1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc tìm cách lấn “sân sau” của Mỹ

(Dân trí) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay 31/5 đã lên đường công du châu Mỹ, trong đó có 3 quốc gia Trung Mỹ, được cho là “sân sau” của Hoa Kỳ.

 

Ông Obama gặp Phó chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhà Trắng hồi tháng 2/2012.

Ông Obama gặp Phó chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhà Trắng hồi tháng 2/2012.

Ông Tập Cận Bình sẽ bắt đầu chuyến công du tại quốc đảo Caribe giàu dầu lửa Trinidad & Tobago, trước khi tới Costa Rica và Mexico. Costa Rica và Mexico cũng là hai nước mà Tổng thống Mỹ Obama vừa mới công du hồi đầu tháng 5 này.

 

Một số học giả đặt câu hỏi liệu có phải Trung Quốc đang tìm cách lấn “sân sau” của Mỹ ở châu Mỹ Latinh, nhằm trả đũa việc Washington gia tăng ảnh hưởng tại sân sau của Trung Quốc ở châu Á. Rõ ràng nhất là chuyến đi của ông Tập Cận Bình diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Obama tiếp Tổng thống Myanmar Thein Sein, lãnh đạo một quốc gia suốt nhiều năm qua là một đồng minh thân cận của Trung Quốc.

 

Ngoài ra, chuyến thăm Trinidad của ông Tập, chuyến thăm đầu tiên của một chủ tịch Trung Quốc tới hòn đảo ngoài khơi Venezuela, cũng diễn ra ngay sau chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi ông tham dự một hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Caribe ở Port of Spain vào tuần này. “Đây là những thời khắc rất đặc biệt và lịch sử cho Trinidad & Tobago”, Bộ trưởng Thông tin Jamal Mohammed đánh giá về hai chuyến công du.

 

Không phải vô cớ mà ông Tập Cận Bình chọn Trinidad & Tobago, Costa Rica và Mexico. Mối quan hệ thương mại của Trung Quốc với châu Mỹ Latinh đã tăng mạnh trong những năm gần đây khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đổ tiền của vào nguồn khoáng sản và dầu lửa của khu vực, nhằm tiếp liệu cho tốc độ tăng trưởng trong nước. Tuy nhiên, một số nước đã không khỏi lo ngại về tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng bị nới rộng.

 

Chính phủ của Thủ tướng Kamla Persad-Bissessar nhận thấy chuyến công du của lãnh đạo Trung Quốc là cơ hội để củng cố hợp tác thương mại, xây dựng và các ngành công nghiệp nặng. Theo Tân Hoa xã, hai bên sẽ ký kết các thỏa thuận hợp tác thương mại và giáo dục.

 

Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng Trinidad, quốc gia có 1,3 triệu dân, là “đối tác hợp tác quan trọng của Trung Quốc trong vùng Caribe nói tiếng Anh”.

 

Dầu khí cũng sẽ là một trong những trọng tâm của chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc tại Mexico từ ngày 4-6/6. Mexico và Bắc Kinh gần đây đã ký nhiều hiệp định hợp tác, trong đó có hiệp định về trao đổi công nghệ giữa công ty dầu khí Nhà nước Mexico, Pemex với công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc, CNPC.

 

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại đứng hàng thứ hai của Mexico, chỉ sau Hoa Kỳ, và Mexico cũng là bạn hàng thứ hai của Trung Quốc ở châu Mỹ Latinh.

 

Về phần Costa Rica, mà ông Tập Cận Bình sẽ ghé thăm từ ngày 2-4/6. Đây là quốc gia Trung Mỹ đầu tiên vào năm 2007 đã công nhận Trung Quốc, tức là coi như cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Trong 33 quốc gia châu Mỹ La tinh, hiện có đến 21 nước có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.

 

Ông Tập cũng sẽ gặp đại diện nhiều nước khác trong đó có Antigua & Barbuda, the Bahamas, Dominica, Grenada, Guyana, Suriname và Jamaica trong chuyến công du này. Sau đó, ông Tập sẽ gặp gỡ với Obama trong khoảng từ 7-8/6 ở California.

 

Khi được hỏi về khả năng “kèn cựa” tại khu vực giữa Mỹ-Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho hay: “Trung Quốc muốn có mối quan hệ song phương hài hòa với các nước châu Mỹ Latinh”.

 

“Chúng tôi tin rằng Trung Quốc và Mỹ có thể thực hiện hợp tác ở châu Mỹ Latin bằng cách phát triển lợi thế mỗi bên để đóng góp chung cho sự phát triển của các nước châu Mỹ Latinh”, ông cho hay.

 

Có một chỉ dấu rõ ràng cho thấy sự hiện diện ngày càng lớn của Mỹ ở châu Mỹ Latinh, đó là cường quốc châu Á này đang qua mặt khối 27 nước Liên minh châu Âu trở thành nguồn nhập khẩu lớn thứ hai của châu Mỹ Latinh, theo con số chính thức của Ủy ban kinh tế châu Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC).

 

Brazil và Mexico, nền kinh tế thứ nhất và thứ hai châu Mỹ Latinh, lần lượt là 2 thị trường hàng đầu của Trung Quốc ở khu vực. “Đây là mối quan hệ rất năng động, với cả điểm tốt và điểm xấu, vì vậy mà đặt ra nhiều câu hỏi lớn cho châu Mỹ Latinh”, Hugo Beteta, giám đốc của văn phòng khu vực ECLAC tại Mexico đánh giá.

 

Liệu Hoa Kỳ có sẽ để yên cho Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ngay tại sân sau của mình? Chưa biết Washington sẽ ứng phó ra sao, nhưng trước mắt, trong cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Tổng thống Barack Obama với Chủ tịch Tập Cận Bình, hai lãnh đạo Mỹ-Trung chắc chắn sẽ thể hiện nhằm chứng tỏ quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đã nồng ấm hơn.

 

Vũ Quý

Theo AFP