1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

TPP rộng đường, Trung Quốc lo lắng

TPP được xem là mối đe dọa đến nền kinh tế hoặc thậm chí là tương lai của Trung Quốc.

Với 62 phiếu thuận và 37 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 22-5 (giờ địa phương) chính thức thông qua dự luật Quyền thúc đẩy thương mại (TPA), vốn trao cho Tổng thống Mỹ Barack Obama quyền đàm phán nhanh các thỏa thuận thương mại trong vòng 6 năm mà quốc hội chỉ có thể thông qua hoặc bác bỏ chứ không được chỉnh sửa.

Ủng hộ và phản đối

Đây được xem là một thắng lợi đối với ông Obama, người đang cần TPA để hoàn tất quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn là một phần quan trọng trong chính sách xoay trục sang châu Á của mình.

Dù qua được ải thượng viện, TPA còn phải được hạ viện thông qua vào tháng 6 - một thách thức được cho là còn cam go hơn. Một khi lưỡng viện quốc hội Mỹ thông qua TPA, 12 nước thành viên TPP chỉ cần một vòng đàm phán nữa là có thể hoàn tất thương thảo hiệp định này.

Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Úc Andrew Robb hy vọng quá trình này sẽ hoàn tất trong tháng 6. Một khi được ký kết, TPP sẽ giúp hình thành một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.

Hãng tin Reuters nhận định quá trình tranh luận và bỏ phiếu về TPP cho thấy sự chia rẽ không nhỏ trong quốc hội Mỹ. Lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại thượng viện Mitch McConnell nhận định: “Với việc thông qua dự luật TPA, rõ ràng chúng ta đang dốc sức thúc đẩy các cơ hội mới và tốt hơn về lương bổng, việc làm cũng như giúp kinh tế Mỹ thêm vững chãi”.

Trái lại, một số nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ không ủng hộ TPP do lo ngại công ăn việc làm của người Mỹ sẽ bị mất cũng như những tác động tiềm tàng đối với môi trường. Một số người bảo thủ thì phản đối việc trao cho Nhà Trắng thêm quyền lực.

Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ lãnh đạo các nước tham gia TPP tại Bắc Kinh tháng 11-2014
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ lãnh đạo các nước tham gia TPP tại Bắc Kinh tháng 11-2014

Đe dọa Trung Quốc

TPP là một mối thách thức không nhỏ đối với Trung Quốc. Giới phân tích nhận định TPP đang chi phối chính sách của Bắc Kinh ở một số phương diện. Theo trang tin MarketWatch, TPP luôn được xem là một câu lạc bộ thương mại của “ai đó ngoại trừ Trung Quốc”, vốn đe dọa nền kinh tế hoặc thậm chí là tương lai của nước này.

“Sự phát triển của TPP có tác động sâu sắc đối với những cải cách kinh tế của Trung Quốc. Ở một khía cạnh nào đó, nó nhằm vào Trung Quốc và nước này cần phải hành động trước” - ông Ronald Wan, Giám đốc điều hành của hãng Partners Capital International, nhận định.

Lãnh đạo Trung Quốc càng có lý do để lo lắng về TPP khi nền kinh tế nước này đang trong giai đoạn trì trệ. Kế hoạch tổng thể dành cho chiến lược sản xuất trong tương lai (được gọi là “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2015”) nêu rõ mối đe dọa do TPP gây ra đối với thương mại đất nước. Theo Quốc Vụ viện Trung Quốc, việc thực thi TPP sẽ “làm giảm bớt lợi thế về giá” của Trung Quốc trong việc xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp và “tác động đến sự mở rộng ra nước ngoài của doanh nghiệp nước này”.

Sáng kiến thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) cũng là nhằm đối phó TPP và tranh giành quyền lực với Mỹ cùng đồng minh Nhật Bản tại châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến nay, tổng cộng 57 nước gia nhập AIIB với tư cách thành viên sáng lập nhưng không có Mỹ và Nhật Bản.

Ngân hàng này sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2015 với mức vốn ban đầu 100 tỉ USD, trong đó Trung Quốc góp nhiều nhất (khoảng 30%). Để làm đối trọng với AIIB, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mới đây đã công bố kế hoạch dành 110 tỉ USD hỗ trợ các dự án hạ tầng ở châu Á trong 5 năm tới.

Phó tổng thống Mỹ chỉ trích Bắc Kinh

Phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Học viện Hải quân tại bang Maryland - Mỹ hôm 22-5, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết liệt phản đối các hành động ngang ngược của Trung Quốc tại biển Đông, như cải tạo đất quy mô lớn, dựng giàn khoan dầu, cấm đánh bắt cá...
 
Mô tả hoạt động ngang ngược của Trung Quốc tại biển Đông là một ví dụ về những thách thức trên thế giới, ông Biden nhấn mạnh: “Mỹ không bênh vực tuyên bố chủ quyền của quốc gia nào nhưng chúng ta sẽ tranh đấu không do dự cho các giải pháp hòa bình và hợp tình hợp lý cũng như cho quyền tự do hàng hải và những nguyên tắc đang bị thách thức bởi hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông”. Theo ông, chính sách đối ngoại của Mỹ là tìm kiếm sự cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương và đó là lý do 60% lực lượng hải quân Mỹ sẽ hiện diện tại khu vực này trước năm 2020”.
 
Một ngày trước đó, 2 thượng nghị sĩ Mỹ John McCain và Jack Reed gửi thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, đề nghị xem xét lại việc mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2016 ở Hawaii như một sự trừng phạt đối với việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo trái phép. Báo The Wall Street Journal dẫn nội dung lá thư khẳng định: “Vì những hành động khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông và Hoa Đông, chính quyền của chúng ta nên cân nhắc các chính sách khiến nước này phải trả giá”. Hai ông McCain (Đảng Cộng hòa) và Reed (Đảng Dân chủ) hiện lần lượt là chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện và nghị viên đứng đầu phe Dân chủ ở ủy ban này.
 

Đỗ Quyên

Theo Huệ Bình 
Người Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm