1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

F-16 có thể thành "viên đạn bạc", giúp Ukraine xoay chiều chiến sự?

Thành Đạt

(Dân trí) - Máy bay chiến đấu F-16 được kỳ vọng là "viên đạn bạc" giúp Ukraine đối phó Nga, nhưng các chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng xoay chuyển chiến sự của tiêm kích này.

F-16 có thể thành viên đạn bạc, giúp Ukraine xoay chiều chiến sự? - 1

Máy bay chiến đấu F-16 của Romania tham gia hoạt động tuần tra trên không của NATO (Ảnh: Getty).

Mỹ đã đồng ý kế hoạch chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 từ Đan Mạch và Hà Lan cho Ukraine sau khi các phi công Ukraine hoàn thành khóa huấn luyện sử dụng loại tiêm kích này, mở đường cho những chiếc F-16 đến Ukraine sớm nhất vào đầu năm tới.

Tướng không quân hàng đầu của Mỹ ở châu Âu nhận định, việc trang bị máy bay chiến đấu F-16 sẽ là một bước tiến cho lực lượng không quân Ukraine, nhưng bất kỳ ai cho rằng tiêm kích này có thể hạ gục các hệ thống phòng không hàng đầu của Nga ngay khi tham chiến có thể sẽ thất vọng.

Theo tướng James Hecker, chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu, các máy bay MiG-29 của Ukraine "có năng lực tác chiến", nhưng tiêm kích F-16 sẽ phù hợp hơn với những vũ khí do phương Tây sản xuất mà Ukraine đã nhận được như tên lửa săn radar mà Mỹ bắt đầu cung cấp từ một năm trước.

"Hiện tại, những vũ khí mà chúng tôi cung cấp cho họ (Ukraine) cần phải điều chỉnh để phù hợp với MiG-29 hoặc Su-27 hoặc các loại máy bay tương tự", tướng Hecker nói, đồng thời cho biết F-16 "đã tương thích" với những vũ khí đó, vì vậy sẽ hỗ trợ và bổ sung năng lực tác chiến.

Các quan chức Ukraine đã nhiều lần đề nghị phương Tây cấp F-16. Kiev cho rằng tiêm kích này sẽ mang lại lợi thế cho Ukraine trước lực lượng không quân lớn hơn và tiên tiến hơn của Nga.

Tuy vậy, tướng Hecker và các quan chức Mỹ khác cho rằng F-16 sẽ không có nhiều tác dụng đối với Ukraine ở thời điểm hiện tại, phần lớn do các loại vũ khí phòng không được hai bên triển khai rộng rãi. Điều này đã ngăn cản Nga và Ukraine giành được ưu thế trên không.

"Đó không phải là "viên đạn bạc" và không phải đột nhiên họ có thể bắt đầu hạ gục các hệ thống SA-21 vì họ có F-16", tướng Hecker cho biết.

"Rồng lửa" S-400 Triumf (NATO gọi là SA-21 Growler) được coi là một trong những hệ thống phòng thủ tầm xa tiên tiến nhất của Nga.

Ngoài tên lửa chống radar, các máy bay chiến đấu của Ukraine đã sử dụng bom dẫn đường do Mỹ sản xuất, nhưng bị Nga đáp trả bằng các hệ thống tác chiến điện tử. Mặc dù F-16 sẽ cho phép Ukraine sử dụng những vũ khí đó tốt hơn, nhưng tướng Hecker cho biết quân đội Nga sẽ tiếp tục thích nghi và điều chỉnh.

F-16 có thể thành viên đạn bạc, giúp Ukraine xoay chiều chiến sự? - 2

Một máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Mỹ cất cánh tại căn cứ không quân Yokota ở Nhật Bản (Ảnh: Không quân Mỹ).

Theo tướng Hecker, lực lượng Nga hiện nằm ngoài tầm bắn của các tên lửa được Ukraine sử dụng.

"Bất cứ khi nào chúng tôi cung cấp cho Ukraine một loại vũ khí mới, các vũ khí đó có thể đánh trúng một trong những sở chỉ huy của (Nga) và họ sẽ nhận ra rằng: "Bây giờ vũ khí này có thể có thể bay xa 32km so với 24km trước đây", sau đó chúng tôi thấy họ tìm cách điều chỉnh và họ di chuyển tất cả các sở chỉ huy của họ xa tới 40km", tướng Mỹ cho biết.

Theo chỉ huy Mỹ, Nga có thể sẽ phản ứng tương tự với các tiêm kích F-16 của Ukraine.

"Vấn đề là bạn không thể đuổi theo họ bằng những chiếc F-16 trên vùng lãnh thổ (do họ kiểm soát) ở khoảng cách đủ gần vì bạn sẽ bị một trong số các tên lửa đất đối không của Nga bắn hạ", tướng Hecker cảnh báo.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 18/8 thông báo Washington chấp thuận để Hà Lan và Đan Mạch chuyển giao F-16 cho Ukraine sau khi các phi công Ukraine hoàn thành khóa huấn luyện. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Đan Mạch cho biết các phi công Ukraine sẽ bắt đầu huấn luyện sử dụng máy bay chiến đấu F-16 tại Đan Mạch vào cuối tháng 8. Một liên minh gồm 11 quốc gia sẽ tham gia vào khóa huấn luyện này.

Tướng Hecker cho rằng, quá trình huấn luyện phi công Ukraine sử dụng F-16 sẽ tốn nhiều thời gian.

"Các hoạt động này sẽ mất nhiều thời gian và điều đó có thể sẽ không xảy ra trước cuối năm nay. Đó là lý do ít nhất phải đến năm sau bạn mới thấy F-16 ở Ukraine", chỉ huy Mỹ dự đoán.

Theo tướng Hecker, việc đào tạo và trang bị cho các phi công Ukraine vận hành máy bay F-16 và các máy bay chiến đấu tinh vi khác sẽ là một dự án dài hạn.

"Việc thành thạo F-16 sẽ không xảy ra trong một đêm. Bạn có thể thành thạo một số hệ thống vũ khí khá nhanh, nhưng với những hệ thống như F-16, phải mất một khoảng thời gian để có thể xây dựng một vài phi đội F-16 cũng như có được khả năng sẵn sàng và trình độ đủ cao. Điều này sẽ đòi hỏi 4 hoặc 5 năm nữa. Tôi nghĩ rằng trong ngắn hạn, F-16 sẽ hỗ trợ một chút, nhưng đó không phải là viên đạn bạc", chỉ huy Mỹ nhấn mạnh.

Theo Business Insider