Trung Quốc với chiến dịch chống “hổ” và “ruồi nhặng”
Tờ “Chính trị thế giới” vừa đăng lại bài viết của đồng nghiệp trên trang mạng “ChinaUsFocus”, nhận định rằng, sau một năm kể từ khi nhận vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cách thức điều hành của Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã dần được định hình rõ ràng, bao gồm 3 trụ cột chính, đó là: Tiếp tục cải cách kinh tế, chống tham nhũng và tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với toàn xã hội.
Trung tướng Cốc Tuấn Sơn.
Rõ ràng, thành công đáng ghi nhận nhất của ông Tập Cận Bình là trên mặt trận chống tham nhũng. Trong năm 2013, chiến dịch chống nạn hối lộ, lạm dụng quyền lực và phí phạm ngân sách đã tạo ra được một bầu không khí chính trị mới tại Trung Quốc. Những con số dưới đây sẽ cho thấy được một bức tranh tương đối khả quan: Chính phủ Trung Quốc đã điều tra và xét xử các vụ án tham nhũng đối với cả “ruồi nhặng” (các công chức cấp thấp) và “hổ” (các quan chức cấp cao) trong bộ máy nhà nước. Năm 2013, tổng cộng 17 “con hổ” (các quan chức từ cấp thứ trưởng và phó chủ tịch tỉnh trở lên) đã bị “sờ gáy”, trong đó có 2 ủy viên Trung ương Đảng. So sánh với năm 2012, các cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc đã điều tra tổng cộng 197.000 vụ (tăng 16%) và hoàn tất hồ sơ 172.000 vụ (tăng 11%). Khoảng 182.000 quan chức và đảng viên đã bị kỷ luật hoặc trừng trị (tăng 5% so với năm 2012).
Một cách nhìn khác để thấy được những kết quả mà chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập Cận Bình phát động đã đạt được, đó là sự đi xuống trong giá thành của các mặt hàng xa xỉ cũng như công việc làm ăn của các nhà hàng hạng sang. Trước khi chiến dịch chống tham nhũng diễn ra, các cửa hàng kinh doanh xa xỉ phẩm như đồng hồ Thụy Sĩ, rượu cognac Pháp, đồ trang sức và túi xách hiệu Gucci... đều kinh doanh rất tốt (doanh số tăng 30% vào năm 2011 và 7% vào năm 2012). Tuy nhiên đến năm 2013, công việc kinh doanh của các hãng này đã trở nên ảm đạm hơn nhiều: Doanh số bán hàng của hãng Gucci giảm 5,4% trong 3 quý đầu năm 2013. Kim ngạch nhập khẩu các chủng loại đồng hồ của Thụy Sĩ cũng giảm 14% trong 10 tháng đầu năm 2013. Mao Đài - hãng rượu nổi tiếng của Trung Quốc - cũng đã phải giảm giá mạnh mẽ để tiêu thụ hết sản phẩm của mình.
Mặc dù chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập Cận Bình phát động đã đạt được những kết quả bước đầu, giúp ông tạo dựng được hình ảnh đẹp trước công chúng Trung Quốc, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trước mắt và việc có duy trì được chiến dịch này hay không mang ý nghĩa sống còn. Trước đây, những người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình cũng đã mạnh mẽ thực hiện chiến dịch chống tham nhũng; chẳng hạn, trong năm 2003 - năm đầu tiên ông Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền, tổng số vụ xét xử các quan chức tham nhũng đã tăng gấp 3 lần so với các năm trước đó (tuy nhiên, con số này ở các năm tiếp theo đã giảm).
Có ý kiến cho rằng, rất khó để khiến cho một tổ chức chính trị với 86 triệu thành viên nghe theo lời kêu gọi liêm chính và tiết kiệm của ông Tập Cận Bình trong một thời gian dài. Việc thông qua đạo luật cho phép công khai tài sản của các quan chức sẽ là liều thuốc thử để đánh giá quyết tâm chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình và đây chính là điều mà ông nên thực hiện trong tương lai gần. Một biện pháp hiệu quả khác để phòng, chống tham nhũng tại Trung Quốc là dựa vào sự tố giác của người dân. Các nghiên cứu khoa học về tham nhũng đã chỉ ra rằng, các phương tiện truyền thông tự do cùng với xã hội chính là công cụ hữu hiệu để phát hiện các vụ tham nhũng. Trong trường hợp Trung Quốc, những vụ án tham nhũng của quan chức cấp cao bị phát hiện gần đây phần lớn đều do người dân hoặc báo chí đưa ra ánh sáng.
Bàn tay bị rắn cắn
Theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hồng Kông), ông Tập Cận Bình vừa cảnh báo Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - cơ quan chống tham nhũng cấp cao nhất của đảng này - rằng tình trạng tham nhũng, hối lộ đã diễn ra rất nghiêm trọng. Ông đã kêu gọi ủy ban nỗ lực gấp đôi nhằm nhổ tận gốc nạn tham nhũng hối lộ, mô tả tình hình hiện nay là “rất nghiêm trọng” và là “một bệnh dịch cần phải có liều thuốc mạnh”. Phát biểu tại một phiên họp toàn thể của ủy ban ngày 14.1, ông Tập Cận Bình đã trích dẫn một câu thành ngữ của Trung Quốc: “Cuộc chiến chống tham nhũng hối lộ cần phải dũng cảm, giống như một người đàn ông tự chặt bỏ bàn tay bị rắn cắn để cứu mạng sống của mình. Chúng ta không nên để cho hệ thống theo dõi và giám sát trở thành một con hổ giấy hay một con bù nhìn”.
Ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi thực hiện những cải thiện ở cấp độ thể chế và ủng hộ sự độc lập của các cơ quan chống tham nhũng, hối lộ thuộc chính quyền địa phương, vận dụng quyền lực một cách minh bạch. Ông nói: “Mỗi quan chức của đảng nên luôn có suy nghĩ rằng tất cả những bàn tay vấy bẩn đều sẽ bị xử lý”.
Tuy nhiên, một người được mời tới dự cuộc họp vừa qua của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương nói rằng, cơ quan này đã thất bại trong việc thảo luận về một chế độ được mong đợi từ lâu, qua đó yêu cầu các quan chức công khai tài sản của họ - điều được cho là rất quan trọng đối với một chính quyền trong sạch.