1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tuần hành ủng hộ biểu tình tại Hồng Kông diễn ra khắp thế giới

(Dân trí) - Ngày 1/10, khoảng 4.000 nghìn người Đài Loan đã tham gia tuần hành để bày tỏ sự ủng hộ với phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hồng Kông. Tại nhiều thành phố khác, trong đó có London, New York, Stockholm...nhiều người cũng đã xuống đường.<br><a href='http://dantri.com.vn/the-gioi/3000-nguoi-vay-van-phong-truong-dac-khu-hong-kong-950692.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; 3.000 người “vây” văn phòng trưởng đặc khu Hồng Kông</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/the-gioi/bieu-tinh-hong-kong-trung-quoc-canh-bao-my-lui-lai-950667.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Biểu tình Hồng Kông: Trung Quốc cảnh báo Mỹ "lùi lại"</b></a>

Theo hãng tin AFP, khoảng 4.000 người đã xuống đường trong ngày hôm qua tại thủ phủ Đài Bắc của đảo Đài Loan, mang theo ô và bật sáng màn hình điện thoại trong đêm, để bày tỏ sự đoàn kết với cuộc “cách mạng ô” tại Hồng Kông.

Đám đông người tuần hành ủng hộ Hồng Kông tại Đài Loan
Đám đông người tuần hành ủng hộ Hồng Kông tại Đài Loan

Tại London, khoảng 2.000 người cũng đã xuống đường ủng hộ các cuộc biểu tình tại Hồng Kông, trong khi những nhóm biểu tình nhỏ hơn xuất hiện bên ngoài nhiều đại sứ quán Trung Quốc khắp thế giới.

“Hồng Kông - thế giới ủng hộ các bạn”, một biểu ngữ được dòng người biểu tình bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc tại London mang theo viết. Một biểu ngữ khác thì viết “Các người không thể giết tất cả chúng tôi”, trong khi một người tuần hành yêu cầu thủ tướng David Cameron “bảo vệ dân chủ” và gây sức ép lên Bắc Kinh.

Chủ yếu gồm những người trẻ tuổi, nhóm người tuần hành đã lắng nghe một loạt bài phát biểu, cùng hô vang khẩu hiệu và kêu gọi Trung Quốc mở cửa tiến trình bầu cử, chọn người đứng đầu Hồng Kông năm 2017 tới cho mọi ứng viên.

“Nhiều người cho rằng dưới sự cai trị của người Anh chúng tôi không có dân chủ nhưng mọi người đều hạnh phúc”, dược sỹ Lilia So, 31 tuổi, người rời Hồng Kông 14 năm trước cho biết. “Chúng tôi có việc làm, nền kinh tế ổn định. Từ khi được trao trả, mọi thứ đều trượt dốc”.

“Mới chỉ là sự khởi đầu”

Sinh viên Lionel Mok, 25 tuổi, quả quyết các cuộc biểu tình tại Hồng Kông “mới chỉ là màn dạo đầu”, và rằng những người tới du lịch thành phố này sẽ giúp truyền tải tin tức về biểu tình tới Trung Quốc đại lục.

“Chúng tôi phải cho quốc tế thấy rằng thế giới nhận thấy đây là một vấn đề. Chúng tôi cần cho thấy Hồng Kông đủ chín chắn để đấu tranh vì dân chủ, và sự thực là như vậy”, Mok nói.

Đám đông tuần hành ủng hộ Hồng Kông trước đại sứ quán Anh tại London
Đám đông tuần hành ủng hộ Hồng Kông trước đại sứ quán Trung Quốc tại London

Tại Manchester, phía Bắc nước Anh, khoảng 200 người đã tụ tập trước khu vực Piccadilly Gardens của thành phố, tham gia một màn trình diễn ánh sáng bằng điện thoại để bày tỏ sự phản đối chính quyền Bắc Kinh.

Trong khi đó, khoảng 4000 người đã xuống được trong tối muộn ngày 1/10 tại Đài Bắc, hô vang khẩu hiệu ủng hộ phong trào dân chủ tại Hồng Kông. Một người tham gia tuần hành cho rằng đặc khu hành chính này đang đối diện với thời khắc “sống còn”.

Đám đông này, nhiều người trong số họ là du học sinh Hồng Kông đang học tại Đài Loan, giơ cao nắm đấm và hát bài “Đại dương vô bờ bến, bầu trời rộng lớn”, một bài hát được xem như truyền thống của người biểu tình.

Ở bên kia bán cầu, khoảng 350 người cũng đã tụ tập tại quảng trường Thời đại, New York trong tối thứ Tư và hô vang: “Hồng Kông, hãy kiên cường”, để thể hiện sự ủng hộ với người biểu tình. Không ít người cũng mang theo những chiếc ô, vốn đã trở thành một biểu tượng của các cuộc biểu tình hiện tại ở Hồng Kông.

Khoảng 300 người tham gia tuần hành ủng hộ Hồng Kông tại Quảng trường Thời đại, New York
Khoảng 300 người tham gia tuần hành ủng hộ Hồng Kông tại Quảng trường Thời đại, New York

Laurie Wen, một cư dân gốc Hồng Kông là thành viên ban tổ chức buổi tuần hành khẳng định: “Làm sao chúng ta có thể ngồi yên được? Tôi được sinh ra tại Hồng Kông nhưng không có quyền bỏ phiếu, và điều đó phải chấm dứt. Chuyện này là không chấp nhận được”.

Các hoạt động tương tự cũng diễn ra tại Boston, Mỹ và Stockhom, Thụy Điển.

Tại Toronto, Canada, gần 1000 người tham gia một cuộc tuần hành trong chiều thứ Tư theo giờ địa phương để biểu thị sự ủng hộ. Hô vang “chúng tôi ủng hộ Hồng Kông”, nhóm người này đã tuần hành từ đại học Toronto tới Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hồng Kông.

“Điều chúng tôi đang nỗ lực lúc này đó là thức tỉnh mọi người, không chỉ những người tại Hồng Kông mà ở khắp thế giới”, Teresa Woo, một thành viên đoàn tuần hành nói.

Tuần hành ủng hộ Hồng Kông tại Toronto, Canada
Tuần hành ủng hộ Hồng Kông tại Toronto, Canada

“Chúng tôi ở đây để cổ vũ toàn thể học sinh, sinh viên và nhân dân Hồng Kông đang tham gia tuần hành hòa bình nhưng phải đối diện với vũ lực quá mức từ cảnh sát. Chúng tôi ở đây để nói không với điều đó, và chúng tôi đang đấu tranh vì dân chủ thực sự”.

Trong khi đó tại Hồng Kông, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn khi nhiều người tìm cách phong tỏa lối vào văn phòng của người đứng đầu đặc khu hành chính này. Cảnh sát đã phải dựng hàng rào tại một giao lộ gần đó để ngăn đoàn người biểu tình, nhưng đám đông đã ngồi lại bên kia rào chắn.

“Chúng tôi không yêu cầu đối thoại với ông Lương Chấn Anh. Chúng tôi đề nghị ông ta từ chức”, May Tang, một sinh viên 21 tuổi tại đại học Lingnan nói. “Đã quá muộn để chính phủ của ông ấy đứng ra chịu trách nhiệm nên mọi người muốn có một chính phủ mới”.

Thanh Tùng
Tổng hợp