1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Từ nước giàu nhất Mỹ Latinh, Venezuela chìm sâu trong khủng hoảng

(Dân trí) - Venezuela từng là nước giàu nhất tại khu vực Mỹ Latinh trong thập niên 1970 trước khi trải qua nhiều biến cố và đối mặt với cuộc khủng hoảng về kinh tế, chính trị như hiện nay.

Từ nước giàu nhất Mỹ Latinh, Venezuela chìm sâu trong khủng hoảng - 1

Cố tổng thống Hugo Chavez trong cuộc vận động tranh cử năm 2012. (Ảnh: venciclopedia.com)

“Kỷ nguyên vàng”

Theo CNN, Venezuela sở hữu nguồn cung dầu thô lớn nhất thế giới và đã có thời quốc gia Nam Mỹ này được cho là không bao giờ cạn tiền nhờ giếng dầu khổng lồ.

Trong giai đoạn thập niên 1970, Venezuela là quốc gia giàu nhất tại Mỹ Latinh và là cường quốc tại khu vực Nam Mỹ trong thập niên 1980. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Venezuela thậm chí còn cao hơn nhiều nước như Tây Ban Nha, Hy Lạp và Israel.

Phần lớn sự thịnh vượng của Venezuela trước đây bắt nguồn từ trữ lượng dầu dồi dào. Tuy nhiên tới đầu những năm 1980, mối lo ngại về việc Venezuela có thể cạn kiệt nguồn tài nguyên quý giá này khiến các chính trị gia bắt đầu hạn chế việc khai thác dầu. Cũng trong khoảng thời gian này, tình trạng dư thừa dầu mỏ trên toàn thế giới bắt đầu đẩy giá dầu xuống thấp.

Sự kết hợp giữa giảm sản lượng khai thác dầu và giá dầu xuống dốc khiến nền kinh tế Venezuela rơi vào tình trạng khó khăn. Từ năm 1980 - 1990, GDP bình quân đầu người của Venezuela giảm tới 46%.

Vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo “huyền thoại” Hugo Chavez đã xuất hiện và làm thay đổi bộ mặt kinh tế cũng như chính trị của Venezuela. Ông Chavez đã quốc hữu hóa các ngành công nghiệp của Venezuela và chuyển lượng tiền lớn từ ngân sách chính phủ sang các chương trình phúc lợi xã hội.

Theo Vox, trong giai đoạn cầm quyền của nhà lãnh đạo Hugo Chavez từ năm 1999 đến 2013, “tỷ lệ thất nghiệp của Venezuela đã giảm một nửa, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn gấp đôi, tỷ lệ nghèo đói giảm hơn một nửa, giáo dục được cải thiện và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cũng giảm”.

Kinh tế đi xuống

Từ nước giàu nhất Mỹ Latinh, Venezuela chìm sâu trong khủng hoảng - 2

Người biểu tình đụng độ cảnh sát tại Venezuela. (Ảnh: Telegraph)

Năm 2013, nhà lãnh đạo Hugo Chavez qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 58 ngay khi vừa bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ 3. Người được Hugo Chavez chọn để kế nhiệm ông là Nicolas Maduro, tuy nhiên ông Maduro dường như không tạo dựng được ấn tượng tốt như người tiền nhiệm.

“Chavez là một chính trị gia tuyệt vời, chưa từng có tiền lệ và chưa có ai sánh kịp. Ông ấy có những phẩm chất và năng lực đáng kinh ngạc mà không ai có thể có được”, George Ciccariello-Maher, học giả tại Đại học Drexel ở Venezuela, nhận định

Tổng thống Maduro lên nắm quyền đúng vào giai đoạn khó khăn của Venezuela. Sự phụ thuộc của Venezuela vào trữ lượng dầu mỏ, vốn chiếm khoảng 95% trong doanh thu xuất khẩu, dẫn tới tình trạng nền kinh tế và mức sống của người dân nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi giá dầu thế giới sụt giảm từ năm 2014.

Kinh tế suy thoái và lạm phát leo thang khiến nhiều người dân Venezuela không thể tiếp cận các điều kiện sống cơ bản, thậm chí ngay cả những người có tiền cũng không thể mua những thứ họ cần, từ thực phẩm cho tới thuốc men.

Từ năm 2014, người Venezuela đã bắt đầu xuống đường biểu tình để phản đối lạm phát và kêu gọi nâng cao điều kiện sống cho người dân. Năm 2015, các chính trị gia đối lập lần đầu tiên chiếm ưu thế tại quốc hội Venezuela trong gần 20 năm.  

Từ nước giàu nhất Mỹ Latinh, Venezuela chìm sâu trong khủng hoảng - 3

Tổng thống Nicolas Maduro tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 2 hồi đầu tháng. (Ảnh: AFP)

Năm 2018, Tổng thống Maduro đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Venezuela và phe đối lập đã tẩy chay kết quả bầu cử. 

Sau lễ nhậm chức của Tổng thống Maduro, quốc hội Venezuela với sự lãnh đạo của thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido đã chỉ trích ông Maduro. Chính trị gia 35 tuổi Guaido tuyên bố ông sẵn sàng lên nắm quyền nếu đó là nguyện vọng của người dân Venezuela, thậm chí kêu gọi người dân xuống đường tuần hành.

Ngày 23/1, ông Guaido bất ngờ tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời của Venezuela. Hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường ủng hộ ông Guaido. Mỹ, Canada cùng nhiều nước châu Mỹ cũng công nhận ông Guaido là tổng thống “hợp pháp” của Venezuela.

Bất chấp những thách thức trên, Tổng thống Maduro hiện vẫn nhận được sự ủng hộ từ quân đội và chính quyền Venezuela vẫn nằm dưới sự kiểm soát của ông. Ông Maduro cũng công bố những biện pháp mạnh tay đầu tiên để đáp trả Mỹ vì cho rằng chính Washington đã hậu thuẫn cho phe đối lập tại Venezuela, bao gồm lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ và đóng cửa đại sứ quán Mỹ.

Cáo buộc "bàn tay của Mỹ"

Từ nước giàu nhất Mỹ Latinh, Venezuela chìm sâu trong khủng hoảng - 4

Ông Juan Guaido - người tự nhận là tổng thống lâm thời của Venezuela. (Ảnh: AP)

Tổng thống Maduro nhiều lần phủ nhận thông tin cho rằng Venezuela đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng và khẳng định nước này đang bị tấn công bởi phe đối lập, Mỹ và các đồng minh của Washington. Ông Maduro cũng tuyên bố cuộc bầu cử năm 2018 là hợp pháp và lý do khiến phe đối lập tẩy chay là vì họ không thể giành chiến thắng.

Mặc dù Tổng thống Maduro cũng cố gắng tiếp nối các chính sách của cố Tổng thống Chavez, song những nỗ lực của ông không được như kỳ vọng. Ông Maduro đổ lỗi cho “chủ nghĩa khủng bố” kinh tế của Mỹ, thông qua các lệnh trừng phạt cứng rắn, khiến nền kinh tế Venezuela bị suy thoái.

Chính quyền Maduro đã triển khai nhiều biện pháp để đối phó với tình trạng siêu lạm phát. Tháng 8/2018, ông Maduro tuyên bố xóa 5 số 0 trên đồng nội tệ Bolivar của Venezuela, đồng nghĩa với việc người dân không còn phải mang cả “túi tiền” chỉ để mua những món đồ bình thường. Venezuela cũng đưa vào lưu hành các đồng tiền mệnh giá mới, nâng mức lương tối thiểu cao hơn hàng chục lần so với trước đó, nâng thuế giá trị gia tăng từ 4-16%...

Tuy nhiên, những biện pháp trên được cho là không thực sự hiệu quả. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tỷ lệ lạm phát tại Venezuela sẽ chạm mức 10 triệu % trong năm 2019. Vào thời điểm cuối năm 2018, trung bình cứ 19 ngày, giá các mặt hàng tại Venezuela lại tăng gấp đôi.

Tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời của lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido hôm qua tiếp tục đẩy Venezuela lún sâu vào khủng hoảng. Theo BBC, nhân tố chính trên bàn cờ chính trị hiện nay tại Venezuela là lực lượng vũ trang. Hiện quân đội Venezuela cho đến nay vẫn tuyên bố trung thành với Tổng thống Maduro.

Thành Đạt

Tổng hợp