1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc nhảy vào "chảo lửa" Trung Đông khi Mỹ lơ là

Thanh Thành

(Dân trí) - Với chuyến thăm 6 nước Trung Đông gần đây của Ngoại trưởng Vương Nghị, Trung Quốc đã thể hiện rõ những toan tính mới của mình tại khu vực "nóng" nhất thế giới.

 Trung Quốc nhảy vào chảo lửa Trung Đông khi Mỹ lơ là  - 1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) gặp người đồng cấp - Ngoại trưởng Javad Zarif tại thủ đô Tehran, Iran ngày 27/3 (Ảnh: AFP).

Khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp khó trong các cách tiếp cận đầu tiên ở Trung Đông, Trung Quốc tận dụng điều này để tăng cường hiện diện tại một khu vực vốn luôn được ví như "chảo lửa" bằng những "cái bắt tay" quan trọng, như tại Iran, Israel và các nơi khác.

Thực tế đang cho thấy, dù Nhà Trắng đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng khắp thế giới, chính quyền của ông Biden vẫn chưa thể sữa chữa vị thế mong manh của Mỹ tại một số vị trí Á-Âu quan trọng. Và chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tận dụng "gót chân Achilles" này để trả đũa việc Mỹ đang nỗ lực xây dựng một liên minh để kiềm chế Trung Quốc.

Những động thái và tuyên bố mạnh mẽ của Bắc Kinh trong những ngày qua đã cho thấy thực tế này đang hiện hữu. Trong động thái mới nhất hôm 28/3, Trung Quốc và Iran đã chính thức ký kết thỏa thuận "Đối tác Chiến lược Toàn diện", một chiến lược dài hơi trong 25 năm nhằm khơi dậy những tiềm năng trong hợp tác kinh tế và văn hóa, cũng như vạch ra lộ trình hợp tác kéo dài. Trên truyền hình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh đã ca ngợi: "Văn kiện có thể nâng quan hệ song phương lên một tầm chiến lược mới".

Động thái trên không có gì bất ngờ. Đã có nhiều đồn đoán về một thỏa thuận như vậy và có lẽ cũng không phải ngẫu nhiên mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có chuyến công du đến 6 quốc gia Trung Đông và đến Tehran để ký kết vào đúng thời điểm khá nhạy cảm: chỉ 1 tuần sau cuộc gặp kịch tính với phái đoàn Mỹ tại bang Alaska.

Theo các nhà phân tích, mục đích của Bắc Kinh đã quá rõ ràng, đó là muốn gửi thông điệp quan trọng đến chính quyền của ông Biden: Nếu Mỹ muốn khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran (mà cựu Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ) cũng như gây áp lực kinh tế lên quốc gia Hồi giáo này, thì cần "bắt tay" với Trung Quốc.

Tham vọng của Bắc Kinh ở Trung Đông còn được thể hiện rõ qua những tuyên bố thúc đẩy trục liên minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Iran-Pakistan, với tổng cộng 300 triệu dân và hầu hết lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật của thế giới Hồi giáo. Mục tiêu quan trọng của Trung Quốc là "dằn mặt" Ấn Độ nếu New Delhi có ý định hợp tác với nhóm "Bộ Tứ" do Mỹ ủng hộ (với Australia và Nhật Bản) để kiềm chế Bắc Kinh.

Giới phân tích cho rằng nếu Iran hướng đến một thỏa thuận 3 bên với Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, như các chiến lược gia Trung Quốc dự đoán, Ấn Độ lúc đó chắc chắn sẽ bị cô lập. Đó là điều New Delhi không hề mong muốn bởi người Ấn đang nỗ lực cải thiện quan hệ với người Hồi giáo dòng Shiite tại Iran, nhằm tạo thế đối trọng với người Hồi giáo dòng Sunni tại Pakistan.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, khi đồng tiền của nước này suy yếu, thiếu hụt ngoại hối và mối quan hệ căng thẳng với Mỹ, họ đã phải phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Mới đây, các nguồn tin cho biết, các ngân hàng Trung Quốc đã chuẩn bị cho Thổ Nhĩ Kỳ vay 2,3 tỷ USD cho các dự án xây dựng cầu và đường thu phí bị đình trệ ở Istanbul. Đây là mức cam kết tài chính lớn nhất giữa Trung Quốc với Thổ Nhĩ Kỳ.

Động thái "tấn công" bằng kinh tế này của Trung Quốc diễn ra vào thời điểm cực kỳ nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Thổ. Chính quyền ông Biden đã chuyển các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban ở Afghanistan từ thủ đô Doha của Qatar đến Ankara, khiến cả Thổ Nhĩ Kỳ không bằng lòng. Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ hiện muốn hoãn cuộc họp đầu tiên với chính phủ Afghanistan và Taliban, dường như để gây áp lực lên Washington.

Và điều gây chú ý nhất hiện nay là lời đề nghị có một không hai của Bắc Kinh: Tổ chức hội nghị cho hòa bình Trung Đông ở Bắc Kinh, bao gồm các đại diện của Israel và Palestine. Đây là động thái rõ ràng nhằm khẳng định vai trò của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine. Đây thật sự là một động thái chưa từng có của Bắc Kinh, và cho thấy những toan tính mới của Trung Quốc tại một khu vực chưa bao giờ yên bình.