "Tôi cũng thế". Hay, quân đội Mỹ thắng tất cả các trận trên chiến trường thì tướng ta trả lời, người Việt lại thắng cả cuộc chiến tranh.

Nghe về nhau nhiều là phải vì hai người từng đứng hai bên chiến tuyến. Sự kiện vịnh Bắc Bộ, chiến tranh leo thang, ném bom rải thảm để biến miền Bắc thành thời kỳ đồ đá, trận Mậu Thân mà sau đó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ than rằng, không thể thắng được Việt nam. Đó là chưa kể vụ, McNamara đi từ sân bay Tân Sơn Nhất qua cầu Công Lý, chút nữa là "va" biệt động Sài Gòn.

Là một thiên tài đến từ Đại học Berkeley danh tiếng, McNamara vực dậy công ty sản xuất xe Ford, vào Nhà Trắng đã làm rung chuyển cả ngôi nhà hình sao này vì cách quản lý hiệu quả, đầu tiên dùng máy tính vào xử lý dữ liệu chiến tranh. Những gì đặt trên bàn báo cáo hàng ngày của McNamara hay bàn làm việc của Tổng thống Johnson đều nói lên, Việt Nam đang thất bại trên chiến trường.

Thật đáng tiếc, số liệu máy tính và thực tế chiến trường khác nhau. Máy tính có thể xử lý được số liệu về bom đạn, thiệt hại của đối phương, đếm được số quân đang chuyển qua đường mòn Hồ Chí Minh, nhưng không thể đo được quyết tâm của những người chân đất áo nâu với ý trí đuổi giặc ngoại xâm.

Hai người bàn chuyện xưa tại một villa của Pháp ở Hà Nội. McNamara hỏi, theo thống kê của Mỹ, quân đội Việt Nam đã thương vong quá lớn, khó mà đương đầu với Mỹ, tại sao các anh vẫn tiếp tục chiến tranh. Tướng Giáp cười và nói, chính người Mỹ các ông đã lầm, không hiểu hết lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc này. Họ có thể chiến đấu đến người cuối cùng để bảo vệ đất nước.

Trong cuốn phim tài liệu "Fog of War" do chính Mc Manara giới thiệu tại Washington DC, người khách Mỹ này đưa ra 11 bài học cho cuộc đời mình. Nhưng ông quên đưa bài học thứ 12 về Việt Nam như lời tướng Giáp, rằng, kẻ nào dòm ngó biên giới nên nhớ hộ, người dân nơi đây sẵn sang "đốt cả dãy Trường Sơn" để bảo vệ Tổ quốc.

Một người có bằng cấp của Havard và trợ lý giáo sư trẻ nhất, tiền lương cao nhất tại đại học danh tiếng này. Một người là giáo viên trường Chu Văn An, chưa hề qua một trường quân sự chính thống nào. Một bên là đầu óc điện tử với những số liệu được xử lý chính xác với mấy chữ số sau dấu phảy, quân đội thiện chiến, một bên chỉ có bàn tính gẩy thô sơ, lính đội mũ tai bèo đi dép lốp.

Những người từng đương đầu với tướng Giáp đã lần lượt sang thế giới bên kia. Trước là Nava của Pháp, và gần đây là McNamara. Tướng Giáp vẫn đang minh mẫn ở tuổi gần 100, như báo chí quốc tế đưa tin, vẫn đang nặng lòng với tình hình đất nước.

Một lần bắt tay các tướng

Người bạn kể rằng, những gì biết về hai ông là do đọc sách báo như bao nhiều người khác. Anh đã gặp cả hai nhiều lần trên...tivi, được một lần...bắt tay.

Cách đây mấy chục năm, tướng Giáp đến thăm cơ quan, nơi anh đang công tác khi đó. Ông thân chinh gặp từng người, dừng lại hỏi han, vợ con thế nào. Vị tướng dặn dò, sau chiến tranh còn nhiều khó khăn, cần cố gắng. Người ta nói bàn tay tướng mà mềm như gấm, quả đúng thật, nhưng có lẽ trong chiến tranh, bàn tay ấy là quả đấm sắt.

Rời bỏ Nhà trắng, McNamara tới Ngân hàng Thế giới làm chủ tịch lâu nhất, biến trung tâm tài chính quốc tế này thành một tổ chức năng động trong suốt 13 năm liền. Khi anh được tuyển vào làm việc tại văn phòng Việt Nam thì McNamara đến thăm tướng Giáp (1995). Văn phòng tiếp đón sếp cũ và được chụp ảnh lưu niệm trước trụ sở tại villa 53 Trần Phú.

Anh sang Washington DC công tác đúng dịp ông tới trụ sở của WB để giới thiệu cuốn phim Fog of War về cuộc đời ông và những bài học chiêm nghiệm, kể cả từ vịnh Con Lợn đến vịnh Bắc bộ. Âm thanh surround, màn ảnh rộng tại hội trường lớn mang tên Preston, vị chủ tịch đầu tiên của WB, đã gây xúc động ghê gớm cho người xem.

Sau đó là nhiều câu hỏi và thảo luận. Anh có một câu trong đầu: "Sau cuộc chiến, ông định đền bù những người đã chết của hai phía thế nào đây?". Là người Việt, hay ngồi ghế cuối, chợt nhớ đến mất mát của chính gia đình mình, của người thân, bạn bè, bỗng dưng nghẹn trong lòng nên chẳng bao giờ câu hỏi được bật ra.

Hôm nay anh nhờ tôi viết lại để gửi McNamara dù ông đã ra đi. Nhưng anh biết, ông ấy sẽ trổ tài ngoại giao, không phải cương quyết như nhà quân sự khi ném bom miền Bắc, lảng sang chuyện khác như vị tướng đã làm vài lần hôm giới thiệu phim, khi gặp những câu hóc búa.

Tài liệu giải mật gần đây cho biết người Mỹ đã từng nghĩ đến việc dùng bom nguyên tử để ném Việt nam. Tuy nhiên cân bằng quốc tế, vụ khủng hoảng tên lửa Cuba đã làm cho kế hoạch chỉ nằm trong ngăn kéo. Không hiểu ông McNamara có nghĩ đến tiêu diệt tướng Giáp bằng trái bom khủng khiếp.

Bảo hiểm quốc gia trong thời đại mới

Ở bên Mỹ phải bỏ tiền ra mua bảo hiểm xe hơi, y tế, nhà cửa, kể cả đôi chân cầu thủ hay vòng một của người đẹp nếu cần. Bỏ tiền nhưng không bao giờ mong cần đến. Dùng tiền bảo hiểm nghĩa là bị ốm đau, tai nạn hay thảm họa.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên bìa tạp chí Time, ngày 15-5-1972

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên bìa tạp chí Time, ngày 15-5-1972

Quốc gia mua bảo hiểm bằng cách mua máy bay, tên lửa, vũ khí nguyên tử kể cả "sắm" thật nhiều tướng tài như ông Giáp. Có bảo hiểm nhưng không ai thích dùng, trừ vài kẻ điên rồ.

Ấn độ và Pakistan gầm gừ dọa nhau nhưng không đánh bao giờ là vì hai quốc gia này sở hữu bom nguyên tử. Nhiều nước muốn tấn công Bắc Triều tiên hay Iran, nhưng không dám chắc trong hàng trăm tên lửa tầm xa, có quả nào được gắn đầu đạn hạt nhân.

Sau 1975, một đồng nghiệp chuyển vào lò phản ứng hạt nhân Đà lạt làm việc. Tôi hỏi đùa là liệu mình có làm bom nguyên tử được không. Anh trừng mắt, mới hòa bình xong, đất nước đang nghèo cần xây dựng, sao mà cậu hiếu chiến thế. Anh còn thì thầm, nhiều người hỏi câu đó và hình như có cả một vị tướng cũng thế.

Sau hơn 30 năm hòa bình với vài cuộc chiến tranh lẻ tẻ khác, chợt nhớ "mình không thích chiến nhưng kẻ khác cứ dọa" thì làm thế nào. Thế là phải mua bảo hiểm. Bảo hiểm bằng quan hệ quốc tế, bảo hiểm bằng đồng minh, bè bạn, bằng quân đội thiện chiến, vũ khí tối tân, bằng tri thức thời đại với dân giầu, nước mạnh, đội ngũ lãnh đạo có tài và trong sạch.

Thế hệ lãnh đạo tương lai

Báo chí đang bàn về thế hệ lãnh đạo tương lai cho đất nước. Con người họ, với tài năng và nhân cách, là sự đảm bảo cho hình ảnh và cả an ninh quốc gia. Nếu được dịp bỏ phiếu trực tiếp cho họ nghĩa là người dân đã thực sự mua bảo hiểm cho đất nước.

Cụ Hồ đã đưa hàng trăm trí thức từ nước ngoài về phục vụ. Họ khâm phục người lãnh đạo, có lòng tin vào ngày mai và vì thế mới chiến thắng nhiều kẻ sừng sỏ. Thời của cụ không có tham nhũng vì chính ông liêm khiết nên người dưới quyền không ai dám vun vén cho bản thân.

Lãnh đạo nào sinh ra quân nấy. Cụ Hồ trao kiếm cho tướng Giáp lúc 33 tuổi dưới cây đa Tân Trào để chỉ huy quân đội. Các trí thức trẻ như Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa và bao nhiêu người khác đã giúp làm nên thương hiệu Việt Nam trong suốt mấy thập kỷ, được bạn bè quốc tế tin yêu.

Ngày nay, đầy những khẩu hiệu treo trong cơ quan, văn phòng bộ hay ngoài đường "Sống và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại". Trong thực tế, vẫn còn ai đó, không nhìn lời răn viết trên tường, khi thản nhiên vơ phong bì đút lót vào ngăn kéo.

Bàn về nhân tài trong thời đại mới, nói tới nói lui, tầm nhìn toàn cầu, phương Tây hay Trung Quốc, hay ở đâu đó ở xa tít tắp. Thật ra, người ta chỉ cần nhìn lên câu khẩu hiệu và lá cờ ngay trước mặt. Nếu thấy xấu hổ với những đồng tiền hối lộ thì đất nước sẽ tiến xa, nếu họ nghĩ đến trách nhiệm với đất nước, vì nhân tài thời nay không thiếu.

Chúng ta không làm bom nguyên tử, nhưng cần bảo hiểm đất nước bằng tri thức thời đại "hạt nhân và tin học". Vì thế, có môi trường nhằm tạo ra những thiên tài "tướng Giáp" để đương đầu với "McNamara" trong thời đại với biên giới quốc gia trở nên mong manh hơn bao giờ hết, là chìa khóa để đưa đất nước đi lên.