1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc tham gia TPP: Sự lọc lõi của Bắc Kinh

Trung Quốc nhăm nhe muốn vào TPP là điều không được tiên liệu bởi chiến lược tái cân bằng của Mỹ là để đối đầu với Trung Quốc.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế trao đổi với Đất Việt những vấn đề xung quanh thông tin Trung Quốc có thể tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

PV: - Truyền thông Mỹ vừa dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết các quan chức Trung Quốc đã ngỏ ý muốn tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông có bất ngờ trước thông tin này? Liệu khả năng Trung Quốc tham gia TPP có sớm thành hiện thực?

TS Nguyễn Trí Hiếu: - Khả năng Trung Quốc gia nhập TPP là có nhưng trước tiên cần hiểu ý đồ của Mỹ khi xây dựng TPP là để tái cân bằng châu Á. Tái cân bằng ở đây mang nghĩa rất rộng, đó là tái cân bằng về lực lượng chính trị, quân sự, lực lượng kinh tế, thương mại, trong đó có mậu dịch. Do đó, không thể hiểu TPP chỉ là hiệp định thương mại tự do mà nó là một kế hoạch mang tính chính trị và kinh tế.

TPP có 12 thành viên, trong đó 11 thành viên là các nước tư bản, chỉ có duy nhất Việt Nam là thành viên theo định hướng XHCN. Về dân số, Việt Nam đứng thứ tư sau Mỹ, Mexico, Canada nhưng về GDP lại nhỏ nhất.

Việt Nam khá "can đảm" trong việc gia nhập TPP trong khi các nước khác ở trong hệ thống rất hùng mạnh, như Mỹ, Canada, Úc, Nhật...

Mục đích của TPP đã rõ ràng và Việt Nam tham gia với mong muốn mậu dịch sẽ được tự do hoá và sẽ mở rộng thị phần của mình trong TPP. Cho đến bây giờ, tất cả hàng hoá giao dịch trong TPP chiếm gần một nửa hàng hoá toàn cầu. Nhật, Mỹ, Úc, Canada và 8 nước khác đã qua thương thảo sôi nổi và gần đi đến kết thúc, họ tuyên bố chỉ những nước nào trong giai đoạn này gia nhập TPP mới có quyền đàm phán về những quy định trong thoả ước mà thôi, còn nước nào vào sau thì phải chấp nhận những thoả ước đó.

Riêng Tổng thống Obama mới đây được Quốc hội trao cho quyền đàm phán nhanh (TPA). Đây là bước tiến quan trọng, nếu không có nó chính phủ của ông Obama sẽ gặp rất nhiều trở lực ở Quốc hội để thông qua hiệp định này.

Trung Quốc có thể tham gia TPP trong thời gian tới
Trung Quốc có thể tham gia TPP trong thời gian tới 

Trung Quốc nhăm nhe muốn vào TPP là điều không được tiên liệu bởi chiến lược tái cân bằng của Mỹ là để đối đầu với Trung Quốc và với Nga, đặc biệt với Trung Quốc ở vùng Á châu, mà cụ thể là ở vùng Biển Đông.

Đối với Trung Quốc, việc muốn tham gia vào TPP chắc chắn nằm trong ý đồ chính trị của nước này vì Trung Quốc không muốn bị đứng ngoài cuộc chơi, mà cuộc chơi này sẽ làm thay đổi tình hình chính trị, quân sự và kinh tế của Mỹ và các nước  đồng minh của Mỹ. Có thể Trung Quốc đã nhìn thấy sự đe đoạ đó và họ có 2 lựa chọn: hoặc đối đầu với đe doạ đó hay nhập cuộc.

Dường như Trung Quốc đã quyết định chọn cách nhập cuộc để việc đối đầu chuyển hướng. Đó là thái độ khôn ngoan của Trung Quốc bởi nếu không, Trung Quốc sẽ phải đối đầu với lực lượng kinh tế rất hùng mạnh.

Có lẽ kịch bản lạc quan là nên cho Trung Quốc chơi cùng vì Trung Quốc phải theo quy luật của cuộc chơi đó và sự đối đầu Mỹ-Trung Quốc sẽ dịu đi. Nếu Trung Quốc tham gia cuộc chơi này, trong đó có cả Việt Nam thì việc đối phó của Việt Nam với Trung Quốc ở Biển Đông cũng sẽ có nhiều điểm thuận lợi hơn. Thành ra về phía Mỹ, Việt Nam, việc tham gia của Trung Quốc có lợi hơn bất lợi.

Ngay cả Nhật Bản hiện tại cũng đối đầu với Trung Quốc về mặt quân sự, việc Trung Quốc nhảy vào cuộc chơi TPP có thể sẽ thuận lợi cho Nhật Bản trong việc đối đầu với nước này. Khi Trung Quốc ngỏ ý muốn tham gia TPP có thể nước này đã chấp nhận rằng sẽ đồng ý với những quy định đã được thương thảo đến thời điểm này.

Tuy nhiên liệu 12 thành viên của TPP có đồng ý hay không? Chủ lực là Mỹ, nếu Mỹ chấp nhận thì có lẽ các thành viên khác cũng sẵn sàng. Bởi thế tất cả mọi chuyện nằm ở phía Mỹ có chấp nhận hay không vì nó sẽ thay đổi mục đích của Mỹ, Mỹ xây dựng ra TPP là để đối đầu với Trung Quốc, Trung Quốc muốn chơi chung thì thành ra vấn đề xoay trục sẽ phải định hướng lại.

Tôi cũng muốn nói thêm, Trung Quốc phải đối diện với phản ứng gay gắt của các nước trong vùng Á châu do những hành động bành trướng lực lượng quan sự tại các biển đảo. Họ khởi xướng Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) để nhiều nước tham gia nhưng Mỹ thì không bởi Washington nhìn thấy đây là ý đồ về chính trị của Trung Quốc. Trung Quốc xây dựng AIIB là muốn làm nhẹ nhàng hơn vấn đề đối đầu và bây giờ dường như cũng trong chiều hướng đó, Trung Quốc bày tỏ ý muốn tham gia TPP.

PV: - Từ trước tới nay, TPP được coi là một thách thức không nhỏ đối với kinh tế Trung Quốc. Quốc Vụ viện Trung Quốc, việc thực thi TPP sẽ “làm giảm bớt lợi thế về giá” của Trung Quốc trong việc xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp và “tác động đến sự mở rộng ra nước ngoài của doanh nghiệp nước này”. Theo ông, trong trường hợp Trung Quốc tham gia TPP, những thách thức nói trên có được hóa giải không và vì sao?

TS Nguyễn Trí Hiếu: - Đây là một ẩn số. Khi 12 nước thành viên TPP đi vào một môi trường kinh doanh tự do hoá thì năng lực cạnh tranh của các nước sẽ tăng lên rất nhiều, nhất là mậu dịch toàn cầu chiếm đến gần một nửa trong nhóm TPP. Điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của Trung Quốc.

Giờ Trung Quốc muốn nhảy vào chơi chung, thành ra đây sẽ làm một ẩn số, là bài toán mà các nhà hoạch định chính sách sẽ phải tính toán: liệu việc Trung Quốc nhảy vào TPP có làm tăng được tính cạnh tranh của 12 thành viên khác hay không vì Trung Quốc vào TPP cũng sẽ tự do hoá như tất cả các nước khác và chơi trong cùng 1 thị trường. Đây là 1 bài toán rất mới chưa thể đo lường được tầm ảnh hưởng của nó về kinh tế cũng như tác động đến năng lực cạnh tranh của 12 nước thành viên còn lại.

PV: - Từ phía Mỹ, việc thành lập TPP được coi như là phương cách đối phó với lợi thế về giá của Trung Quốc. Với sự tham gia của Trung Quốc, mục tiêu này có đạt được không? Tính toán của Mỹ khi Trung Quốc thực sự tham gia hiệp định này sẽ phải thay đổi như thế nào?

TS Nguyễn Trí Hiếu: - Như tôi đã nói, Trung Quốc thành lập ra TPP là để đối đầu với Trung Quốc. Mục tiêu của Mỹ chắc sẽ không thay đổi dù Trung Quốc có tham gia TPP hay không bởi Trung Quốc luôn muốn tạo ra một thế mạnh ở vùng Á châu và thế giới. Vấn đề đối đầu với Trung Quốc sẽ vẫn là vấn đề tại thời điểm hiện tại và trong tương lai, chỉ có cách chơi và sân chơi thay đổi. Việc Trung Quốc tham gia TPP có thể sẽ giúp cho Mỹ thuận lợi hơn trong việc đối đầu với Trung Quốc.

PV: - Trong trường hợp Trung Quốc tham gia TPP, thế mạnh hàng giá rẻ cộng với việc miễn thuế sẽ tạo cho hàng hóa Trung Quốc lợi thế thế nào và sẽ gây áp lực đối với nền kinh tế các nước thành viên như thế nào, thưa ông? Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào từ việc này?

TS Nguyễn Trí Hiếu: - Chắc chắn nó sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hoá của Trung Quốc. Nếu đứng ngoài TPP, hàng của Trung Quốc sẽ gặp những rào cản rất lớn về kỹ thuật, pháp lý của 12 thành viên còn lại. Ngược lại, nếu Trung Quốc tham gia vào cuộc chơi, không có rào cản nữa thì chắc chắn lợi thế cạnh tranh của hàng hoá Trung Quốc sẽ tăng lên rất nhiều, gây áp lực đối với nền kinh tế của các nước thành viên.

Đối với Việt Nam, việc Trung Quốc vào TPP có lẽ có lợi cho Việt Nam ở từng phương diện, từng lĩnh vực. Hàng hoá của Việt Nam bán sang Trung Quốc sẽ được miễn thuế và có nhiều thuận lợi, nhưng đồng thời hàng hoá của Trung Quốc cũng sẽ tràn vào Việt Nam và không còn rào cản nào. Như vậy, về xuất khẩu có thể có lợi cho Việt Nam nhưng nó có thể làm tăng nhập khẩu nhiều hơn từ Trung Quốc vào Việt Nam. Cuối cùng nó có lợi cho Việt Nam hay không, đây là bài toán mà các nhà làm chính sách, kế hoạch phải đưa ra những tính toán mới.

Trên nguyên tắc, việc Trung Quốc tham gia TPP chắc chắn sẽ có điều bất lợi và có cái giá phải trả, nhưng nhìn chung nó có lợi cho tất cả các nước, dù đây là 1 cuộc chơi rất mới mà chưa ai tính toán được lợi ròng hay hại ròng từ cuộc chơi này.

Mọi người kỳ vọng trong việc tự do hoá mậu dịch, tất cả những rào cản về pháp lý, kỹ thuật sẽ được dỡ bỏ và ngay cả trong lĩnh vực ngân hàng, các ngân hàng Trung Quốc có thể gia nhập vào thị trường Việt Nam mà không có bất kỳ rào cản nào và ngược lại. Nhưng rõ ràng, về lĩnh vực ngân hàng, Việt Nam khó mà sang được Trung Quốc trong khi Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn nhiều với đồng vốn, sản phẩm ngân hàng của họ, vị thế của họ trên thị trường tài chính thế giới.
Dù vậy, về mặt hàng hoá tiêu dùng, nếu việc Trung Quốc muốn tham gia TPP thành hiện thực, nó sẽ có lợi cho Việt Nam. Việt Nam có thể mở rộng được thị trường và bán hàng sang Trung Quốc mà không gặp rào cản nào cả. Đặc biệt, giữa Việt Nam và Trung Quốc có hiện tượng buôn lậu rất phổ biến. Nếu Trung Quốc vào TPP, tất cả rào cản về thuế, mậu dịch, kỹ thuật được gỡ bỏ và có thể nó sẽ làm giảm lượng hàng lậu, từ đó có lợi thế mới cho Việt Nam.

Theo Thành Luân/Đất Việt