1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc "siết" dạy thêm ngoài giờ nhằm giảm chi phí giáo dục

Thanh Thành

(Dân trí) - Trong nỗ lực nhằm giảm chi phí giáo dục cho các gia đình và thúc đẩy tỷ lệ sinh, chính phủ Trung Quốc đã mở chiến dịch nhằm chấn chỉnh hoạt động dạy thêm ngoài giờ đang tràn lan.

Trung Quốc siết dạy thêm ngoài giờ nhằm giảm chi phí giáo dục - 1

Các học sinh tiểu học Trung Quốc (Ảnh minh họa: Reuters).

Báo Nikkei Asia ngày 1/6 dẫn nguồn tin từ Cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc cho biết đã phạt 15 tổ chức giáo dục trực tuyến dạy học thêm ngoài giờ với tổng số tiền 36,5 triệu nhân dân tệ (5,7 triệu USD) vì đã quảng cáo sai sự thật, gian lận mức học phí.

Hai ứng dụng học trực tuyến được hai ông lớn Tencent, Alibaba hậu thuẫn là Yuanfudao và Zuoyebang cũng như các công ty dạy thêm hàng đầu nước này như New Oriental Education & Technology Group hay TAL Education Group nằm trong số các công ty bị phạt lần này, Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đưa tin.

Một quan chức tại Cục Quản lý Thị trường Nhà nước Trung Quốc cho biết, sau khi điều tra, họ phát hiện một số công ty đã làm giả bằng cấp giáo viên, giả mạo đánh giá người dùng và phóng đại hiệu quả của các lớp dạy thêm.

Một số công ty cũng tung ra các sự kiện khuyến mại hấp dẫn, kích thích mọi người đăng ký mua khóa học. Tuy nhiên, những hình thức khuyến mãi đó dễ gây hiểu lầm. Theo đó, các công ty giáo dục sẽ tăng giá khóa học lên mức cao ngất ngưởng và sau đó tung chương trình khuyến mãi giảm giá sâu để thúc đẩy doanh số bán hàng.

"Người mua sẽ nghĩ mình được lợi lớn khi mua khóa học giảm giá đó nhưng trên thực tế không phải vậy. Mọi người rất dễ bị trúng bẫy như vậy", Nhân dân Nhật báo dẫn lời quan chức trên cho biết thêm.

Các cơ quan quản lý thị trường ở hai thành phố lớn đông đúc Thượng Hải và Quảng Đông cũng phạt một số tổ chức dạy thêm ngoài giờ khác, với mức tổng cộng 24 triệu nhân dân tệ vì những vi phạm tương tự.

Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực cắt giảm chi phí giáo dục nhằm thúc đẩy các cặp vợ chồng sinh con trong bối cảnh tỷ lệ sinh ở nước này giảm mạnh đáng lo ngại. Động thái này cũng diễn ra vào thời điểm việc đi học thêm sau giờ học đã trở thành thói quen hàng ngày của hầu hết học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở nước này.

Tăng trưởng của khu vực giáo dục tư nhân và các tổ chức dạy thêm bùng nổ trong thời gian diễn ra dịch bệnh khi hàng trăm triệu học sinh buộc phải học online tại nhà. Nhiều phụ huynh tìm kiếm gia sư tại nhà vì không hài lòng với các lớp học trực tuyến của các trường học truyền thống.

Nhưng việc học ngoại khóa đã gây áp lực lớn cho con trẻ, cũng như tạo gánh nặng tài chính cho phụ huynh. Áp lực chi phí nuôi con là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ không muốn có con.

Dân số Trung Quốc đang già hóa trong khi tỷ lệ sinh giảm mạnh. Trong khi Trung Quốc đã nới lỏng chính sách một con nghiêm ngặt từ năm 2015 và bắt đầu cho phép các cặp vợ chồng sinh 3 con, nhiều người dân ở nước này, nhất là người trẻ, lại ngại sinh con trước chi phí nuôi dạy quá đắt đỏ.

Hồi tháng 5, theo Reuters, giới chức Trung Quốc đang thảo luận các quy định mới về việc cấm dạy thêm. Theo nguồn tin, quy định này có thể sẽ sớm được công bố.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm