1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc tăng cường can dự vào Trung Đông

Thanh Thành

(Dân trí) - Trung Quốc sẽ tổ chức hàng loạt cuộc gặp với các đại diện từ Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), động thái được cho là sẽ tạo cơ hội để Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng và vị thế trong khu vực.

Trung Quốc tăng cường can dự vào Trung Đông - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại Bắc Kinh hồi năm 2019 (Ảnh: Anadolu).

Theo các phương tiện truyền thông địa phương, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian sẽ thăm Trung Quốc vào cuối tuần này với nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran lịch sử đã ký năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Hãng tin Press của Iran cho biết, chuyến đi của Bộ trưởng Amir-Abdollahian đánh dấu chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc của một thành viên trong nội các Iran kể từ khi Tổng thống Ebrahim Raisi lên nắm quyền vào tháng 8/2021.

Ngoài vấn đề thỏa thuật hạt nhân Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Saeed Khatibzadeh hôm 10/1 cho biết, thỏa thuận 25 năm về hợp tác kinh tế và an ninh, được ký với Trung Quốc vào tháng 3/2021, cũng là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các đối thủ phe Sunni chính của Iran trong khu vực cũng đã cử phái đoàn đến Trung Quốc. Các quốc gia GCC do người Sunni nắm quyền có mối quan hệ cạnh tranh gay gắt với người Shia ở Iran và thận trọng trước những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Các nhà lãnh đạo Ả rập Xê út và các quốc gia Ả rập khác cho rằng, bất kỳ thỏa thuận nào với Iran nên vượt ra ngoài các vấn đề hạt nhân và cũng bao gồm các chương trình và hoạt động tên lửa của nước này, mà theo họ là "gây bất ổn cho khu vực".

Hôm 8/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, các ngoại trưởng của 4 trong số 6 thành viên của GCC gồm Ả rập Xê út, Kuwait, Oman và Bahrain, cũng như Tổng thư ký GCC Nayef Falah al-Hajraf, sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 17/1 theo lời mời của Bắc Kinh.

An ninh cung cấp năng lượng và thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ là nội dung nóng nằm trên bàn nghị sự.

Chuyến đi của ông Amir-Abdollahian cũng diễn ra sau vòng đàm phán mới nhất vào tuần trước, vòng đàm phán đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Raisi về thỏa thuận hạt nhân.

Thỏa thuận năm 2015 có những điều khoản giới hạn đối với chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy viện trợ và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hạt nhân quốc tế, nhưng vào năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận trước khi áp dụng lại các lệnh trừng phạt đối với Iran. Tehran giận dữ tuyên bố sẽ không đàm phán trực tiếp với người Mỹ.

Mục tiêu cân bằng ngoại giao

Giáo sư Fan Hongda tại Viện Nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải cho rằng, việc đón tiếp các nhà ngoại giao hàng đầu của Iran sau chuyến thăm của ngoại trưởng các nước Vùng Vịnh có thể được coi là một phần trong hành động cân bằng ngoại giao của Bắc Kinh ở Trung Đông.

Là một trong số ít quốc gia duy trì quan hệ tốt đẹp với các quốc gia Ả Rập cũng như Iran và Israel, Trung Quốc đã tăng cường can dự vào Trung Đông trong những năm gần đây.

"Trung Quốc đã thúc đẩy ngoại giao cân bằng ở Vịnh Péc-xích bằng cách tăng cường hợp tác với Iran trong khi duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia Vùng Vịnh", giáo sư Fan nói. "Cả Iran và Ả Rập Xê út đều được coi là đối tác mà Trung Quốc gọi là đối tác toàn diện, một phản ánh của sự cân bằng đó".

Hy vọng về sự hồi sinh của thỏa thuận hạt nhân bùng lên vào năm ngoái khi Mỹ đồng ý với các bên ký kết còn lại gồm Trung Quốc, Nga, Anh, Đức, Pháp và Liên minh châu Âu (EU), vạch ra một con đường ngoại giao trong khi dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt, bao gồm cả việc hạn chế đi lại đối với các nhà ngoại giao Iran làm việc tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York.

Tuy nhiên, Washington đã cảnh báo rằng thời hạn để đạt được một thỏa thuận mới sắp hết. Tháng trước, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng có thể chỉ còn "vài tuần" trước khi các cuộc đàm phán không còn "khả thi".

Nhưng thực tế cho đến nay, vẫn còn quá nhiều điểm mấu chốt chưa được giải quyết, chẳng hạn như Iran đòi Mỹ cung cấp bảo đảm pháp lý rằng họ sẽ không rút khỏi thỏa thuận một lần nữa, một yêu cầu mà Washington sẽ khó chấp nhận.