1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc thay cách gọi vùng biển để âm mưu gia tăng kiểm soát Biển Đông

An Bình

(Dân trí) - Trung Quốc đã thay đổi từ ngữ của một quy định hàng hải để xác định vùng biển giữa tỉnh Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là một “khu vực ven bờ” thay vì “ngoài khơi” như trước đây.

Trung Quốc thay cách gọi vùng biển để âm mưu gia tăng kiểm soát Biển Đông - 1

Ảnh vệ tinh chụp một khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Ảnh: CSIS/AMTI)

Các nhà phân tích cho rằng động thái này nằm trong âm mưu của Bắc Kinh nhằm tham vọng kiểm soát vùng biển này nhiều nhất có thể.

Theo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, từ ngữ thay đổi xuất hiện trong một bản cập nhật về một quy định có từ năm 1974, liên quan tới các quy tắc kỹ thuật để kiểm tra theo quy định các tàu hoạt động trên biển. Bản cập nhật này có hiệu lực kể từ hôm nay, 1/8.

Trong quy định, có tên gọi “Các quy tắc kỹ thuật để kiểm tra các tàu biển trong các chuyến đi nội địa”, Trung Quốc ngang nhiên xác định “Khu vực hàng hải Hải Nam - Tây Sa”, nằm giữa 2 điểm trên đảo Hải Nam và 3 điểm ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc trái phép gọi là Tây Sa.

Zhang Jie, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng động thái trên có thể là nhằm tăng cường quản lý trái phép quần đảo Hoàng Sa bằng cách sử dụng các luật trong nước.

“Dù điều này không trực tiếp nhắm tới việc tăng cường quản lý, nó vẫn có tác dụng đó”, chuyên gia trên nói.

Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học kỹ thuật Nanyang (Singapore), cũng đồng quan điểm như vậy. Ông cho rằng điều này có thể không bất ngờ, đặc biệt là sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập trái phép các quận hành chính để kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trung Quốc đang đối mặt với sự chỉ trích ngày càng gia tăng trên trường quốc tế vì các yêu sách đơn phương đối với hầu hết Biển Đông.

Hồi đầu tháng này, Mỹ và Australia đã ra tuyên bố mạnh mẽ lên án các yêu sách trên là phi pháp, không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong một công hàm ngoại giao gửi lên Liên Hợp Quốc ngày 29/7, Malaysia cũng bác bỏ yêu sách chủ quyền "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông.

Sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách sử dụng luật trong nước để quản lý trái phép các vùng biển và tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.