1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Trung Quốc trả bộn tiền thuê ngư dân ra Trường Sa"

Ngư dân Đàm Môn được chính phủ Trung Quốc cung cấp tài chính để hiện diện ở những tiền đồn Trung Quốc xây bất hợp pháp ở Trường Sa.

The Straits Times ngày 5/4 đưa tin, làng chài Đàm Môn ven biển phía Nam đảo Hải Nam đã trở thành tuyến đầu của việc Trung Quốc sử dụng ngư dân nước này vào mục đích "bảo vệ (cái gọi là) vùng biển truyền thống tổ tiên".

Từ cuối tháng 11 năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã quyết định rót 1 tỷ nhân dân tệ để xây dựng "bảo tàng Biển Đông" ở Đàm Môn, dự kiến sẽ mở cửa năm 2017.


Trung Quốc tài trợ cho ngư dân nước này hiện diện bất hợp pháp ở các vùng biển.

Trung Quốc tài trợ cho ngư dân nước này hiện diện bất hợp pháp ở các vùng biển.

Ngư dân Trung Quốc Lin Guanyong cho hay, việc đánh bắt của ông ở Biển Đông rất nguy hiểm, không chỉ là thời tiết. Lin Guanyong đã từng bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ năm 2011 cùng với 20 ngư dân khác vì đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam.

Tàu cá vi phạm được đưa vào bờ xử lý và họ phải nộp phạt 2500 USD và được thả sau 2 tuần. Lin Guanyong thừa nhận tàu cá của mình đã vượt biên vào vùng biển láng giềng, nhưng nói rằng ngư dân các nước khác cũng nhảy sang "vùng biển Trung Quốc".

Zhang Hongzhou, một học giả từ trường Nghiên cứu Quốc tế Rajratnam, Singapore nói với The Straits Times: "Hoạt động đánh bắt cá và hồ sơ của họ là một trong những bằng chứng chính mà Trung Quốc đưa ra chứng minh cho yêu sách "chủ quyền lịch sử" nước này tuyên bố ở Biển Đông".

Trong nhiều năm qua, ngư dân Đàm Môn được chính phủ cung cấp nguồn tài chính để duy trì sự hiện diện của họ ở những tiền đồn Trung Quốc xây bất hợp pháp ở Trường Sa. Lin Guanyong gia nhập hoạt động này năm 2012.

"Chính phủ đã trả 180 ngàn nhân dân tệ (khoảng 27 ngàn USD) cho mỗi chủ tàu để họ đi đến quần đảo Trường Sa. Chúng tôi phải ở đó 2 tuần. Họ không quan tâm chúng tôi có đánh bắt hay không. Họ chỉ muốn chúng tôi ở đó", Lin Guanyong nói với The Straits Times.

Việc Trung Quốc sử dụng ngư dân nhằm thực hiện mưu đồ trên biển của mình nhiều lần được lãnh đạo Trung ương, địa phương nước này tuyên bố công khai.

Hồi đầu tháng 3/2016, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc dẫn lời Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Nam La Bảo Minh cho biết chính phủ nước này sẽ tài trợ và huấn luyện kỹ thuật quốc phòng cho lực lượng ngư dân để đưa ra Biển Đông.

Tại phiên họp thường niên Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ở Bắc Kinh, ông La cho biết Hải Nam có hơn 100.000 ngư dân và với số lượng này thì việc giúp sức cho lực lượng hải quân tuần tra biển, giành lấy ngư trường truyền thống của ngư dân nước khác là chuyện “không khó”!

Chính quyền tỉnh Hải Nam cũng đã cung cấp các nguồn lực để giúp số ngư dân này như hỗ trợ đóng tàu, trợ cấp nhiên liệu cũng như huấn luyện quân sự để số ngư dân này tràn ra Biển Đông và sẵn sàng gây hấn, quấy nhiễu tàu cá cũng như tàu hải quân của các nước khác.

Bí thư họ La còn công khai rằng một số tàu đánh cá mới đóng có lượng giãn nước lên đến 400 tấn, có thể hoạt động ở khu vực biển sâu. Điều này có nghĩa ngư dân Trung Quốc đang sở hữu những chiếc tàu lớn hơn cả tàu hải quân của một số nước trong khu vực.

Ông Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh, nói rằng trong thời bình thì lực lượng ngư dân Trung Quốc có thể giúp hải quân nước này thu thập thông tin tình báo trên biển.

Sau vụ tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Indonesia, Malaysia, tạp chí Diplomat cũng nhận định, các vụ xâm phạm của ngư dân Trung Quốc đang thể hiện “chiến lược hàng hải” mà Bắc Kinh đề cập trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13, nhằm giành lấy các lợi ích trên Biển Đông.

Theo đó, Quốc hội Trung Quốc tỏ ý khuyến khích các hoạt động thăm dò dầu khí và đánh bắt cá tại các vùng biển tranh chấp để thực hiện việc “bảo vệ các quyền lợi”.

Theo An Nhiên (Tổng hợp)

Đất Việt