1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tung "át chủ bài" F-16, Ukraine sẵn sàng phản công đẩy lùi Nga?

Thành Đạt

(Dân trí) - Chuyên gia Mỹ nhận định việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine sẽ đẩy nhanh nỗ lực phản công của Kiev nhằm giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.

Tung át chủ bài F-16, Ukraine sẵn sàng phản công đẩy lùi Nga? - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ngồi trên máy bay chiến đấu F-16 tại căn cứ không quân Skrydstrup ở Vojens, Đan Mạch ngày 20/8 (Ảnh: Reuters).

Trong chuyến công du của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuần qua, Hà Lan và Đan Mạch tuyên bố có thể chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine sau khi quá trình đào tạo phi công hoàn tất.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thông báo nước này sẽ cấp 19 chiếc F-16 cho Ukraine, trong đó 6 chiếc đầu tiên dự kiến được chuyển giao vào dịp năm mới, 8 chiếc tiếp theo vào năm 2024 và 5 chiếc còn lại vào năm 2025.

Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng tuyên bố sẽ cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine, nhưng chưa xác định con số cụ thể. Hà Lan hiện có 42 chiếc F-16 trong lực lượng quân sự và đang trong quá trình thay thế loạt tiêm kích này bằng các máy bay chiến đấu F-35 tiên tiến hơn do Mỹ sản xuất.

Tổng thống Zelensky xác nhận, các máy bay chiến đấu F-16, loại tiêm kích mà Ukraine đã kêu gọi phương Tây chuyển giao từ giai đoạn đầu xung đột, sẽ giúp tăng cường năng lực phòng không của Ukraine, đồng thời hỗ trợ chiến dịch phản công đang diễn ra chậm chạp của Kiev.

"Các máy bay này có thể đẩy nhanh quá trình phản công. Chúng tôi muốn tăng cường phòng không, bởi vì chúng tôi sẽ đối mặt với mùa đông và chúng tôi hiểu hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới rằng, mùa đông không có điện sẽ như thế nào", ông Zelensky nói.

Ukraine sở hữu lực lượng không quân quy mô nhỏ, được tập hợp từ các máy bay từ thời Liên Xô. Lực lượng này chỉ có thể thực hiện hơn 10 nhiệm vụ tác chiến mỗi ngày, hoặc các hoạt động có mức độ rủi ro thấp, vì họ phải đối mặt với lực lượng không quân áp đảo của Nga.  

Mặc dù Nga triển khai máy bay chiến đấu của nước này tương đối thận trọng ở các khu vực tiền tuyến, nhưng quy mô của lực lượng không quân khiến Moscow tạo ra mối đe dọa lớn hơn nhiều so với Kiev.

Theo cựu Thiếu tướng Mỹ Gordon B. "Skip" Davis Jr., "nếu được cung cấp đủ số lượng với tốc độ kịp thời, các máy bay chiến đấu (F-16) sẽ giúp Ukraine bảo vệ và giành lại lãnh thổ bị kiểm soát".

Một số chuyên gia nhận định, các máy bay chiến đấu của phương Tây như F-16 được trang bị radar, hệ thống điện tử hàng không và hệ thống dẫn đường tốt hơn so với các đối tác của Nga. Chúng có thể được trang bị tên lửa và bom dẫn đường chính xác và có thể bay với tốc độ 2.400km/h. Khả năng nhắm mục tiêu của các tiêm kích này sẽ cho phép Ukraine tấn công lực lượng Nga trong mọi điều kiện với độ chính xác cao hơn.

Gordon Davis, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA), cho rằng máy bay phương Tây, đóng vai trò ngăn chặn trên không hoặc yểm trợ mặt đất, "sẽ cung cấp khả năng tấn công cần thiết để hỗ trợ các hoạt động phòng thủ và phản công". Theo đó, các tiêm kích này có thể nhắm mục tiêu vào các trung tâm chỉ huy và liên lạc, cũng như các tuyến hậu cần, hệ thống phòng không và tác chiến điện tử của Nga.

"Máy bay chiến đấu (phương Tây) trong vai trò phòng không hoặc tác chiến trên không có thể đánh bại MiG của Nga, trong khi hệ thống radar và vũ khí phù hợp có thể đánh bại máy bay không người lái và tên lửa hành trình", chuyên gia Davis nói.

"Các phương tiện chiến đấu của phương Tây, hỏa lực tầm xa và hệ thống phòng không, cùng với các máy bay chiến đấu sẽ tạo điều kiện cho một cuộc phản công thành công của Ukraine để giành lại lãnh thổ", ông Davis nói thêm.

Tướng James Hecker, chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu, cho biết F-16 sẽ phù hợp và tương thích tốt hơn với vũ khí do phương Tây sản xuất, nhưng "sẽ không phải là viên đạn bạc và không thể đột nhiên hạ gục" hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Theo tướng Mỹ, quá trình huấn luyện các phi công Ukraine sử dụng F-16 sẽ mất khoảng thời gian nhất định, do vậy ít nhất tới năm sau mới có thể thấy các tiêm kích này tác chiến ở Ukraine.

Theo Newsweek

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm