Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương: Mỹ sẵn sàng hành động ở Biển Đông
(Dân trí) - Tân Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift, ngày 17/7 tuyên bố rằng các lực lượng Mỹ được trang bị tốt và sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống bất ngờ nào trên Biển Đông.
Ông Swift, người mới nhậm chức Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương hồi tháng 5, cho biết trong cuộc gặp gỡ một nhóm nhỏ các nhà báo tại Manila, Philippines hôm qua rằng hải quân Mỹ có thể triển khai nhiều hơn 4 tàu chiến ven bờ mà Mỹ đã cam kết đưa tới khu vực, AP đưa tin.
Vị Đô đốc cũng tiết lộ rằng ông "rất quan tâm" tới việc mở rộng các cuộc tập trận tác chiến thường niên mà hải quân Mỹ tổ chức với mỗi nước đồng minh trong khu vực thành một cuộc tập trận đa quốc gia, có thể bao gồm Nhật Bản.
Khi được hỏi rằng có bao nhiêu nguồn lực mà quân đội sẵn sàng dành cho Biển Đông, ông Swift nói rằng ông hiểu lo ngại của các đồng minh.
"Lý do mọi người tiếp tục hỏi về cam kết lâu dài và các kế hoạch của Hạm đội Thái Bình Dương thực sự phản ánh tình trạng bất ổn hiện thời trong khu vực", AP dẫn lời ông Swift. "Nếu chúng tôi có toàn bộ hải quân Mỹ trong khu vực, tôi nghĩ rằng mọi người sẽ vẫn hỏi "Liệu các bạn có thể đưa bổ sung không?".
Các tranh chấp lãnh thổ liên quan tới Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunie đã diễn ra trong nhiều năm, gây ra những lo ngại rằng Biển Đông có thể chứng kiến một cuộc xung đột vũ trang nghiêm trọng tiếp theo của châu Á. Căng thẳng đã tăng cao kể từ khi Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên ít nhất 7 bãi cạn tại quần đảo Trường Sa.
Trước những lo ngại này, Đô đốc Swift cho hay ông "rất hài lòng với các nguồn lực mà tôi có trên cương vị Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương".
"Chúng tôi sẵn sàng và đã có sự chuẩn bị để đáp trả bất kỳ tình huống bất ngờ nào mà Tổng thống có thể cho là cần thiết", Đôc đốc Swift nói.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông nhưng sẽ tiếp tục các hoạt động để đảm bảo tự do hàng hải trong các vùng biển tranh chấp và các nơi khác. "Mỹ đã nói rõ rằng không ủng hộ việc sử dụng vũ lực hoặc hăm dọa", ông nói.
Ông Swift đã lấy ví dụ về sự trợ giúp lớn của quân đội Mỹ đối với Philippines sau siêu bão Haiyan vào năm 2013 là bằng chứng về cam kết của Mỹ nhằm trợ giúp một đồng minh gặp khó khăn.
Sẽ điều thêm tàu chiến tới Biển Đông
Quân đội Mỹ đã đồn trú tàu tác chiến ven bờ USS Fort Worth tại Singapore. Đây là một trong số 4 tàu tác chiến công nghệ cao mà giới chức Mỹ cam kết triển khai để đề phòng về Biển Đông và các khu vực khác.
Đô đốc Mỹ cho biết các tàu USS Fort Worth khác có thể được triển khai tới khu vực trong tương lai vì hải quân Mỹ có kế hoạch mua thêm 52 chiếc khác để sử dụng khắp thế giới.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đặt trụ sở tại Trân Châu Cảng ở Hawaii, được xem là lớn nhất thế giới với khoảng 200 tàu nổi và tàu ngầm, gần 1.100 máy bay và hơn 14.000 thủy thủ và nhân viên dân sự. Nhưng hạm đội này cũng hoạt động tại một khu vực rộng lớn vốn chiến gần nửa bề mặt trái đất và là nơi chiếm hơn nửa dân số thế giới.
Ông Swift đã khen ngợi các nỗ lực của Philippines nhằm tiến hành các cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản.
Nhật Bản đã tổ chức cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu nạn hải quân Philippines lần đầu tiên trên một máy bay trinh sát P-3C Orion của lực lượng phòng vệ Nhật Bản ở Biển Đông hồi tháng trước.
"Cơ chế đa phương luôn giúp gia tăng sự ổn định", ông Swift nói.
Trung Quốc đã lên án các cuộc diễn tập quân sự như vậy, mặc dù giới chức quân đội Nhật cho hay các cuộc tập trận không diễn ra tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Chưa rõ Trung Quốc có ý định gì với các đảo nhân tạo nhưng Đô đốc Swift khẳng định những khu vực này vẫn là tranh chấp và nói thêm rằng các đảo nhân tạo sẽ không cản trở các hoạt động của quân đội Mỹ trong khu vực tranh chấp.
"Từ góc độ quân sự, tôi không nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào đối với các hoạt động mà Hạm đội Thái Bình Dương thực hiện", ông Swift khẳng định.
An Bình