1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc tố ngược Mỹ là "đế chế ăn cắp mạng"

(Dân trí) - Đáp trả cho báo cáo của Lầu Năm Góc, tố cáo Trung Quốc dùng gián điệp mạng để ăn cắp thông tin, công nghệ, nhằm củng cố cho quân đội, Trung Quốc hôm nay 8/5 tố ngược Mỹ mới là "đế chế ăn cắp mạng thực sự".

 

Tòa nhà có gắn ngôi sao phía trước, nơi được cho là có ổ tin tặc tấn công vào Mỹ.
Tòa nhà có gắn ngôi sao phía trước, nơi được cho là có ổ tin tặc tấn công vào Mỹ.

 

Trong bản báo cáo thường niên dài 83 trang về phát triển quân sự của Trung Quốc nhằm trình lên Quốc hội, Lầu Năm Góc cũng cho biết Bắc Kinh đang nỗ lực phát triển máy bay tàng hình công nghệ tiên tiến và xây dựng một hạm đội tàu sân bay nhằm thực hiện cho tham vọng vươn sức mạnh ra khơi xa.

 

Báo cáo cho biết, hoạt động rình mò mạng của Trung Quốc là mối “lo ngại nghiêm trọng”, dẫn đến mối đe dọa thậm chí lớn hơn, bởi “các kỹ năng cần có để xâm nhập tương tự như những kỹ năng để tiến hành các vụ tấn công mạng”.

 

“Chính phủ Mỹ tiếp tục là mục tiêu của các vụ xâm nhập mạng, một số có vẻ như có liên quan trực tiếp tới quân đội và chính phủ Trung Quốc”, báo cáo lần đầu tiên chỉ đích danh chính phủ và quân đội Bắc Kinh. Báo cáo cũng cho biết mục đích của các vụ thâm nhập này là lấy thông tin để hỗ trợ cho các ngành quốc phòng, cho các nhà hoạch định quân sự và giới lãnh đạo chính phủ.
 

Tờ báo của quân đội Trung Quốc People's Liberation Army Daily hôm nay đã chỉ trích báo cáo của Trung Quốc là “can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc” và “gieo rắc bất đồng giữa Trung Quốc và các nước khác, đặc biệt là các nước láng giềng, để kiềm tỏa Trung Quốc và hưởng lợi từ đó”.

 

Còn một bài xã luận trên tờ People's Daily, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thì tố ngược Mỹ mới là “đế chế xâm nhập mạng” thực sự và có một “mạng lưới gián điệp mạng rộng lớn”.

 

Lấy bút danh là “Tiếng nói Trung Quốc”, bài xã luận còn cho hay, “trong những năm gần đây, Mỹ tiếp tục củng cố các công cụ mạng của mình để phá hoại chính trị, chống lại các nước khác”.

 

“Vũ khí mạng đáng sợ hơn vũ khí hạt nhân”, People's Daily nhận định. “Thiết lập quyền bá chủ quân đội trên mạng bằng cách liên tục bôi nhọ các nước khác là con đường nguy hiểm và sai trái, sẽ có kết cục giống như tự bắn vào chân mình”.

 

Trong khi đó vào ngày hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm qua cho rằng báo cáo của Lầu Năm Góc là “không có căn cứ”. Bà cho hay, Bộ Quốc phòng Mỹ liên tục “đưa ra những bình luận thiếu trách nhiệm về hoạt động củng cố quốc phòng bình thường và hợp lý của Trung Quốc và cường điệu về cái gọi là mối đe dọa của quân đội Trung Quốc”.

 

Bà cũng cho biết, cáo buộc “không có lợi cho sự tin cậy và hợp tác chung giữa Mỹ-Trung” và “phản đối báo cáo, cũng như đã nêu phản đối với phía Mỹ”.

 

Người phát ngôn cho rằng việc củng cố quân sự của Trung Quốc là nhằm bảo vệ “độc lập và toàn vẹn lãnh thổ” Trung Quốc.

 

Về cáo buộc xâm nhập mạng, bà Hoa cho hay, “chúng tôi phản đối kịch liệt bất kỳ chỉ trích và cường điệu hóa vô căn cứ nào, bởi những chỉ trích và cường điệu hóa đó chỉ gây hại cho nỗ lực hợp tác và đối thoại song phương”.

 

Mặc dù lo ngại về các vụ xâm nhập mạng, song một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho hay, lo ngại lớn nhất của ông lại là sự thiếu minh bạch của quân đội Trung Quốc. “Điều khiến tôi quan ngại là quy mô hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc diễn ra thiếu cởi mở và minh bạch, chắc chắn khiến các nước khác phải chất vấn Trung Quốc”, David Helvey, phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, phụ trách Đông Á, cho biết trong cuộc họp báo của Lầu Năm Góc về bản báo cáo.

 

Ông cảnh báo việc thiếu minh bạch trên sẽ dẫn đến những tính toán sai về an ninh của các nước khác trong khu vực.

 

Báo cáo thường niên về Trung Quốc, do Quốc hội Mỹ yêu cầu từ năm 2000, được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng khu vực tăng cao, do sự hiếu chiến ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc và do tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung Quốc đối với các quần đảo và bãi san hô trên Biển Đông và Hoa Đông. Trung Quốc hiện đang tranh chủ quyền lãnh thổ với các nước Philippines, Nhật, Việt Nam và các nước khác.

 

Hồi tháng 3, Bắc Kinh thông báo chi tiêu quân sự của nước này tăng 10,7%, lên 114 tỷ USD, song Helvey cho rằng con số thực sự cao hơn nhiều.

 

Báo cáo của Lầu Năm Góc nhấn mạnh đến việc Trung Quốc vẫn tiếp tục tìm cách tiếp cận công nghệ quân sự tinh vi của Mỹ, nhằm hỗ trợ cho chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc. Báo cáo dẫn một danh sách dài các biện pháp, trong đó có “gián điệp công nghiệp và kỹ thuật do nhà nước tài trợ, nhằm nâng cấp trình độ công nghệ và chuyên môn để hỗ trợ cho các nghiên cứu, phát triển cũng như thông tin về quân sự”.

 

Dean Cheng, nhà phân tích tại cơ quan phân tích Heritage Foundation, cho hay ông ngạc nhiên bởi số các vụ gián điệp được trích dẫn trong báo cáo. “Đây là một PLA (Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc) đang hiện đại hóa sâu rộng và toàn diện”, ông Cheng cho hay. “Trung Quốc đang tham gia toàn diện vào hoạt động gián điệp”.

 

Báo cáo Lầu Năm Góc nhận định, việc Trung Quốc thử chiến đấu cơ tàng hình tiên tiến thứ hai vào 10/2012 cho thấy “tham vọng không ngừng của họ nhằm sản xuất chiến đấu cơ thế hệ thứ năm tiên tiến”. Và theo báo cáo, không có máy bay tàng hình nào của Trung Quốc sẽ có khả năng hoạt động hiệu quả trước năm 2018.

 

Năm ngoái Trung Quốc đã triển khai hoạt động tàu sân bay đầu tiên do nước này tự chế và hồi tháng 11 đã cho chiếc máy bay trên tàu sân bay, cũng do nước này tự sản xuất, cất và hạ cánh thử trên đó lần đầu tiên.

 

Phan Anh

Theo Chicagotribune

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm