1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ba hướng triển khai của Hải quân Mỹ đối phó Trung Quốc trên Biển Đông

(Dân trí) - Trong trường hợp căng thẳng tại Biển Đông leo thang thành xung đột vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI, Mỹ) cho rằng Washington có thể sẽ điều động các hạm đội hải quân từ nhiều nơi đến khu vực này thông qua 3 hướng chính.

Xung đột tiềm tàng

Tàu chiến cận bờ Fort Worth hoạt động tại khu vực. (Ảnh:

Tàu chiến cận bờ Fort Worth hoạt động tại khu vực. (Ảnh: FPRI)

Các chuyến tuần tra của tàu chiến cận bờ Fort Worth Mỹ và máy bay P8-A Poseidon Mỹ, tiếp cận các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng ở Biển Đông, có chủ ý rõ ràng là thách thức các đòi hỏi chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, đặc biệt là với các đá ngầm mà Trung Quốc đã bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo tại vùng biển này.

Bất chấp thái độ hung hăng của phía Trung Quốc, Mỹ sẽ tiếp tục các chuyến tuần tra đó nhằm đảm bảo tự do giao lưu hàng hải trong khu vực. Mới đây, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã khẳng định hoạt động của tàu chiến và máy bay tuần tiễu tại khu vực như vừa qua là “hoàn toàn phù hợp” và các lực lượng hải quân và máy bay quân sự Mỹ sẽ "tiếp tục thực thi đầy đủ quyền hoạt động trong vùng biển và không phận quốc tế". Ông Russel cũng cho hay Mỹ sẽ làm tất cả để bảo vệ quyền của mọi quốc gia được di chuyển trong vùng biển và không phận quốc tế.

Theo Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại Mỹ (FPRI), có trụ sở tại Pennsylvania (Mỹ), nếu Mỹ tiếp tục thực thi bảo vệ quyền tự do hàng hải như đã nêu trên, khả năng xung đột giữa Hải quân Mỹ và phía Trung Quốc là cao. FPRI cũng đưa ra giả định chiến thuật trong trường hợp căng thẳng bùng phát giữa Hải quân Mỹ và Trung Quốc.

Hiện tại, lực lượng Hải quân Mỹ đồn trú ở Singapore chỉ có tàu chiến cận bờ Fort Worth. Lầu Năm góc cũng đã lên phương án đặt thường trực 4 tàu như vậy tại căn cứ ở Singapore. Tuy nhiên, với lực lượng đó, Mỹ vẫn không thể triển khai các hoạt động tuần tra như kế hoạch được và càng không thể đối đầu với số lượng lớn tàu chiến của Trung Quốc hiện đang có mặt ở Biển Đông.

Với tình hình đó, Lầu Năm Góc sẽ phải xem xét cách thức phản ứng nhanh nhất với một cuộc đụng độ có thể xảy ra. Nói rộng hơn là Hải quân Mỹ sẽ phải cân nhắc điều chuyển lực lượng bổ sung từ các khu vực khác trên thế giới đến Biển Đông trong thời gian tới.

Ba hướng triển khai của Hải quân Mỹ đối phó Trung Quốc trên Biển Đông

Đồ họa mô phỏng khả năng các hướng triển khai của Hải quân Mỹ (màu xanh lam) và mũi tấn công của quân Trung Quốc (màu nâu). (Ảnh: FPRI)

Hạm đội 7 Thái Bình Dương từ phía Bắc xuống

Hạm đội 7 hiện đóng ở Nhật Bản là lực lượng gần nhất mà Mỹ có thể triển khai trong trường hợp có xung đột với Trung Quốc. Đây cũng là lực lượng dễ vấp phải phản công của quân Trung Quốc nhất.

Hạm đội 7 Thái Bình dương Mỹ.

Hạm đội 7 Thái Bình dương Mỹ. (Ảnh: FPRI)

Để xuống được Biển Đông, Hạm đội 7 nhiều khả năng sẽ men xuống theo phía Tây của quần đảo Ryukyu và băng qua eo biển Luzon. Trên hành trình này, Hạm đội 7 Mỹ sẽ đi qua eo biển Miyako cũng là cửa ngõ mà tàu chiến và tàu ngầm Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc thường đi ra Thái Bình dương. Tiếp đó Hạm đội 7 Mỹ sẽ phải vượt qua eo biển Luzon và có thể phải đương đầu với toàn bộ lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc đóng dọc bờ biển phía Nam nước này, bao gồm các căn cứ chính của Hạm đội Nam Hải đóng ở Trạm Giang và đảo Hải Nam.

Nếu các tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles của Mỹ xuất phát từ căn cứ Guam có thể tránh được hỏa lực trên không của quân Trung Quốc thì các lực lượng nổi trên bề mặt có thể sẽ phải đụng độ với đội tàu ngầm của Trung Quốc ngay ở eo biển Luzon và xuống gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Hạm đội 5 Vùng Vịnh qua eo biển Malacca

Hạm đội 5 Hải quân Mỹ bình thường hoạt động tại Vùng Vịnh có thể là lực lượng bổ sung tiếp theo gần Biển Đông nhất mà Mỹ có thể triển khai. Thách thức chủ yếu với lực lượng này để đến được Biển Đông là vượt qua được eo biển Malacca. Ở đoạn này, hải quân và không quân Singapore có thể đóng vai trò quan trọng giám sát hoạt động của tàu ngầm và máy bay quân Trung Quốc, cho dù Singapore không muốn can dự trực tiếp vào cuộc xung đột.

Hạm đội 3 Thái Bình dương từ Đông Nam lên

Lực lượng cuối cùng mà Mỹ có thể triển khai là đến từ Hawaii hoặc bờ Tây mà chủ yếu là thuộc Hạm đội 3. Lực lượng này có thể tránh cùng đi qua eo biển Luzon cùng với Hạm đội 7, và tiếp cận Biển Đông qua đường Sulu hoặc Celebes. Theo hướng này, Hạm đội 3 hoạt động khá an toàn mặc dù vẫn nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo chống hạm của quân Trung Quốc. Các rặng núi ở quần đảo Palawan có thể phần nào hạn chế bớt khả năng nhận biết của các thiết bị dò tìm tần sóng cao và radar vượt đường chân trời mà quân Trung Quốc đặt tại các căn cứ cố định nhằm vào quân đội Mỹ.

Hạm đội 3 Hải quân Mỹ trong tập trận RIMPAC.

Hạm đội 3 Hải quân Mỹ trong tập trận RIMPAC.
(Ảnh: FPRI)

Công tác hậu cần của quân Mỹ có thể được triển khai bằng đường không qua Zamboanga, nơi lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã có mặt từ gần 1 thập niên, hoặc bằng đường thủy qua Davao hoặc Konor.

Dù đây chỉ là kế hoạch tác chiến của một viện nghiên cứu chính sách của Mỹ nhưng cũng thể hiện quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của người Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Hiển nhiên khi xung đột nổ ra, có rất nhiều điểm có thể bổ sung và hoàn thiện như vấn đề các căn cứ trên bộ và hỗ trợ tác chiến của đồng minh. Mỹ sẽ không hành động đơn độc ở Biển Đông để bảo vệ cho tự do hàng hải của tất cả các nước.

Uyên Châu
Theo FPRI