1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc tích cực mời chào vắc xin tại châu Âu

Thành Đạt

(Dân trí) - Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy ngoại giao vắc xin Covid-19 tại Trung và Đông Âu nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện với khu vực này.

Trung Quốc tích cực mời chào vắc xin tại châu Âu - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi qua video với các bệnh nhân và nhân viên y tế tại bệnh viện ở thành phố Vũ Hán năm 2020. (Ảnh: LA Times)

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc điện đàm hôm 1/3 với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Chủ tịch Tập Cận Bình hứa sẽ chia sẻ kinh nghiệm chống dịch Covid-19 của Trung Quốc và cung cấp vắc xin Covid-19 cho Ba Lan, "theo nhu cầu của Ba Lan và trong giới hạn năng lực của Trung Quốc".

Đáp lại, Tổng thống Duda nói rằng Ba Lan sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc trong cuộc chiến chống đại dịch. Ngoài ra, Ba Lan cũng sẵn sàng đóng góp vào "sự hợp tác giữa các nước Trung và Đông Âu với Trung Quốc". Nhà lãnh đạo Ba Lan đề cập đến khả năng mua vắc xin sản xuất tại Trung Quốc và vấn đề này sẽ được thảo luận ở cấp độ liên chính phủ.

Ông Tập Cận Bình cho biết Ba Lan là "nước lớn tại Trung và Đông Âu, là thành viên quan trọng của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời là đối tác chiến lược toàn diện của Trung Quốc tại châu Âu". Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Tổng thống Ba Lan rằng hai nước nên tăng cường đối thoại chiến lược, "nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác thực chất để cùng nhau ứng phó với mọi nguy cơ và thách thức".

Cũng trong cuộc điện đàm với Tổng thống Duda, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ nhập khẩu thêm "các nông sản chất lượng cao" của Ba Lan. Trước đó, ông Tập cũng tuyên bố Trung Quốc cam kết nhập khẩu 170 tỷ USD hàng hóa và tăng gấp đôi lượng mua nông sản từ khu vực Trung và Đông Âu trong 5 năm tới. Tổng thống Ba Lan cho rằng đây là "bước đi đúng hướng" để tăng cường thương mại giữa hai bên.

Tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển quan hệ với các chính phủ Trung và Đông Âu nhằm mở rộng thị trường thương mại và đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên nỗ lực này của Bắc Kinh đang đối mặt với ngày càng nhiều hoài nghi, do lo ngại sự xuất hiện của Trung Quốc có thể làm suy yếu khối đoàn kết của EU.

Trong bối cảnh EU vẫn đang vật lộn với tình trạng thiếu hụt và chậm trễ nguồn cung vắc xin Covid-19, nhiều nước Trung và Đông Âu đã tìm đến Trung Quốc để nhờ hỗ trợ.

Hồi đầu tháng, Serbia, quốc gia duy trì mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, đã nhận 1,5 triệu liều vắc xin do hãng dược Sinopharm của Trung Quốc sản xuất. Giữa tháng 2, Hungary, quốc gia thành viên đầu tiên của EU phê chuẩn vắc xin Sinopharm, đã nhận 550.000 liều vắc xin đầu tiên từ Trung Quốc. Trung Quốc tuần trước cũng thông báo sẽ viện trợ 30.000 liều vắc xin cho Montenegro.

Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu Trung Quốc MERICS tại Berlin (Đức), những đề xuất viện trợ và cung cấp vắc xin của Trung Quốc cũng làm dấy lên nhiều lo ngại tại châu Âu.

"Ngoại giao vắc xin của Trung Quốc dường như đã phát huy hiệu quả tại các quốc gia Trung và Đông Âu, nhưng điều đó có nguy cơ khoét sâu thêm sự chia rẽ giữa các nước này với EU", các nhà phân tích của MERICS nhận định.

Theo MERICS, các nhà sản xuất vắc xin Trung Quốc dường như không quá chú trọng đến việc tìm cách để các sản phẩm của họ được cấp phép tại thị trường châu Âu.

"Cho đến nay, chưa có nhà sản xuất vắc xin nào của Trung Quốc xin cấp phép từ Cơ quan Dược phẩm Châu Âu cho việc sử dụng và phân phối vắc xin của họ. Để làm được điều đó, họ cần cung cấp dữ liệu thử nghiệm nhằm cho phép đánh giá tính an toàn cũng như hiệu quả của vắc xin. Việc minh bạch hơn về vắc xin sẽ giúp Trung Quốc nâng cao uy tín trong EU", MERICS nhận định thêm.