1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc thử nghiệm tên lửa siêu thanh có thể mang đầu đạn hạt nhân

Minh Phương

(Dân trí) - Trung Quốc được cho là đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân khiến Mỹ bất ngờ, báo Financial Times đưa tin.

Trung Quốc thử nghiệm tên lửa siêu thanh có thể mang đầu đạn hạt nhân - 1

Tên lửa Trường Chinh của Trung Quốc được phóng đi từ tỉnh Hải Nam, Trung Quốc hồi tháng 7/2020 (Ảnh: Reuters).

Financial Times dẫn nguồn thạo tin ngày 16/10 cho biết, hồi tháng 8 năm nay, Trung Quốc đã phóng thử một tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa này đã bay quanh Trái đất ở quỹ đạo thấp trước khi lao xuống mục tiêu nhưng vẫn trượt mục tiêu khoảng 32 km. Nguồn tin cho biết, thiết bị trượt siêu thanh này đã được tên lửa đẩy Trường Chinh phóng lên.

Những vụ phóng kiểu này thường được thông báo, nhưng thời điểm đó Bắc Kinh đã giữ kín thông tin. Nguồn tin cho biết thêm, giới chức tình báo Mỹ đã rất bất ngờ về năng lực phát triển vũ khí siêu thanh của Trung Quốc.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby từ chối bình luận chi tiết, nhưng nói rằng: "Chúng tôi đã nói rõ những quan ngại về năng lực quân sự Trung Quốc đang theo đuổi, những năng lực chỉ khiến căng thẳng trong và ngoài khu vực leo thang. Đây là lý do chúng tôi coi Trung Quốc là thách thức số một".

Cùng với Trung Quốc, Mỹ, Nga và ít nhất 5 quốc gia khác đang phát triển công nghệ siêu thanh. Giống như các tên lửa đạn đạo truyền thống, tên lửa siêu thanh có thể mang đầu đạn hạt nhân và có thể bay với vận tốc gấp 5 lần âm thanh.
Nếu tên lửa đạn đạo bay cao vào không gian theo hình vòng cung để tiếp cận mục tiêu thì tên lửa siêu thanh bay với quỹ đạo thấp và tiếp cận mục tiêu nhanh hơn. Đặc biệt, tên lửa siêu thanh có khả năng cơ động nên khó theo dõi và khó phòng thủ hơn.

Trong khi các nước như Mỹ đã và đang phát triển các hệ thống có khả năng phòng thủ các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo và hành trình, năng lực theo dõi và bắn hạ tên lửa siêu thanh đến nay vẫn là một câu hỏi.

Trung Quốc hiện chưa bình luận về thông tin liên quan đến vụ phóng thử mà Financial Times đề cập. Thông tin đưa ra giữa lúc quan hệ Mỹ - Trung Quốc leo thang căng thẳng khi gần đây Bắc Kinh liên tục đưa máy bay quân sự áp sát đảo Đài Loan.

Trong 4 ngày đầu tháng 10, Trung Quốc đã điều động gần 150 máy bay quân sự áp sát Đài Loan. Đây là số lượng máy bay kỷ lục được Bắc Kinh triển khai tới gần hòn đảo.

Trung Quốc ngày 13/10 nói rằng, các hoạt động quân sự của nước này ở gần Đài Loan là động thái "chính đáng" để bảo vệ hòa bình và ổn định, đồng thời đổ lỗi cho sự "thông đồng" của Đài Loan với các lực lượng nước ngoài, ám chỉ Mỹ, là nguyên nhân gây ra căng thẳng. Bắc Kinh cũng cảnh báo Washington "không nên ảo tưởng về việc tìm kiếm sự hỗ trợ và hợp tác từ phía Trung Quốc, nếu vẫn cố ý thách thức lằn ranh đỏ của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan".

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời và tuyên bố sẵn sàng thống nhất bằng mọi giá, kể cả bằng vũ lực. Bắc Kinh xem đó là "lằn ranh đỏ", yêu cầu các nước tôn trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc".