Trung Quốc "quyến rũ" Sri Lanka, Ấn Độ đứng ngồi không yên
(Dân trí) - Ấn Độ đang ngày càng lo ngại về sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở Sri Lanka, cảnh báo nước này về nguy cơ rơi vào "bẫy nợ", sau khi Bắc Kinh liên tục hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho Colombo.
Sau khi dự luật gây tranh cãi về dự án 1,4 tỷ USD xây Đặc khu kinh tế (SEZ) bên cạnh cảng chính ở thủ đô Colombo của Sri Lanka được thông qua, Ấn Độ càng lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Dự luật ủy ban kinh tế thành phố cảng Colombo này đã được quốc hội gồm 225 thành viên của Sri Lanka thông qua hồi tháng trước. Điểm gây chú ý và tranh cãi của dự luật này là một cơ quan gồm 7 thành viên được tổng thống chỉ định có toàn quyền kiểm soát mọi quyết định liên quan đến thành phố cảng Colombo.
Những người chỉ trích lo ngại, nếu quốc hội không có quyền giám sát, dự án này sẽ "nằm gọn" trong tay nhà đầu tư CHEC Port City Colombo, chi nhánh của Công ty xây dựng truyền thông nhà nước Trung Quốc (CCCC).
Theo thông báo trên trang web của dự án, CHEC Port City Colombo - đã rót vốn 1,4 tỷ USD để cải tạo đất và xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp giáp với cảng Colombo - được quyền sử dụng 62 ha đất (dưới 1/4) theo hợp đồng thuê 99 năm từ chính phủ Sri Lanka.
Thành phố cảng quy mô này là dự án cơ sở hạ tầng lớn thứ ba ở Sri Lanka do Trung Quốc hậu thuẫn. Vì vậy, New Delhi ngày càng lo ngại Bắc Kinh đang dùng tiền để mở rộng phạm vi địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương, vốn thường được coi là "sân sau" của Ấn Độ, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Kanwal Sibal nhận định.
Mặc dù Sri Lanka khẳng định ưu tiên "chính sách Ấn Độ trên hết", New Delhi vẫn lo ngại. "Đây chỉ là những tuyên bố ngoại giao để ve vãn Ấn Độ. Ấn Độ đang thua thiệt không chỉ ở Sri Lanka mà còn ở cả Nepal", cựu Ngoại trưởng Sibal nói.
Theo nhà ngoại giao kỳ cựu này, Ấn Độ không thể sánh với nguồn lực kinh tế của Trung Quốc, trong khi Colombo đã bác bỏ những cảnh báo về nguy cơ rơi vào "bẫy nợ" của Bắc Kinh.
Không ngại chi tiền đầu tư
Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Sri Lanka. Theo Tổ chức tư vấn Gateway House có trụ sở tại Mumbai (Ấn Độ), Bắc Kinh đã chi hơn 15 tỷ USD đầu tư vào Sri Lanka kể từ năm 2005. Rajiv Bhatia, một thành viên của tổ chức này, cho biết: "Chính sách tăng trưởng kinh tế đang gặp nhiều khó khăn khiến Sri Lanka phụ thuộc vào Trung Quốc, động thái vừa làm khó cho chính họ và cho cả Ấn Độ".
Cho đến năm 2019, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn nhất của Sri Lanka, trong đó thương mại song phương là 4,5 tỷ USD và là nhà đầu tư lớn thứ hai với 1,2 tỷ USD.
Dự án thành phố cảng Colombo là một phần của sáng kiến Vành đai và con đường đầy tham vọng của Trung Quốc. Năm 2017, Sri Lanka đã giao quyền sử dụng cảng biển chiến lược Hambantota cho một công ty Trung Quốc theo hợp đồng thuê có thời hạn 99 năm, gần tuyến đường vận tải đông tây nhộn nhịp nhất thế giới, nhằm phục hồi kinh tế sau gánh nặng trả khoản vay xây dựng của Bắc Kinh.
Ấn Độ lo Trung Quốc có thể sử dụng cảng Hambantota làm căn cứ quân sự ở nước ngoài của lực lượng hải quân đang được mở rộng quy mô. Hồi tháng 2, Sri Lanka đã tuyên bố nắm quyền điều hành hoàn toàn việc xây dựng cảng container phía Đông (ECT) ở cảng Colombo mặc dù trước đó đã thông báo sẽ do Ấn Độ và Nhật Bản điều hành.
Chính phủ Ấn Độ chưa có bất kỳ tuyên bố chính thức nào về vụ việc này, nhưng có những đồn đoán rằng, Sri Lanka đã đột ngột rút khỏi thỏa thuận chung với Ấn Độ và Nhật Bản do sức ép của Trung Quốc.
Ở ngay trong nước, dự luật thành phố cảng Colombo đã bị các đảng đối lập địa phương và các nhóm xã hội dân sự chỉ trích vì thiếu minh bạch và cả việc Bắc Kinh nắm quyền quá mức. Đã có 19 đơn kiện chống lại dự luật trên được đệ trình lên Tòa án Tối cao Sri Lanka.
Tòa án Tối cao Sri Lanka đã chặn dự luật trên với phán quyết rằng một số điều khoản trong dự luật này là vi phạm hiến pháp. Tòa yêu cầu điều khoản này cần có sự chấp thuận của 2/3 trong quốc hội và sự chấp thuận của người dân thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.
Chính phủ Thủ tướng Mahinda Rajapaksa rất chú trọng dự án này xem đó là tương lai phát triển kinh tế của Sri Lanka. Sri Lanka nợ nước ngoài hơn 51 tỷ USD và phải chi trả 3 tỷ USD vào cuối năm nay.
Thủ tướng Rajapaksa đã cố đưa ra những đề xuất sửa đổi các điều khoản quan trọng và đã được quốc hội thông qua. Chính phủ khẳng định, dự luật cuối cùng sẽ giúp các nhà đầu tư kinh doanh dễ dàng hơn và có lợi hơn. Thủ tướng Rajapaksa tuyên bố, dự án này sẽ tạo ra 200.000 việc làm trong 5 năm đầu tiên, hầu hết cho công dân của nước này.
Tuy nhiên, nghị sĩ quốc hội Harsha de Silva, vốn chỉ trích mạnh mẽ dự luật, nói rằng mặc dù Tòa án Tối cao đã vào cuộc giải quyết một số vấn đề, nhưng vẫn còn rất nhiều vướng mắc.