Trung Quốc quyết liệt chấn chỉnh "vấn nạn" khoe của trên mạng xã hội
(Dân trí) - Các bài đăng trên mạng với hành vi khoe biên lai xa xỉ, đắt đỏ hoặc kiểu tiêu xài vung tay quá trán bị chính quyền Trung Quốc xếp vào danh sách "nội dung phản cảm" và khiến giới trẻ lạc lối.
Mới đây, video của một blogger nổi tiếng Trung Quốc đăng trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, đã thu hút hàng triệu lượt xem. Tuy nhiên, nội dung đoạn video bị coi là vi phạm quy định quản lý Internet mới ở Trung Quốc.
Nội dung video bắt đầu bằng việc blogger này khám phá phòng xông hơi khô trong phòng tắm lộng lẫy của một "phòng tổng thống" tại một khách sạn đắt đỏ, sau đó qua phòng ăn, nơi một đầu bếp chờ đợi phục vụ thượng khách một miếng bít tết dát vàng. Sáng hôm sau, anh ta thức dậy với bữa điểm tâm bằng tôm hùm.
"Hóa đơn hôm nay: 108.876 nhân dân tệ (khoảng hơn 17.000 USD), blogger nói và vẫy biên lai trước ống kính. "Tôi ngủ một đêm mà mất đi nhiều chiếc iPhone", anh ta cười khúc khích.
Các nhà chức trách Trung Quốc gần đây đã tuyên chiến với các nội dung được coi là "phô trương sự giàu có" trên mạng xã hội, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, đang kêu gọi thịnh vượng chung cho toàn xã hội.
Blogger trên đã thu hút 28 triệu người theo dõi trên Douyin bằng cách đăng video thưởng thức đặc sản và thăm các khách sạn đắt tiền của mình. Nhưng sau khi bị phương tiện truyền thông nhà nước chỉ trích, anh đã xóa những video đó. Các bài đăng gần đây của anh chỉ đăng những video thưởng thức các món ăn ở cửa hàng bình dân.
Zhang Yongjun, một quan chức cấp cao của cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc, cho biết tại một cuộc họp báo năm nay: "Chúng tôi sẽ tăng cường quản lý và siết kiểm soát để các nền tảng internet cảm thấy có một thanh gươm trên đầu họ".
Không có định nghĩa rõ ràng về hành vi "phô trương sự giàu có" nhưng các quan chức đã đưa ra một vài ví dụ cụ thể, chẳng hạn như khoe biên lai xa xỉ, gọi quá nhiều món đắt đỏ...
Ông Zhang nói: "Tiêu chuẩn là mức độ tác động của nội dung. Sự lan tỏa của nội dung này có thể truyền cảm hứng cho mọi người sống khỏe mạnh, có hoài bão và làm việc chăm chỉ hơn vì cuộc sống tươi đẹp, hay phục vụ cho những ham muốn thô tục của mọi người?".
Douyin thông báo đã khóa khoảng 4.000 tài khoản trong 2 tháng, trong đó có tài khoản đăng video về những người rải tiền nơi công cộng. Trong khi đó, Xiaohongshu, ứng dụng giống Instagram, hồi tháng 11 thông báo đã gắn cờ cảnh cáo gần 9.000 bài đăng khoe khoang sự giàu có từ tháng 5 đến tháng 10.
Bất bình đẳng trong xã hội Trung Quốc hiện nay là rất lớn. Theo Viện Nghiên cứu Credit Suisse, 1% người Trung Quốc sở hữu 31% tài sản của đất nước. Đại dịch Covid-19 càng làm lộ rõ sự chênh lệch, khi người giàu quay lại chi tiêu xa xỉ trong khi những người nghèo rơi vào khó khăn cùng cực.
Giá nhà ở đô thị cao ngất ngưởng và thị trường việc làm ngày càng khốc liệt khiến nhiều người trẻ cảm thấy rằng "Giấc mơ Trung Hoa" đang ở ngoài tầm với. Thậm chí, ông Tập Cận Bình còn gọi khoảng cách giàu nghèo là một "vấn đề chính trị lớn" ảnh hưởng đến tính hợp pháp của đảng Cộng sản nước này.
Trong một xu hướng lan rộng vào năm 2018, người dùng Trung Quốc đã đăng những bức ảnh chụp chính họ nằm trên đống tiền rải dưới mặt đất, xung quanh là những đồ vật đắt tiền. Nhiều công ty đã ra đời để giúp khách có nhu cầu trông có vẻ giàu có hơn họ trong các video đăng trên mạng.
Từ mùa hè năm ngoái, các nhà chức trách đã bắt đầu chú ý đến tình trạng này. Vào tháng 7/2020, cơ quan quản lý không gian mạng nước này đã công bố kế hoạch "làm sạch triệt để thông tin thúc đẩy các giá trị xấu như so sánh hoặc phô trương sự giàu có, thú vui xa hoa...". Chiến dịch được truyền thông Trung Quốc lan truyền rộng rãi, trong đó Tân Hoa Xã đăng bài nhận định phô trương sự giàu có "làm thối rữa bầu không khí xã hội". Xiaohongshu gần đây đề nghị người dùng tạo video công kích hành vi khoe của.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa rõ chiến dịch chống phô trương sự giàu có đang được thực thi như thế nào và nghiêm ngặt ra sao. Hồi tháng 10, hai mạng lớn là Douyin và Kuaishou đã bị phạt 31.000 USD vì để lan truyền nội dung mà giới chức Trung Quốc cho là "quảng bá tiêu xài quá mức".