1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ: Trung Quốc ăn cắp thông tin để củng cố sức mạnh quân sự

(Dân trí) – Một bản báo cáo vừa được Lầu Năm Góc công bố hôm qua khẳng định các hoạt động gián điệp mạng của quân đội và chính phủ Trung Quốc đang ngày càng được mở rộng nhằm đánh cắp các thông tin về đối ngoại và quân sự của chính phủ Mỹ.

Các binh sĩ Trung Quốc luyện tập cho một lễ diễu hành. (Ảnh minh hoạ)
Các binh sĩ Trung Quốc luyện tập cho một lễ diễu hành. (Ảnh minh hoạ)
Đây chính là một phần nội dung của bản báo cáo thường niên, đánh giá quân đội Trung Quốc của Bộ quốc phòng Mỹ vừa được đệ trình lên quốc hội nước này.

Theo đó, trong năm 2012 Trung Quốc đã duy trì một chiến dịch tấn công mạng máy tính rộng khắp, bao gồm cả các đợt tấn công nhắm vào mạng máy tính của chính phủ Mỹ. Thông qua đó Bắc Kinh đã có được nhiều thông tin sâu hơn về những toan tính trong chính sách cũng như năng lực quân sự của Mỹ.

“Trung Quốc đang tận dụng khả năng khai thác mạng máy tính (CNE) để hỗ trợ cho hoạt động thu tập thông tin tình báo về các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và các căn cứ của ngành công nghiệp quốc phòng có vai trò hỗ trợ cho các chương trình phòng thủ quốc gia của Mỹ”, bản báo cáo khẳng định.

“Trong năm 2012, vô số mạng máy tính trên thế giới, bao gồm cả các mạng thuộc sở hữu của chính phủ Mỹ, tiếp tục trở thành mục tiêu của các cuộc xâm nhập, một vài trong số này dường như được thực hiện trực tiếp bởi chính phủ và quân đội Trung Quốc”, một đoạn khác trong báo cáo viết.

Bản báo cáo này chính là tuyên bố rõ ràng nhất của Lầu Năm Góc tin rằng hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc tập trung vào chính phủ cũng như các doanh nghiệp của nước mình.

Từ trước đến nay, mặc dù chính quyền của Tổng thống Obama đã từng yêu cầu Trung Quốc dừng các hoạt động trộm cắp thông tin trên mạng, các quan chức nước này thường chỉ đề cập việc các doanh nghiệp tư nhân trở thành nạn nhân chứ không nói đến các cơ quan chính phủ.

Lần này, bản báo cáo khẳng định các thông tin mà gián điệp mạng Trung Quốc nhắm tới có thể giúp nước này thu lợi trong các ngành vũ khí và công nghệ, cũng giúp các nhà hoạch định chính sách biết được suy nghĩ của giới lãnh đạo Mỹ đối với các vấn đề có liên quan đến Trung Quốc.

Hoạt động gián điệp mạng có thể hỗ trợ các nhà hoạch định kế hoạch của quân đội Trung Quốc “xây dựng được bức tranh về các mạng lưới quốc phòng của Mỹ, công tác hậu cần và các năng lực quân sự có liên quan. Những thông tin này có thể được khai thác khi xảy ra khủng hoảng”.

Giới chức Mỹ ngày càng lo ngại về những hoạt động mà họ gọi là tấn công trơ tráo từ phía Trung Quốc nhắm vào các nhà thầu quân sự của Mỹ, trong đó có Lockheed Martin, và một loạt các tổ chức, cơ quan khác.

Gián điệp mạng là một phần của hoạt động gián điệp công nghiệp có quy mô rộng lớn hơn, nhằm đánh cắp những công nghệ liên quan đến quân sự của Mỹ và phương Tây, qua đó cho phép Bắc Kinh bớt phụ thuộc vào các nhà sản xuất vũ khí nước ngoài.

“Trung Quốc sẽ tiếp tục tranh thủ việc đầu tư nước ngoài, các liên doanh thương mại, những đợt trao đổi học thuật, kinh nghiệm của các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc hồi hương và các hoạt động gián điệp công nghiệp và công nghệ do chính phủ tài trợ để phát triển công nghệ và kiến thức chuyên môn nhằm hỗ trợ cho việc nghiên cứu và phát triển quân sự”, bản báo cáo nhận định.

Ngoài việc miêu tả trọng tâm của quân đội Trung Quốc trong hoạt động gián điệp mạng, bản báo cáo của Lầu Năm Góc còn khắc họa sự lớn mạnh không ngừng của các lực lượng vũ trang của Bắc Kinh, với các hoạt động đầu tư cho tên lửa chống hạm, vệ tinh không gian, một tàu sân bay mới và các chiến đấu cơ tàng hình.

Hồi tháng 3 vừa qua Bắc Kinh công bố tăng chi tiêu quốc phòng thêm 10,7%, lên 114 tỷ USD. Tuy nhiên bản báo cáo của Bộ quốc phòng Mỹ tin rằng con số này trên thực tế cao hơn nhiều, phải từ 135 tỷ USD đến 215 tỷ USD.

Mặc dù mối quan tâm chiến lược hàng đầu của Trung Quốc tiếp tục là Đài Loan, “hoạt động hiện đại hóa quân đội của nước này bắt đầu tập trung vào gia tăng năng lực và thực thi các nhiệm vụ bên ngoài các mối quan tâm trực tiếp về chủ quyền lãnh thổ”, David Helvey, phó trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ khu vực châu Á khẳng định với báo giới.

Bản báo cáo cho rằng phần lớn chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc được dành để phát triển tên lửa và các loại vũ khí khác để tấn công “các lực lượng quân sự có khả năng triển khai và hoạt động trong khu vực phía Tây Thái Bình Dương”, nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với một loạt các đảo tranh chấp.

Lầu Năm Góc cũng tỏ ý đặc biệt lo ngại về tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong 21D của Trung Quốc cũng như các loại thiết bị phòng không, vũ khí tấn công tàu khu trục hoặc tàu sân bay từ khoảng cách xa. “Chắc chắn rằng, chúng tôi chú ý tới những thứ có thể khiến các tàu mặt nước lớn gặp rủi ro, bao gồm cả các tàu sân bay”, ông Helvey nói.

Thanh Tùng
Theo AFP