1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc tăng cường chuẩn bị ứng phó khủng hoảng Triều Tiên

(Dân trí) - Trung Quốc tăng cường công tác bảo đảm an ninh ở khu vực biên giới với Triều Tiên, bao gồm việc lắp camera giám sát, triển khai thêm quân và lắp đặt máy dò phóng xạ để ứng với với tình huống khẩn cấp.

Một binh sĩ Trung Quốc tại chốt gác ở biên giới với Triều Tiên. (Ảnh: Getty)
Một binh sĩ Trung Quốc tại chốt gác ở biên giới với Triều Tiên. (Ảnh: Getty)

Theo AFP, tình hình căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ trong thời gian gần đây đã làm dấy lên nỗi lo ngại ở Trung Quốc về khả năng xảy ra xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Kịch bản này có thể khiến hàng triệu người tị nạn Triều Tiên sống ở khu vực biên giới dài 1.420 km giáp Trung Quốc kéo sang quốc gia láng giềng. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng lo ngại nguy cơ rò rỉ phóng xạ xảy ra tại các thị trấn biên giới.

Trong khi giới chức trách âm thầm chuẩn bị các phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp trên bán đảo Triều Tiên, người dân Trung Quốc cũng nhận thấy sự gia tăng của các hoạt động tuần tra dọc biên giới chung giữa hai nước. Các thiết bị dò phóng xạ đã được lắp đặt ở các thị trấn biên giới và người dân địa phương cũng được khuyến cáo không nên giao lưu với người Triều Tiên.

Một băng rôn đỏ treo trên hàng rào biên giới ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, nơi được xem là trung tâm thương mại chính ngăn cách Trung Quốc với Triều Tiên bằng sông Áp Lục, có ghi dòng chữ: “Những người dân hoặc tổ chức phát hiện các hành động gián điệp cần thông báo ngay cho các cơ quan an ninh quốc gia”.

Bên ngoài thành phố Đan Đông, các trạm kiểm soát an ninh mới được nhìn thấy xuất hiện trên con đường chạy dọc sông Áp Lục. Người dân địa phương cho biết chúng được dựng lên từ tháng 10 năm ngoái.

“Trước đó, người Triều Tiên thường đi sang phía khu vực của chúng tôi để bắt cá. Nhưng giờ họ không dám làm vậy nữa. Quân đội tiến hành tuần tra và theo dõi”, Zhang Fuquan cho biết tại trại nuôi cá của ông ở bên bờ sông Áp Lục phía Trung Quốc.

Ở phía bên kia bờ sông, các binh sĩ Triều Tiên vẫn đang tập trung theo dõi từ các đài quan sát. Ít nhất một máy bay chiến đấu được nhìn thấy giám sát khu vực này từ trên cao. Phóng viên AFP đã phát hiện ra máy bay này và các chuyên gia cho biết đây là máy bay ném bom Ilyushin Il-28 từ thời Liên Xô hoặc là phiên bản sao chép của Trung Quốc.

“Triều Tiên có thể đang triển khai máy bay do thám dọc sông Áp Lục. Họ muốn theo dõi những nơi có thể theo dõi ở phía Trung Quốc và cố tình đẩy Bắc Kinh vào trạng thái báo động”, Rick Fisher, Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, cho biết.

Kiểm soát biên giới

Cầu Hữu Nghị nằm ở biên giới Triều Tiên và Trung Quốc bắc qua sông Áp Lục. (Ảnh: Reuters)
Cầu Hữu Nghị nằm ở biên giới Triều Tiên và Trung Quốc bắc qua sông Áp Lục. (Ảnh: Reuters)

Trên đập thủy điện Sup'ung quy mô lớn, nơi cung cấp điện cho cả Triều Tiên và Trung Quốc, các camera cũng được triển khai để giám sát sông Áp Lục.

“Biên giới đang được kiểm soát chặt chẽ”, Yin Guoxie, 75 tuổi, người từng làm việc tại đập Sup'ung, cho biết.

Theo ông Yin, người Triều Tiên không được phép sở hữu thuyền nhằm hạn chế số vụ vượt biên sang Trung Quốc.

“Nếu họ sang bên này, chúng tôi sẽ bắt họ và đưa họ trở lại”, ông Yin cho biết thêm.

Ở thành phố Long Tỉnh, Trung Quốc - nơi sông Tumen đóng băng trong suốt mùa đông, các ngôi làng đã thành lập những đơn vị bảo vệ biên giới và các quân nhân đã dạy cách tự vệ cho người dân. Cơ quan tuyên truyền địa phương cho biết hàng trăm camera đã được lắp đặt hồi năm ngoái để dựng thành “hệ thống giám sát biên giới thứ hai”. Đây là biện pháp nhằm giảm số lượng người Triều Tiên đào tẩu sang Trung Quốc trước khi tới Hàn Quốc.

Nỗi lo hạt nhân

5 trong số 6 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên được thực hiện ở dưới núi Mantap tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, cách biên giới phía đông bắc với Trung Quốc khoảng 80 km. Khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân, người dân Trung Quốc vẫn cảm nhận được những rung chấn sau đó. Các nhà khoa học Trung Quốc và nước ngoài cũng lo ngại rằng ngọn núi cao 2.200 m này có thể sụp đổ nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử hạt nhân tại đây trong tương lai.

Sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hồi tháng 9 năm ngoái, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc đã tiến hành đo đạc phóng xạ khẩn cấp song không phát hiện dấu hiệu bất thường.

Tại khu vực biên giới Đan Đông, giới chức Trung Quốc tuần trước cũng đã tiến hành kiểm tra để bảo đảm rằng các thiết bị giám sát và bảo vệ trước phóng xạ hạt nhân vẫn hoạt động tốt. Ở ngôi làng Lagushao, các phóng viên của AFP đã nhìn thấy một “trạm giám sát tự động môi trường phóng xạ” đặt bên trong một căn lều. Theo giáo sư Guo Qiuju tại Đại học Bắc Kinh, trạm này có khả năng phát hiện phóng xạ ở khu vực biên giới và nếu có hiện tượng bất thường, người dân sẽ được cảnh báo.

Hồi tháng trước, một tờ báo nhà nước ở tỉnh biên giới Cát Lâm của Trung Quốc đã dành một trang để đăng tải những lời khuyên dành cho người dân trong trường hợp xảy ra chiến tranh hoặc thảm họa hạt nhân.

Thành Đạt

Theo AFP